• Zalo

Vừ Già Pó lưu lạc sang Pakistan: Bán bò, gán ruộng tìm chồng

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 11/04/2014 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chị Lía phải bán bò, rồi gán nợ mảnh ruộng để có chi phí đi tìm chồng.

(VTC News) - Chị Lía phải bán bò, rồi gán nợ mảnh ruộng để có chi phí đi tìm chồng.


Nghèo túng quá phải đi làm thuê


Như báo chí đưa tin rầm rộ trong thời gian gần đây, một thanh niên người Mông tên là Vừ Già Pó (xã Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, vì không chịu nổi cách đối xử tàn nhẫn của chủ lao động, anh Pó cùng 5 thanh niên nữa đã bỏ trốn. 3 người bị công an Trung Quốc bắt và trao trả về Việt Nam, 2 người chưa rõ tung tích. Riêng Vừ Già Pó, 2 năm sau được phát hiện tại bang Azad Kashmir (Pakistan), sau khi vượt qua quãng đường dài gần 6000 km...


Chúng tôi đến thăm gia đình chị Ly Thị Lía, vợ anh Pó ở thôn Lũng Lầu. Căn nhà đơn sơ nằm chênh vênh trên sườn núi. Mấy đứa trẻ lăn lóc chơi trước cửa, thấy người lạ, chúng chạy lên nương gọi mẹ. Đứa nào trông cũng cáu bẩn, quần áo phong phanh trong cái lạnh.


Vừ Già Pó
Căn nhà nhỏ ở thôn Lũng Lầu của gia đình Ly Thị Lía  

Anh Nông Văn Ngay, Phó chủ tịch xã Khâu Vai cho biết, mấy đứa trẻ là con của anh Pó. Gia đình anh có 5 đứa con, đứa lớn nhất đã đi lấy chồng và sinh sống ở xã bên. Một tay chị Lía phải lo lắng cho cuộc sống của 4 đứa còn lại, nên bữa cơm chỉ có mèn mén (bột ngô hấp), rau rừng. Để có tiền trả nợ, rồi kiếm tiền đi tìm chồng, chị Lía lao vào làm việc quần quật, quên ăn quên ngủ, sức làm bằng mấy người cộng lại. Hết việc nương rẫy, ai thuê gì chị cũng làm.


Chị Lía tâm sự, năm 16 tuổi, chị lập gia đình cùng anh Pó, những đứa con liên tiếp ra đời. Nương toàn đá, một năm lại chỉ có 1 vụ ngô và 1 vụ lúa, nên cuộc sống rất thiếu đói.


Đầu năm 2012, anh Pó thì thầm với vợ về việc trốn sang Trung Quốc làm thuê, bởi công việc làm vườn, phát rẫy nhẹ nhàng mà lại lương cao. Anh Pó bảo với chị rằng, chỉ đi 3 tháng sẽ được gần 20 triệu, lại đi giữa lúc nông nhàn, nên chị đồng ý.


Vừ Già Pó
Vừ Già Pó đi lạc, để lại Lía một mình nuôi 4 đứa con  

Mặc dù rất lo lắng khi chồng đi lao động trái phép, nhưng nhìn lại hoàn cảnh nghèo túng của gia đình, nghĩ đến lúc con có cái áo đẹp để mặc, nhà có cái tivi để xem... chị Lía tặc lưỡi chấp nhận cho chồng đi “xuất khẩu lao động”.


Nhưng anh Pó không phải đi 3 tháng, mà đến giờ đã hơn 2 năm. Và nếu như không có báo chí truyền thông vào cuộc, không phát hiện anh Pó đang lạc ở... Pakistan, thì Ly Thị Lía sẽ không biết đến lúc nào mới gặp lại được chồng.


Mỏi mắt tìm chồng


Chị Lía cùng các con đặt hết hy vọng vào chuyến đi của anh Pó, mong ngày về có khoản tiền kha khá, tuy nhiên, từ lúc đi “xuất khẩu lao động”, Pó chưa gửi về gia đình được đồng nào.


3 tháng ròng rã không có tin tức, chị Lía vẫn nghĩ chồng tham công tiếc việc ở lại làm thêm. Rồi đến cuối năm 2012, khi Ly Mí Tử, một người cùng thôn Lũng Lầu được công an Trung Quốc trao trả về địa phương, biết tin anh Pó mất tích, chị hốt hoảng thật sự.


Nghe Ly Mí Tử kể chuyện bị bọn chủ lao động bên Trung Quốc đánh đập, ngược đãi, bị đối xử như trâu ngựa, rồi mọi người bàn tính nhau bỏ trốn, riêng Ly Mí Tử còn một người anh trai nữa cũng không biết đang lưu lạc ở đâu, chị Lía khóc ròng, quyết tâm dù thế nào cũng phải đưa được chồng mình về nhà.


Lía trách Ly Mí Tử sao lại rủ rê chồng đi lao động chui bên Trung Quốc, để đến giờ bản thân chị mất chồng, các con mất cha. Nhưng Ly Mí Tử cũng chỉ là một nạn nhân, không biết làm gì ngoài việc thở dài, động viên an ủi Lía, và hứa cùng với Lía sẽ đi tìm Pó, anh trai Ly My Na khi có cơ hội.


Vừ Già Pó
Ly Mí Tử: "Anh trai tôi đi cùng đợt với anh Pó cũng đang mất tích"  

Lía đã báo cáo sự việc lên UBND xã Khâu Vai để có biện pháp tìm kiếm. Chị cũng đã nhờ chính quyền xã đưa bức ảnh cho chủ một doanh nghiệp trên địa bàn là người Trung Quốc để mang về nước tìm, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả


Vay mượn tiền họ hàng để đi tìm chồng không được, vì ai cũng nghèo, đồ đạc trong nhà Lía không có cái gì đáng giá để bán đi, chỉ còn mỗi con bò và mấy khoảnh ruộng là có giá trị.

Vừ Già Pó
Con bò được nhà nước hỗ trợ là tài sản giá trị nhất mà Ly Thị Lía đang có  

Trước đó, nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình chị 1 con bò phục vụ sản suất. Được chăm bẵm tốt, nó đẻ 1 con bê. Con bê đã bắt đầu kéo được cày.


Có người hỏi mua, chị quyết định bán con bê lấy 20 triệu đồng. Gán thêm mẫu ruộng được 10 triệu đồng nữa. Giữa năm 2013, Lía đưa tiền cho mấy anh em họ hàng sang Trung Quốc tìm chồng. Chuyến đi ròng rã gần tháng trời, lang thang khắp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, kết quả là con số 0 tròn trĩnh.


Quá lo lắng, không biết chồng còn sống hay đã chết, lưu lạc ở đâu, chị Lía gọi người bán nốt con bò cái cùng cái nhà đang ở, chuẩn bị giữa năm 2014 sẽ tiếp tục lên đường tìm anh Pó. Lần này, đích thân chị sẽ đi, con cái gửi nhờ họ hàng trông coi.


Không bao giờ cho chồng đi nữa


Tuy nhiên, chưa kịp bán gia tài cuối cùng trong nhà, thì Lía đã được UBND xã Khâu Vai gọi lên nhận dạng anh Pó qua ảnh. Chị vẫn nhớ như in những khoảnh khắc ấy. Lúc nhìn thấy chồng mình, nghe tiếng chồng nói qua tivi, dù Pó đang ở bên... Pakistan, nhưng đã biết được tin tức của chồng, ngày đoàn tụ đến rất gần, Lía vừa đi vừa khóc, hô vang cho cả thôn bản được biết: “Tìm được Pó rồi, chồng tao sắp về rồi”.


Không phải sang Trung Quốc tìm chồng nữa, Lía tính tới việc sẽ bán bò để đón Vừ Già Pó về. Theo như chị được biết thì chi phí từ sân bay Nội Bài về tới Khâu Vai, gia đình phải tự lo liệu. Tiền không có, chả ai cho vay, ruộng không còn, chỉ có mỗi cách bán bò để có tiền, dù chi phí đưa Pó về với gia đình chắc chưa đến 1/10 giá trị của con bò.

Vừ Già Pó
Ly Thị Lía: "Tôi sẽ không bao giờ để chồng đi nữa"  

Khi biết tin, xã Khâu Vai đã thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên gia đình chị. Xã hứa sẽ tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, đưa Pó về đoàn tụ, hỗ trợ tối đa giúp gia đình ổn định cuộc sống.


Lía tâm sự: “Cái bụng có đói thế nào thì cũng không bao giờ để chồng đi nữa, sợ lắm rồi. Bây giờ chỉ mong chồng trở về Việt Nam, về với vợ con càng sớm càng tốt, để mẹ con không phải lo lắng, mất ăn mất ngủ nữa, rồi làm thuê làm mướn trong xã để kiếm tiền mua thêm mảnh nương, mà lo cho cái bụng, cái ăn”.


Hải Minh – Lê Văn Lĩnh

Bình luận
vtcnews.vn