Khi rót tiền vào một cổ phiếu nào đó, ngoài việc chờ thị trường tăng giá để “lướt sóng”, nhà đầu tư còn kiếm lời bằng cách nhận cổ tức. Vì vậy, những “ông vua cổ tức” – doanh nghiệp có cổ tức cao nhất thị trường - luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư chứng khoán.
Năm nay, danh hiệu quán quân nằm trong tay doanh nghiệp “tí hon” là Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS). Sở dĩ gọi WCS là "tí hon" vì công ty này chỉ có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Vốn thấp nhưng lãi khủng. Đó là những gì WCS gây ấn tượng trên thị trường.
Với số vốn chỉ 25 tỷ đồng, WCS kiếm được khoản lợi nhuận “khủng” 16,8 tỷ đồng, 16,9 tỷ đồng và 17,3 tỷ đồng trong quý 1, quý 2 và quý 3 năm 2019. Như vậy, dù chưa tính tới quý 4, WCS đã lãi tới 51 tỷ đồng, cao gấp 2 lần vốn điều lệ.
Lãi quá cao như vậy nên WCS cũng có xu hướng chia lãi khủng cho cổ đông. Năm 2018, tỷ lệ cổ tức tại WCS lên tới 400%, cao nhất thị trường. Điều đáng nói, WCS chia cổ tức bằng “tiền tươi thóc thật” chứ không phải cổ phiếu.
Tuy nhiên, WCS lại khá dè dặt khi lên kế hoạch của năm 2019. Tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi đầu năm 2019, WCS dự kiến sẽ trả cổ tức không dưới 20%, thấp hơn rất nhiều so với con số 400% của năm 2018.
Kinh doanh ấn tượng, cổ tức cao nên thị giá WCS luôn ở mức cao ngất ngưởng. Đóng cửa phiên giao dịch 15/1/2020, WCS dừng ở mức 158.000 đồng/CP, tăng 9.000 đồng/CP, tương ứng 6,04% so với phiên cuối cùng của năm 2019.
Không thăng trầm như WCS, VCF của Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa thường xuyên khiến cổ đông hài lòng với cổ tức luôn là 3 con số. Năm 2018, VCF chi trả cổ tức lên đến 240%. Điều đó có nghĩa công ty đã dành 638 tỷ đồng để “tri ân” cổ đông.
240% là con số rất cao nhưng chưa phải kỷ lục của VinaCafé Biên Hòa. Năm 2017, VinaCafé Biên Hòa trở thành nhà vô địch trả cổ tức khi dành cho cổ đông tỷ lệ 660%.
Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư được hưởng mức “tri ân” cực khủng thế này. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB) là cổ đông lớn nhất tại VCF khi nắm giữ tới 98,49% vốn VCF. Tiền cổ tức của VCF đều chảy về túi MSB.
Do liên tục có cổ tức cao nên VCF nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư. Cổ phiếu này nằm trong “Câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng” suốt nhiều năm qua. Đóng cửa phiên giao dịch 15/1, VCF dừng ở mức 194.500 đồng/CP, tăng 16.500 đồng/CP, tương ứng 9,3%.
Đã có thời FOC của CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT được vinh danh là cổ phiếu có cổ tức cao nhất thị trường. Năm qua, dù bị rơi xuống vị trí thứ 3 nhưng cổ tức của FOC vẫn là con số rất cao. Tỷ lệ cổ tức FOC chi ra là 230% cho năm 2018 và quý 1/2019.
Tuy nhiên, cũng giống như WCS, FOC khá dè dặt khi lên kế hoạch cổ tức cho năm 2019. Theo đó, mức dự chi chỉ là không thấp hơn 50%. Dù sao, 50% vẫn là con số tương đối lớn.
Trong khi đó, FOC có một điểm chung với VCF chính là mức độ cô đặc. Hiện tại, FPT (bao gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT và Công ty Cổ phần FPT) nắm giữ tới 80,13% vốn công ty.
Đứng ở vị trí thứ 4 là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Năm 2018, NTC chi trả cổ tức khủng nhất trong lịch sử của mình, lên đến 200%. Tuy nhiên, công ty mới chi trả 150%.
Hiện tại, trên thị trường, chỉ có 4 công ty là Bến xe Miền Tây, VinaCafé Biên Hòa, FPT Online và Nam Tân Uyên có tỷ lệ cổ tức từ 200% trở lên cho năm 2018.
4 công ty này đều có đặc điểm chung là có mức lãi tăng đột biến, có thị giá lớn hơn 100.000 đồng/CP. Đứng sau NTC chỉ 1 bậc là Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD). Tuy nhiên, HAD có thị giá thấp hơn nhiều, chỉ 17.000 đồng/CP. Năm 2018, công ty này trả cổ tức lên đến 139,5%.
Bình luận