• Zalo

Vinasun sắp phá sản vì Uber, Grab?

Kinh tếThứ Sáu, 23/06/2017 07:41:00 +07:00Google News

Vinasun cho rằng, các đối thủ cạnh tranh bằng nhiều chiêu thức không lành mạnh khiến doanh nghiệp này đứng trước bờ vực phá sản.

Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) cho biết, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab. Đã có 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối.

Theo Vinasun, từ năm 2015 đến nay, số lượng ôtô dưới 9 chỗ chạy hợp đồng tăng đột biến. Hiện khoảng 21.155 xe đang hoạt động, cộng thêm 1.835 xe từ các tỉnh, thành phố khác cũng đổ về hoạt động cho Uber và Grab.

Vinasun-1517-1498103416

 Đã có 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối Uber, Grab.

Trong khi đó, khó khăn hiện tại của các công ty taxi truyền thống là vừa đầu tư phát triển khoa học công nghệ, vừa chịu sự ràng buộc chặt chẽ theo quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải. Taxi truyền thống hoạt động phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị….

Còn Uber và Grab núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử để né tránh các nghĩa vụ về thuế và không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào. Việc cho phép Uber và Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi, không chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng khiến sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước bờ vực phá sản.

Theo quan điểm của Vinasun, Uber và Grab liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi tuỳ tiện, không đăng ký và được sự cho phép của cơ quan quản lý.

Nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản… cũng đánh giá về hệ lụy kinh tế, tính công bằng và trật tự xã hội để quyết định lệnh cấm hoạt động và khẳng định hai đơn vị này là "công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình".

Do đó, doanh nghiệp này đề xuất sớm chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá huỷ diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, đánh sập taxi truyền thống.

Vinasun kiến nghị Chính phủ phải xếp loại hình hoạt động của Uber, Grab và các công ty tương tự là loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi.

Đồng thời, phải đăng ký giá và chịu sự quản lý giá như các doanh nghiệp taxi truyền thống; phải chịu sự khống chế về số lượng đầu xe tham gia kinh doanh theo quy hoạch chung tại các địa phương và công khai thông tin số lượng xe đang hoạt động, doanh thu và thuế phải nộp định kỳ.

Giữa tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi công văn hoả tốc báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả xử lý kiến nghị của Vinasun.

Bộ cho rằng, trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng loại hình và chấp hành đầy đủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định theo Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông vận tải mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp thì Bộ luôn ủng hộ.

Video: Vì sao dừng cấp phép thí điểm mới Uber, Grab

Bản chất là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, thay thế cho hợp đồng giấy chứ không phải là loại hình taxi.

Đối với việc khống chế số lượng đầu xe, Bộ cho rằng khi chưa đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện thí điểm thì Uber và Grab cũng đã du nhập và hoạt động tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu, vấn đề là các địa phương cần quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông.

Bộ Giao thông đề nghị Vinasun trao đổi với Bộ Công Thương để được hướng dẫn chi tiết nội dung kiến nghị về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức giảm giá, trao đổi với Bộ Tài chính để làm rõ vấn đề đảm bảo công bằng trong quản lý và chống thất thu thuế.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn