Đây là khoảng thời gian có nhiều thôn tin tác động tới Vinamilk. Trong đó, đáng chú ý nhất là thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thoái vốn Nhà nước khỏi nhiều doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có Vinamilk. Nhờ đó, cổ phiếu VNM tăng khá mạnh và liên tục lập cả đỉnh mới.
Trong tuần này, mặc dù chỉ có 4 phiên giao dịch do thị trường nghỉ lễ 2/9, cổ phiếu VNM vẫn tăng ấn tượng và mang về cho Vinamilk hơn nửa tỷ USD.
Cụ thể, sau 4 phiên giao dịch, cổ phiếu VNM tăng 8.000 đồng/CP lên 154.000 đồng/CP. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường Vinamilk tăng 11.611 tỷ đồng (hơn nửa tỷ USD) lên 215.600 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD). Đây là kỷ lục mới của giá trị một doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, Vinamilk tiếp tục là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và vượt xa nhiều doanh nghiệp lớn khác Vietcombank, Vingroup,… Vinamilk lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương của Forbes.
Khi cổ phiếu VNM liên tục vượt đỉnh, 2 tổ chức nước ngoài chuẩn bị bán ra chốt lời. Amersham Industries Limited đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu VNM và Grinling International Ltd đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu VNM.
Nếu giao dịch thành công, Amersham Industries Limited sẽ thu về 385 tỷ đồng và 308 tỷ đồng sẽ chảy vào tài khoản của Grinling International Ltd.
Mặc dù giá cổ phiếu VNM đang ở mức cao ngất ngưởng nhưng 2 tổ chức nước ngoài này không lo “ế” vì luôn có nhiều đơn vị lớn đang chờ đợi mua vào. Đó là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và tỷ phú Thái Lan.
Tuần này, trong khi khá nhiều cổ phiếu đại gia đuối sức, vẫn còn một vài mã khác đi lên đáng kể. Đó là HSG của công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và VHC của công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. HSG tăng 1.500 đồng/CP lên 44.000 đồng/CP và VHC tăng 3.000 đồng/CP lên 56.000 đồng/CP.
HSG đi lên giúp vốn hóa thị trường Tập đoàn Hoa Sen tăng 295 tỷ đồng lên 8.648 tỷ đồng. Trong thời gian qua, vốn hóa Tập đoàn Hoa Sen đã cải thiện đáng kể khi cổ phiếu HSG liên tục bứt phá.
Khi HSG bứt phá, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen là người được hưởng lợi nhất. Sau 4 phiên giao dịch, tài sản của ông Vũ tăng gần 40 tỷ đồng lên 1.879 tỷ đồng. Hiện ông Vũ đang tiến về sát Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
VHC thậm chí có tốc độ tăng mạnh hơn HSG. VHC giúp vốn hóa thị trường công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có thêm 277 tỷ đồng. Trong đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty có thêm 137 tỷ đồng.
Với tổng tài sản lên đến 2.552 tỷ đồng, bà Khanh đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, bà Khanh vượt xa đối thủ lớn nhất trong làng thủy sản là ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương.
Trong tuần, cổ phiếu TTF của công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng trở thành hiện tượng khi có chuỗi phiên tăng đáng kể. TTF tăng giá trong bối cảnh Gỗ Trường Thành đối diện với rất nhiều thông tin không tốt.
Không chỉ khiến cổ đông sốc vì hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho bỗng nhiên “không cánh mà bay”, TTF còn khiến làng chứng khoán nóng lên vì thông tin kiểm toán nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động của công ty. Thậm chí, 60% doanh thu, tương ứng 520 tỷ đồng của công ty được xác định là không có thật.
Đối diện với hàng loạt tin không tốt, sau 4 phiên giao dịch, TTF vẫn tăng 2.100 đồng/CP lên 12.500 đồng/CP. TTF mang về cho Gỗ Trường Thành 304 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, Vietcombank là một trong những đơn vị được quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán. Sau scandal khách hàng bỗng dưng mất 500 triệu đồng, Vietcombank lại gây chú ý với tin đồn thưởng 2/9 lên tới 60 triệu đồng. Sau đó, đại diện ngân hàng này lên tiếng phủ nhận tin đồn và khẳng định thưởng 2/9 tại ngân hàng dao động từ 1 triệu tới 12 triệu đồng.
Chưa hết, Vietcombank còn khiến cổ đông xôn xao khi bán cổ phần cho quỹ đầu tư GIC của Singapore với giá chỉ bằng nửa thị giá.
Không may mắn như TTF, cổ phiếu VCB đã có 1 tuần đi lùi. VCB giảm 1.500 đồng/CP xuống 52.500 đồng/CP. VCB khiến vốn hóa thị trường Vietcombank giảm 3.998 tỷ đồng.
Bình luận