Võ sư Lý Huỳnh: Tôi từng thách đấu Lý Tiểu Long

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 16/02/2013 07:30:00 +07:00

(VTC News) - "Theo tôi, điểm yếu của Lý Tiểu Long là gương mặt hẹp, quai hàm yếu. Gặp các tay đấm bốc, chỉ với một cú móc có thể bị gãy quai hàm".

(VTC News) - "Theo tôi, điểm yếu của Lý Tiểu Long là có gương mặt hẹp, quai hàm yếu. Đây là điều tối kỵ khi gặp các tay đấm bốc, vì chỉ với một cú móc có thể bị gãy quai hàm và dễ nốc-ao" - Võ sư, NSND Lý Huỳnh kể chuyện ông từng thách đấu huyền thoại Lý Tiểu Long.

Tết Qúy Tỵ 2013, Lý Huỳnh tròn 71 tuổi. Với dáng vẻ đậm chất “Hai Lúa”, Lý Huỳnh vẫn còn khỏe mạnh, giọng nói ồm ồm, tính tình sôi nổi, dễ gần, miệng luôn nở nụ cười khi có người đến chúc Tết, mừng tuổi ông. 

Sau giải phóng 1975, Lý Huỳnh là nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên tham gia điện ảnh cách mạng qua 52 bộ phim với hàng loạt vai diễn ấn tượng như ông Hai Cũ (phim Ông Hai Cũ), chuẩn tướng Bách (Đứa con bị từ chối), Long râu (Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (Ngọn lửa Krông Jung).

Bốn vai diễn khác là đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh ba búa (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Sâm (Hòn đất) giúp Lý Huỳnh đoạt giải Bông sen bạc tại các Liên hoan phim toàn quốc, đặc biệt với vai lão nông Hai Lúa (phim Vùng gió xoáy), Lý Huỳnh đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất với giải thưởng cao quý Bông sen vàng. 

Nhân dịp đầu xuân, phóng viên VTC News đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân mật cùng Võ sư, NSND Lý Huỳnh - tay đấm khét tiếng một thời trên võ đài, và là một diễn viên, tài tử điện ảnh trong nghê thuật thứ 7 nổi danh không kém. 

 Võ sư - NSND Lý Huỳnh tại nhà riêng. Tết Qúy Tỵ 2013, ông bước qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. 
Ảnh: Phan Cường
.

- Lời đầu tiên xin chúc ông nhiều sức khỏe và có thêm những vai diễn, bộ phim hay trong thời gian sắp tới. Được biết, ngày 30/4/2012 ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, cảm giác ông lúc đó như thế nào? 

Tôi rất hạnh phúc, vui mừng, vinh dự vì những đóng góp của mình đã được Nhà nước, công chúng nhìn nhận và vinh danh. Đó là phần thưởng cao quý nhất đối với những người nghệ sĩ như chúng tôi. 

Từ năm 1976 đến 1993 tôi được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, đến năm 2012 đạt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cho đến thời điểm hiện tại tôi đã góp mặt trong 52 bộ phim. 

Vai Ông Hai Lúa (Vùng gió xoáy) đạt giải Bông sen vàng, số phim còn lại đoạt giải Bông sen bạc như Cô Nhíp, Mối tình đầu, Mùa gió chướng, Hòn Đất.

Năm 2012, sau Lý Huỳnh chính thức được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ảnh: Phan Cường chụp lại từ ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

- Năm mới Qúy Tỵ 2013 ông có dự định gì về nghệ thuật, thưa ông?

Hiện trong tay tôi đã có kịch bản phim lịch sử nói về nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân, đang đợi sự xét duyệt của Cục Điện ảnh, khi có tài trợ một phần thì lúc đó tôi mới thực hiện. Dự kiến kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. 

Phim Đô đốc Bùi Thị Xuân nói về cuộc đời, sự nghiệp nữ tướng Bùi Thị Xuân, bối cảnh quay chính vẫn là Bình Định và Tây Nguyên, phim hợp tác với Hồng Kông.

Tôi rất yêu mến đề tài lịch sử, muốn nhắc cho bọn trẻ nhớ về những vị anh hùng dân tộc, công ơn những tiền nhân đi trước, chẳng hạn như Quang Trung – Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Lê Lợi…

Đề tài lịch sử Việt Nam hay nhưng số phim làm ra quá ít. Có lẽ do khó làm, tốn nhiều kinh phí, do thị hiếu người xem, hay lượng rạp bị thu hẹp.

Tôi sẽ quyết tâm thực hiện đề tài phim lịch sử Việt 

Nam
, về các vị anh hùng dân tộc, nếu có sự tài trợ kinh phí phần nào của Nhà nước, hay những nguồn tài trợ khác.

 Vai đại úy Long trong phim Mùa gió chướng. Ảnh: Tư Liệu

Trước đó, phim Tây Sơn hào kiệt cũng với mức đầu tư trên 12 tỉ đồng nhưng khi phát hành ra do không có rạp chiếu nên tiền thu về chỉ được phân nửa. 

Hiện nay hầu hết các rạp hát lớn như Thăng Long, Vinh Quang, Toàn Thắng, Quốc Thái bị đập phá để làm nơi kinh doanh, mua bán, siêu thị. Lúc trước có khoảng 30 rạp, bây giờ có chưa tới 10 rạp mà toàn rạp nhỏ cho nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc công chiếu, phát hành phim. 

- Trong cuộc đời đóng phim, ông bị tai nạn nghề nghiệp nào đáng nhớ? 

Nói về sự cố rủi ro, tai nạn nghề nghiệp trong quá trình đóng phim thì nhiều lắm nhưng nhớ nhất là lúc đóng vai trung úy Sâm dùng dao chặt chai bia rồi đưa lên miệng uống. Do chai còn miểng nên cứa lưỡi chảy máu.

Hay bị dẫm phải dây kẽm gai ở bàn chân nên may 6 mũi, hoặc lúc dùng cạnh bàn tay phải chặt bể chiếc siêu cứng bằng sứ khiến miểng sứ cứa gây chảy máu cổ tay may 9 mũi...

- Còn đâu là vai diễn ông tâm đắc và đầu tư công sức nhiều nhất? 

Đó là vai ông Hai Lúa trong phim Vùng Gió Xoáy.  

Nhân vật mang đậm cá tính người nông dân 

Nam
 bộ, đã trở thành giai thoại. Tôi đi thực tế về Long An, mặc bà ba, nhậu rượu đế, tập những đường cày đầu tiên trên miệt vườn châu thổ, thấm vào da thịt nắng, gió và giai điệu đờn ca tài tử miền Tây… 

Trước giờ tôi chỉ đóng vai tướng, tá ngồi trên cao, vắt chân ngạo nghễ, đi đâu cũng có quân hầu lính ủng, nói năng ngang tàng, thô lỗ, hung ác. Bất ngờ nhận được lời mời đạo diễn NSND Hồng Sến đề nghị tôi vào vai ông Hai Lúa khiến tôi băn khoăn, lo lắng không ít.

Tôi bảo anh Hồng Sến rằng, có thể anh chọn nhầm người giao vai rồi, tôi đóng có khi hư phim, không đạt được yêu cầu đạo diễn đưa ra.

Lúc này đạo diễn Hồng Sến trấn an, “tôi không giao vai nhầm người, miễn sao Lý Huỳnh vui vẻ nhận lời tham gia, tôi tin phim sẽ thành công, tôi tin anh cũng đã làm được như những gì trước đó anh đã làm”. 

 Lý Huỳnh (hút xì gà) chuyên trị những vai sĩ quan ngụy ác ôn, chém giết người không gớm tay. Ảnh: Tư Liệu

Từ một hình ảnh sĩ quan chế độ cũ ác ôn chặt đầu, chém người không gớm tay tôi dường như lột xác, khác hẳn hoàn toàn để nhập vai mới. Tôi ăn uống, ngủ nghỉ cùng bà con nông dân, học cách cày ruộng, lái trâu bò, quấn thuốc rê, từ cách ăn, cách nói, cách hành động phải như một người nông dân miệt vườn thực thụ. 

Sau khi phim công chiếu, thật không ngờ nó đã thành công ngoài mong đợi, để lại dấu ấn sâu đậm trong đời đóng phim của tôi. Cái tên Hai Lúa giờ đã trở thành tên gọi thông dụng, đến nỗi bây giờ ở Sài Gòn có một loạt nhà hàng ẩm thực mang tên Hai Lúa, ở Mỹ cũng có tên này.

- Quay ngược lại thời gian, nói về chuyện võ, có thời điểm báo chí, dư luận cho rằng ông muốn thách đấu Lý Tiểu Long? 

Thách đấu Lý Tiểu Long à! Cái đó là có. Đó là vào những năm 1970, tôi lúc đó tròn 28 tuổi, độ tuổi đang sung sức, lại là một võ sĩ chuyên nghiệp, đi thi đấu nhiều nơi, thượng đài nhiều lần. 

Lúc đó, tôi đang đóng phim do võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt làm đạo diễn – người đóng vai đối đầu với Lý Tiểu Long trong phim Đường Sơn Đại Huynh. Ông này đạo diễn kiêm chỉ đạo võ thuật.

 

Với mặt mạnh và yếu của mỗi bên, nếu thật sự so tài thì bên tám lạng, người nửa cân, chưa biết ai thắng ai.

Võ sư Lý Huỳnh nói về cuộc đấu suýt xảy ra giữa ông và Lý Tiểu Long
 
Ông yêu cầu tôi biểu diễn thế đá Liên hoàn bát cước, trong phim đá một cước hạ đo ván 8 người. Tôi thực hiện được lời ông Kiệt thì ông Kiệt mới đến bắt tay tôi, vỗ vai và khen nói "Lý Huỳnh đá rất đẹp, rất hay", lại biết tôi đã từng thượng đài nhiều lần nên ông ta hỏi tôi có dám đấu với Lý Tiểu Long không?

Lúc đó tôi nghĩ, mình là một võ sĩ chuyên nghiệp, lên võ đài nhiều lần, từng bách chiến bách thắng, cộng với tự ái dân tộc nổi lên, tôi trả lời không chút do dự, sẵn sàng thách đấu với Lý Tiểu Long.

Thời gian này có báo chí Sài Gòn nghe thông tin nói trên nên cũng đã đăng tải, cả Hồng Kông cũng đăng tin đó, nhưng bất ngờ Lý Tiểu Long đột ngột qua đời năm 1972, lời thách đấu không thực hiện được, tất cả với tôi bây giờ thành kỷ niệm.

- Nếu so sánh với Lý Tiểu Long, đâu là điểm yếu, mạnh của mỗi người. theo ông? 

Năm 17 tuổi, tôi chính thức bước lên võ đài (1958), từng đấu với nhiều võ sĩ vô địch hạng lông, trong đó có trận đấm nốc-ao (knock-out) đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp nặng hơn tôi 10 kg (lúc đó Lý Huỳnh 60kg, đối phương 70 kg).

Sau đó, lần lượt đánh bại các đối thủ sừng sỏ như Mạch Trung Phương (1964) từng vô địch miền Trung, thắng Anh Thạch cựu vô địch miền Bắc (vô Nam 1954), thủ hòa với võ sĩ Văn Đại đương kim vô địch quyền Anh miền Nam (1960)...

Tôi từng đại diện cho Sài Gòn đi Campuchia thi đấu với võ sĩ vô địch Campuchia, trận này tôi chỉ thua về kỹ thuật, một phần do trọng tài xử ép. 

Tôi học 3 võ sư thuộc hàng tên tuổi, học 3 năm với võ sư Hai Yến – võ cổ truyền Việt Nam, học võ sư Huỳnh Tiền – đương kim vô địch võ tự do và boxing. Các võ sĩ lò Huỳnh Tiền đều được sư phụ ghép chữ "Huỳnh" vào tên riêng như Vũ Huỳnh, Hiệp Huỳnh, Rémy Huỳnh... nên tôi cũng được thầy đặt cho biệt danh Lý Huỳnh. 

Sau đó tôi thọ giáo võ sư Huỳnh Đạt Vân người Trung Quốc học các môn côn, kiếm, binh khí, quyền… của môn phái Thiếu Lâm Tự. 

Lý Huỳnh khổ luyện với những cú đá "thần sầu" khiến nhiều đối thủ ngán ngại. Ảnh: Chụp lại từ ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.

Tôi là một con nhà võ đã qua thử lửa đến độ không còn biết sợ trước bất cứ đối thủ nào. Khi còn trẻ tôi có thể đấu liên tục 15 hiệp, mỗi ngày đều tập dợt bao cát, chạy bộ và tập đối luyện.

Nếu Lý Tiểu Long có bước chân nhún nhảy theo đấu pháp quyền Anh, bộ  tay Vịnh Xuân và đòn cước karate, thì ngược lại tôi có đòn tay quyền Anh, đòn đá taekwondo, chỏ gối của võ tự do và bộ pháp di chuyển theo Thiếu Lâm nam phái.

Theo tôi, điểm yếu của Lý Tiểu Long là có gương mặt hẹp, quai hàm yếu. Đây là điều tối kỵ khi gặp các tay đấm bốc, vì chỉ với một cú móc có thể bị gãy quai hàm và dễ nốc-ao (knock-out). Với mặt mạnh và yếu của mỗi bên, nếu thật sự so tài thì bên tám lạng, người nửa cân, chưa biết ai thắng ai.

- Xin cảm ơn ông! Một lần nữa, xin chúc ông nhiều sức khỏe, những dự định trong năm tới sẽ thành hiện thực. 

 Các phóng viên, nhà báo đến chúc Tết Võ sư - NSND Lý Huỳnh trong dịp đầu xuân. Ảnh: Phan Cường

Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942 (tuổi Nhâm Ngọ) tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong đời võ sĩ (1965 - 1974), ông đã thượng đài 12 trận, thắng 8 (trong đó có 4 trận thắng nốc-ao), hòa 3, thua 1.

Với nghiệp võ tên ông gắn với biệt danh “Báo đen”,  “Võ sư Liên hoàn bát cước”. 

Về điện ảnh, đến nay ông đã tham gia 52 bộ phim, những bộ phim nào ông tham gia thì “chết danh” với tên nhân vật đó.

Gần đây nhất, Tây Sơn hào kiệt được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Bộ phim được dàn dựng hoành tráng nhất Việt Nam”.

Hãng phim Lý Huỳnh tiếp tục xác lập kỷ lục Việt Nam, là “Hãng phim tư nhân sản xuất phim nhiều nhất Việt Nam” với tổng cộng 31 bộ phim tính đến nay, hợp tác với nước ngoài (Hồng Kông, Đài Loan, Úc) 5 phim. 

Phan Cường (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn