• Zalo

Vùng đất nghèo thách cưới cả trăm triệu đồng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 01/11/2014 03:00:00 +07:00Google News

Sau những ngày cưới hỏi, tiệc tùng linh đình là khoảng thời gian trầm lắng, u ám của những gia đình trẻ.


Chuyện cưới hỏi ở rẻo cao A Lưới (TT- Huế) với hủ tục thách cưới to đã mang nhiều hệ lụy cho người trẻ.


Lễ vật để cưới hỏi trong cộng đồng người Pa Cô, Tà Ôi ở A Lưới rất tốn kém, không phải nhà
trai nào cũng đáp ứng được.

Một bò, 1 trâu, 1 dê và 8 heo...

Mấy tháng nay, Hồ Văn Núi (24 tuổi, thôn 3 xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) cứ vào ra, đứng ngồi không yên. Không lâu nữa là anh cưới vợ. Lễ cưới, hỏi phải mang rất nhiều lễ vật sang nhà gái, dù đã chuẩn bị từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đủ. Bà Kăn Thôn (53 tuổi), mẹ Núi, thấy con buồn rầu, lo lắng cũng đau lòng lắm.

Ngồi trò chuyện cùng Núi, như tỏ được nỗi lòng, anh tâm sự: “Bọn mình ưng chắc (yêu nhau) đã 3 năm rồi.

Nghe soạn chuyện cưới hỏi, dù chưa thấy nhà gái đòi hỏi gì, nhưng theo tục lệ ở đây, mình cũng phải chuẩn bị để đáp ứng, cho đẹp mặt xóm làng. Lễ cưới ở đây thường được nhà gái “thách” 1 con bò, 1 con trâu, 1 con dê và 8 con heo cùng bộ chiêng, cổ vật truyền thống trong gia đình như chum ché, mã não, bạc nén. Chừng đó cũng tốn cả trăm triệu đồng rồi".
Bạc nén, một trong những cổ vật dùng trong thách cưới của đồng bào miền núi 
Với một gia đình miền núi, chừng đó lễ vật là cả một sản nghiệp. Có bậc sinh thành lao động quần quật suốt cả đời cũng không có đủ sính lễ cho con. Mà theo tục lệ ở đây, không đủ lễ vật thì khó lấy vợ.

Núi mở tủ lấy mấy thỏi bạc nén ra, ngồi mân mê trên tay. “Gia sản” cổ vật của gia đình Núi chỉ còn lại một cái bạc nén này. Những bạc nén từ đời ông bà anh truyền lại, giữ gìn mấy chục năm nay giờ đã theo những người anh trai Núi về nhà chị dâu trong những lần thách cưới trước.

Thỏi bạc nén đúng “chất” của cổ vật đồng bào miền núi, cầm nặng trịch, đã hoen màu thời gian. Cổ vật này theo truyền thống người Tà Ôi, được truyền từ nhiều đời. Nếu bây giờ, có lẽ bỏ tiền mua, nhà Núi chưa chắc đã kiếm được.
Với đồng bào dân tộc nơi đây, để chuẩn bị cho một lễ cưới đầy đủ, không hề đơn giản. Nhất là con trai lấy vợ, phải đầy đủ lễ vật, không chỉ đáp ứng đủ yêu cầu của nhà gái mà còn làm cho đẹp mặt xóm làng. 
Không chỉ tục thách cưới to với những đòi hỏi từ nhà gái, mà ở vùng rẻo cao A Lưới, nhiều gia đình còn tổ chức cho cả làng, thôn, bản ăn uống linh đình mấy ngày liền trong lễ cưới, hỏi, ma chay hay xây nhà mồ. Khi những ngày vui kết thúc cũng là lúc gia đình lâm trong cảnh nợ nần.
Với đồng bào dân tộc nơi đây, để chuẩn bị cho một lễ cưới đầy đủ, không hề đơn giản. Nhất là con trai lấy vợ, phải đầy đủ lễ vật, không chỉ đáp ứng đủ yêu cầu của nhà gái mà còn làm cho đẹp mặt xóm làng.


Từ những năm trước, hai vợ chồng Quỳnh Thôn (bố Núi) và Kăn Thôn đã phải lao động khổ sở, giành dụm tiền để “bỏ ống” mua con nghé, dựng chuồng lợn để nuôi. Chăm bẵm cả năm trời để có được sính lễ quan trọng nhất trong lễ cưới là một chú trâu.

Quỳnh Thôn thú thật: “Nếu không chuẩn bị từ trước thì đến lúc kiếm đâu ra một con trâu, một con bò để cho con lấy vợ. Nếu họ thách cưới xe máy (thường là xe tay ga Air blade), thì miềng bán một con trâu là đủ mua. Còn không thì phải chuẩn bị đầy đủ gồm trâu, bò, dê, gà. Khổ nhất là thiếu mấy thứ đồ cổ như cái tô (tà lào), bộ cồng chiêng, vì mấy thứ đó không phải có tiền là mua được".
Núi lo âu trước tục lệ thách cưới to của nhà gái 
Vợ chưa cưới của Núi là Hồ Thị Tô Ly (23 tuổi, thôn 4, xã Hồng Quảng), ngồi bên người yêu lặng thinh. Thỉnh thoảng nhìn vào đôi mắt anh như hiểu được nỗi lòng của người mình yêu.

Cầm hạt mã não trên tay, Tô Ly nói: “Với mình chỉ cái này là đủ thôi. Nhưng bên cha mẹ, nhất là chú bác thì làm căng lắm. Tục của đồng bào mình nó thế. Nhiều nơi thách cưới to, nhà trai phải vay mượn khắp nơi để đủ lễ vật, khi người con gái về làm dâu thì phải nai lưng ra làm mà trả nợ. Gia đình không hạnh phúc cũng từ chuyện này mà ra”.
Hồ Thị Tô Ly, vợ chưa cưới của Núi, chia sẻ về tục thách cưới to của nhà gái 

Nghèo trong... phung phí

Câu chuyện cưới hỏi được ông A Viết Nùng (64 tuổi) cùng vợ là Kăn Thơm (60 tuổi, thôn A Roàng 2) kể lại như một “chiến tích” trong ngày lấy được vợ của con trai mình. Con trai ông Nùng là A Viết Thế lấy vợ là Lê Thị Na đã tròn một năm. Nhà Thế vốn không phải giàu có nhưng ở vùng này tạm gọi là đủ ăn.

Ông Nùng kể: “Con trai, con gái lấy vợ bắt đầu bằng lễ đám hỏi gọi là póoc se căm pảy. Nhà trai mang sang nhà gái một con heo, 1 con gà. Trong trường hợp qua làm lễ, nếu nhà gái đồng ý, người con trai có thể mang vợ về luôn.
Bà Kăn Thơm với những cổ vật truyền thống của gia đình 
Còn thông thường thì nhà gái đợi sau lễ cưới, nhà gái qua nhà trai ăn uống, khi ra về thì con dâu ở lại. Xong đến lễ cưới (người Tà Ôi gọi là eo lăn đi), nhà gái qua nhà trai, họ đi khoảng từ 50 đến 70 người. Nếu nhà khá giả thì có thể đi cả trăm người. Nhà gái mang qua xôi nếp, áo choàng (gọi là a nóp), chiếu, thổ cẩm (thường 30 tấm) do mẹ cô dâu đan trước đó nhiều tháng. Sau đó, nhà trai tổ chức ăn uống linh đình".

Có khi, trong lễ cưới còn có lễ đâm trâu (gọi là A Riu). Con trâu buộc trước sân nhà, nhà gái đến nhà trai, đánh chiêng trống, múa điệu A Zứt, mừng con gái về nhà chồng. Nhà trai dùng chiếc giáo dài chọc con trâu được buộc quanh chiếc cột. Chiếc sào chọc chừng nào, nhà trai đắm mình với điệu A Zứt chừng đó. Con trâu gục xuống thì làm thịt thết đãi khách. Rượu thịt được “tiếp” liên hồi. Khi nhà gái về, nhà trai tiếp tục ăn nhậu, múa điệu A Zứt đến tàn canh mới thôi.

Hôm sau, trong chuyến hành trình của nhà trai sang nhà gái, họ phải mang theo lễ vật gồm: trâu, bò, lợn, dê và phải có một thứ cổ vật truyền thống của gia đình. Nếu không có những thứ ấy thì phải mang qua lợn, gà, dê và hứa sau này phải có trâu, bò. Lời hứa phải thực hiện cho kỳ được.

Sau những ngày đi về, ăn uống, ở cả hai nhà trai, gái, nhiều gia đình sạt nghiệp vì chi phí cưới hỏi lên đến cả trăm triệu đồng, là chuyện không phải hiếm ở vùng cao này. Khi buổi tiệc kết thúc, đến sáng hôm sau cũng bắt đầu hành trình trả nợ của đôi vợ chồng trẻ.

Bà Kăn Thơm có 5 người con, tất cả đều lấy vợ, gả chồng. Bà thách cưới cũng to mà “nạn nhân” của thách cưới cũng nhiều. Hôm chúng tôi đến, Kăn Thơm ngồi miệt mài dệt thổ cẩm. “Em gái bị ốm, mình dệt thay cho nó, cho con nó đi lấy chồng, lúc nào đủ 30 tấm thì thôi”, Kăn Thơm bảo.

Hỏi chuyện cưới xin, Kăn Thơm tất tả chạy vào nhà, mang cho xem bộ cồng chiêng, một vòng bạc cùng nhiều thứ thổ cẩm là đồ cổ từ xưa của gia đình, được truyền từ gia đình này sang gia đình khác sau mỗi lần thách cưới.

Vòng bạc được chạm khắc tinh xảo, bộ cồng chiêng thì màu xỉn đặc quánh. Bà bảo: “Hai thứ cổ vật này là sính lễ của thằng Biên (chồng A Viết Thị Thảo, con gái bà) ban tặng đây. Biên là nhà khá giả, con cán bộ xã mới có tiền mua được thứ này đấy”.


TheoDuy Phiên (Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn