• Zalo

'Vương quốc' của thần hổ và ma trành

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/07/2013 06:59:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đi qua đấy không chết vì quân đạo tặc, thì cũng bỏ xác dưới móng hổ.

(VTC News) - Đi qua đấy không chết vì quân đạo tặc, thì cũng bỏ xác dưới móng hổ.


Kỳ 2: Đèo Ba Dội - 'vương quốc' của thần hổ và ma trành


Đang bon bon chạy trên Quốc lộ 1A, chiếc xe bốn chỗ bỗng ngoặt phải, lắc lư đưa bốn vị khách vào con đường nhỏ lúp xúp cỏ lau của Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Đường nhỏ và xấu dần, khi đến tấm biển xi măng cũ kỹ có mũi tên chỉ hướng đi bên phải đến Đền Sòng thì gần như mất lối.

Định thần một lát, họa sỹ Phan Bảo chỉ vào con đường đất nhỏ trước mặt, ra hiệu cứ nhằm thẳng hướng đó. Chốc chốc, con đường đoạn rải bê tông, đoạn đầy cỏ dại lại nở ra một ngã ba không biển chỉ dẫn, khiến chiếc xe ngần ngại không tiến thêm được nữa.

Bốn bề thanh vắng, chỉ thấy những đồi dứa đã thu hoạch hoặc rừng cây, vách núi đá, thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà khóa cửa, nên chúng tôi không thể hỏi thăm đường. Một vài lần xoay xở quay đầu do lạc lối, rồi chiếc xe cũng rồ ga vượt lên một ngọn đồi đất là con đèo đầu tiên của đèo Ba Dội.

Đèo Ba Dội là tên gọi khác của người dân về đèo Tam Điệp, từng được nhiều thi nhân đưa vào thơ phú, nổi bật phải kể đến bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương. Các triều đại xưa đều ghi dấu ấn đậm nét nơi huyết mạch giao thông đặc biệt trọng yếu này.
thần hổ
Con đường thiên lý qua đèo Ba Dội đã bị bỏ quên trăm năm 
Trên chính giữa ngọn đèo Ba Dội này, lưu dấu chân của không ít vị quân vương, danh nhân, chính khách của đất nước ta, từ vua Ngô Quyền, các vua nhà Lê, vua Quang Trung, hay câu chuyện về bữa cơm trưa đạm bạc của Hồ Chủ tịch trên đỉnh đèo Ba Dội…

Trước đây, muốn từ Nam ra Bắc (hoặc ngược lại) theo đường cái quan, người ta phải len lỏi qua những đồi núi đá vôi và rừng rậm để vượt qua ba con đèo trên dãy núi Tam Điệp. Vua chúa với võng lọng, ngựa xe, tiền hô hậu ủng hay thường dân áo vải gồng gánh đi bộ cũng cùng chung một lối như vậy thôi. 

Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp mới nổ mìn phá đá, xây dựng đường đi mới theo lối dốc Xây. Khoảng năm 1998 – 1999, nhà nước khai thông thêm một lối đi ra Bắc xuyên qua núi đá. “Nút cổ chai” thiên tạo Tam Điệp này được giải tỏa bằng hai làn đường ngược xuôi kề sát nhau.

Vì thế, đường qua đèo Ba Dội cơ hồ đã bị quên lãng ngót nghét cả trăm năm.

Con đèo phía nam cao chừng 80- 90m, đèo phía bắc thấp hơn, chừng 60- 70m, nối hai địa danh thờ Mẫu nổi tiếng nước ta là Đền Sòng (Bỉm Sơn) và Đền Dâu (Tam Điệp). Chính giữa là ngọn đèo cao 110m, nơi triều Nguyễn phân chia ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, hiện nay thuộc Thanh Hóa.
thần hổ
Họa sỹ Phan Bảo đang đọc bài thơ của vua Thiệu Trị viết năm 1842 khi đi qua đèo Ba Dội 
Trên chót đỉnh của ngọn đồi đất, có một ngôi lầu lục giác rộng rãi, kiến trúc đơn sơ, vừa để đặt những bát hương thờ thần núi và người xưa, vừa làm nơi nghỉ chân cho du khách tham quan thắng cảnh đèo Ba Dội. 

Lầu vừa được xây cất gần đây, trên chính nền của nhà bia cũ dựng từ năm 1842, bên trong có tấm bia đá lớn khắc bài thơ “Qua núi Tam Điệp” (Quá tam Điệp sơn) do vua Thiệu Trị cảm tác trên đường vi hành ra miền Bắc.

Cô cán bộ di tích trông coi nhà bia 13 năm nay mừng như vớ được vàng, vội nhờ khách đọc và dịch lại nội dung tấm bia mà cô thú thực chẳng biết viết gì. Họa sỹ Phan Bảo giương mục kỉnh tỉ mỉ ghi chép, lần sờ tay lên bia đá để đọc những chữ bị mờ:

“Con đường đang đi leo lên một ngọn núi cao vút đậm màu biếc xanh, từng bước từng bước thong thả như thể dận chân trên lưng con rồng. Không làm cái nhà dành cho vua thì giữ được vẻ hoang sơ của lối đi, mà che một thứ lều kiểu thần tiên cũng thừa vẻ khác lạ rồi. 

Từ xa cứ tưởng chỉ gặp một đỉnh núi thôi, trên cao vạch lá ra nhìn thì thấy xuất hiện hết ngọn này đến ngọn nọ. Các dãy núi răng cưa này là nơi phân định cảnh vật Thanh Hóa và Ninh Bình. Quanh đi quẩn lại thì đều là khí thiêng vẻ đẹp của xứ sở tạo nên cả”.

Họa sỹ Phan Bảo tạm dịch nghĩa bài thơ của vua Thiệu Trị như vậy. Theo ông, “không cầu kỳ chuyển sang thơ tiếng Việt làm gì, vừa mất công vừa khiến cho bài thơ nguyên tác chữ Hán què quặt đi nhiều”.
thần hổ
Tấm bia khắc bài thơ "Quá Tam Điệp sơn" của vua Thiệu Trị 
Phóng mắt từ đỉnh cao của đèo Ba Dội, chỉ thấy bốn bề núi đồi trùng điệp lô nhô bên dưới. Các đồi đều có dáng tròn tròn như bát úp, nom như ổ trứng của cùng một mẹ. Nước biếc non xanh trông như bức họa. 

Họa sỹ Phan Bảo kể thêm câu chuyện khác, ông từng biết một cụ già tóc bạc đứng trên đèo Ba Dội dẫm chân bình bịch mà than rằng: “Sống hơn 80 năm ở xứ Thanh, nay mới được thấy thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp này, thực là đáng tiếc, đáng tiếc”.

Vắt ngang qua ba ngọn đèo chỉ có một lối đi nhỏ. Bên các đèo phía nam thì đường dễ đi hơn do được phát quang và rải bê tông. Bên đèo phía bắc vẫn là con đường đất nhỏ cổ xưa, dường như chỉ dành cho người dân ra thăm đồi sắn nương dứa của mình.

Lần bước theo lối đi của người xưa trên con đường có bờ lau lách cao quá đầu người. Con đường thiên lý cổ có vẫn chỉ rộng chừng hai, ba mét, có chỗ hẹp hơn. Cỏ mọc um tùm chừa ra lối mòn vừa cho người đi hàng một, vì người Việt xưa không quen đi kiểu dàn hàng ngang. 

Cổ thụ đã thưa thớt đi nhiều, có lẽ từ khi nông trường Đồng Giao mở rộng phát triển kinh tế cuối thế kỷ trước. Nhưng trước sự hùng vĩ của núi non, rừng hoang núi thẳm, phong cảnh vẫn rất thâm u, tịch mịch đối với bước chân và tầm mắt nhỏ bé của con người. 
thần hổ
Những chốn rừng sâu núi thẳm, hổ luôn được thờ phụng 
Tôi trở lại đèo Ba Dội không hẳn vì nơi đây là một phế tích diễm lệ, mà có nguyên cớ uẩn khúc. Như đã trình bày từ trước, tôi đang đi tìm dấu vết của “Thần Hổ” và “ma trành”, theo cảm hứng từ những câu chuyện kinh dị của nhà văn Đái Đức Tuấn.

Hãy xem ấn tượng của nhà văn về vùng đất này đầu thế kỷ trước, qua truyện “Ai hát giữa rừng khuya”:

“Chỗ này còn là nơi thăng địa cho các loài mãnh thú, cho các khách lục lâm; hổ cứ ở đó hàng đàn, kẻ cướp nấp ở đó hàng toán; thực là một chốn nguy hiểm đến tột bực, đi qua đấy không chết vì đạo quân đạo tặc, thì lại bỏ xác dưới các móng vuốt hùm thiêng”. 

“Ðem so sánh các tỉnh rải rác trên quãng đường thiên lý chạy từ Hà Nội đến Huế, thì có lẽ hạt Ðồng Giao (phía bắc đèo Ba Dội- PV) là chỗ độc địa nhất”.

“…Bởi địa thế hiểm hóc, Ðồng Giao đã làm trường thí nghiệm cho muôn ngàn tấn bi kịch khủng khiếp. Nào là cướp bóc, chém giết, nào là hãm hiếp, giam kìm v.v... Những các trò thương tâm ấy đều là của loài người, tranh cạnh với loài người, mà diễn ra, nó không có tính cách lạ lùng cho lắm. 

Thê thảm bi đát hơn ấy là sự mãnh thú, vì đói ăn, bắt loài người cấu xé ra từng mảnh, xác thì dùng để lót dạ, mà hồn thì đày đọa vào kiếp nô lệ ma trành …”.

Còn tiếp...

Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn