• Zalo

WSJ: Việt Nam đang tăng cường máy bay, tàu chiến

Thế giớiThứ Ba, 23/02/2016 11:31:00 +07:00Google News

Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã xấu hẳn đi sau vụ Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, tại quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo Wall Street Journal, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã xấu hẳn đi sau vụ Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5/2014 và gần đây nhất là sự kiện Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, tại quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đang từ hạng 43, Việt Nam nhảy vọt lên hạng 8 trong bảng xếp hạng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm-SIPRI về các nước nhập khẩu vũ khí trên toàn cầu. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, Việt Nam mua vào gần 3% vũ khí của thế giới, đứng trước cả Hàn Quốc và Singapore. Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là động cơ thúc đẩy Hà Nội tăng chi phí quân sự, truyền thông thế giới nhận định.
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam 
Theo các số liệu của viện SIPRI vừa được công bố ngày 22/2, trong thời gian từ 2011 đến 2015, Việt Nam đã mua vào 2,9 % vũ khí của thế giới. Đây là một tỷ lệ tương đương với Mỹ. Để so sánh, cũng trong giai đoạn vừa qua, một quốc gia như Hàn Quốc chỉ chiếm 2,6 % thị trường nhập khẩu vũ khí của toàn cầu, cho dù Seoul đang phải đối mặt với thách thức về an ninh, đặc biệt là trước những hành vi khiêu khích từ phía Triều Tiên.

Một điểm đáng lưu ý khác được báo cáo vừa được công bố sáng 22/2 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm nêu bật, đó là bước nhảy vọt rất dài của Việt Nam trên thị trường nhập khẩu vũ khí của toàn cầu. So với giai đoạn 2006-2010 chi phí quân sự của Việt Nam chỉ đứng hạng thứ 43 trên thế giới, tương đương 0,4 % thị phần quốc tế. Nhưng chỉ 5 năm sau, các khoản chi tiêu quân sự của Việt Nam đã được nhân lên gấp 7 lần.

Vài giờ trước khi SIPRI công bố báo cáo về các hoạt động mua bán vũ khí trên thế giới trong giai đoạn 5 năm từ 2011 đến 2015, nhật báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal dẫn lời ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam cho rằng, đầu tư vào các trang thiết bị quân sự của Việt Nam tăng mạnh là “điều hiển nhiên và cần thiết đặc biệt kể từ khi Biển Đông đang trở thành một điểm nóng”. Tuy nhiên ông Trục cũng nhấn mạnh rằng việc Việt Nam hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự nói trên không đặc biệt nhắm vào Trung Quốc.

Theo các số liệu chính thức, năm 2014 ngân sách quốc phòng của Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, một giọt nước so với khoản tiền 132 tỷ của Trung Quốc.

The Wall Street Journal nhìn nhận quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã xấu hẳn đi sau vụ Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5/2014 và gần đây nhất là sự kiện ảnh vệ tinh tiết lộ Bắc Kinh triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và cả Đài Loan. Việt Nam cũng không ngừng chỉ trích Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, một điểm nóng khác trong quan hệ song phương.

Theo các chuyên gia quân sự, tham vọng bành trướng của Trung Quốc với tình hình căng thẳng ở Biển Đông liên tục leo thang đã thôi thúc Việt Nam tăng chi phí quân sự. Chính sách hiện đại hóa quân đội của Việt Nam còn theo đuổi một chiến lược lớn lao hơn.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga có trang bị tên lửa dẫn đường ; trang bị máy bay tiêm kích Sukhoi Su30MK2, 6 tàu tuần duyên và hệ thống phòng không hiện đại do Israel chế tạoTheo nhận định của chuyên gia Siemon Wezeman, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm SIPRI, có thể đây chưa phải là những loại vũ khí tối tân nhất nhưng trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, việc hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự như vậy cũng là một tín hiệu Hà Nội gửi tới Bắc Kinh. Đó là trong trường hợp xảy ra xung đột, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng kháng cự.

Video: Chiến đấu cơ Nga phô diễn sức mạnh


Còn theo quan điểm của chuyên gia Carlyle Thayer, Học việc Quốc phòng Úc, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu vũ khí quan trọng của thế giới trong những năm sắp tới, đồng thời Việt Nam cũng đang hướng tới việc mở rộng công nghệ lắp ráp. Đương nhiên Hà Nội rất quan ngại trước những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và do vậy, theo giáo sư Thayer, không có lý do gì để Việt Nam ngừng hiện đại hóa bộ máy quân sự.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ còn nhập khẩu thêm tàu tuần tra, máy bay không người lái và những trang thiết bị phòng không hiện đại khác. Chuyên gia Carlyle Thayer nhắc lại, kể từ khi xóa bỏ cấm vận vũ khí sát thương trên biển với Việt Nam, Mỹ đang nóng lòng để trở thành một nhà cung cấp trang thiết bị quân sự cho Việt Nam, thu hẹp ảnh hưởng của Nga với quốc gia Đông Nam Á này.

Nguồn: Viettimes
Bình luận
vtcnews.vn