• Zalo

Việt Tú: Thị trường âm nhạc hay ít, dở nhiều

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 05/08/2012 04:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Đã gọi là thị trường đương nhiên phải có thứ hay thứ dở, thứ dở bao giờ cũng nhiều mà thứ hay thì bao giờ cũng ít" - Việt Tú.

(VTC News) – “Đã gọi là thị trường đương nhiên phải có thứ hay thứ dở, thứ dở bao giờ cũng nhiều mà thứ hay thì bao giờ cũng ít, chuyện đó là bình thường, có như vậy người ta mới thấy được giá trị của những thứ tử tế” – Đạo diễn Việt Tú nói về các chương trình âm nhạc lên sóng trong thời gian gầy đây.

Gặp Việt Tú trong những ngày này không dễ, những chuyến bay liên tục như con thoi giữa 2 thành phố Hà Nội – Sài Gòn với các lịch hẹn phỏng vấn, ghi hình và họp khách hàng liên tục. Nhưng khi hỏi thế làm sao anh có thể thu xếp được thời gian cho bản thân, thì chỉ nhận được một nụ cười bí hiểm.

Với một phong cách trả lời thẳng thắn, trực diện và cách lập luận đa chiều, người viết và đạo diễn đã có một cuộc trò chuyện ngắn nhưng thú vị về những gì đang diễn ra với thị trường âm nhạc trong đó tâm điểm là bảng xếp hạng Bài hát yêu thích (BHYT) chương trình do anh làm tổng đạo diễn.

Đạo diễn Việt Tú 

- Hiện nay, hiện tượng “Tây hóa” của nhiều chương trình âm nhạc rất đáng lo ngại và nhiều nhà sản xuất không còn quan tâm đến bản sắc âm nhạc Việt. Anh có thể lý giải về vấn đề này?

Thứ nhất, cần phải có một định nghĩa rõ ràng thế nào là Tây hoá, và Tây hoá thì có gì tác động xấu đến một nền công nghiệp âm nhạc vốn sinh sau đẻ muộn và đang cần sự học hỏi.

Và thế nào là bản sắc Việt, và ở khu vực nào cần phải giữ gìn cái gọi là “bản sắc Việt” đó. Không thể cứ định nghĩa và đặt ra những khái niệm chung chung rồi áp đặt được.

Chẳng phải trào lưu âm nhạc K-Pop đang phủ sóng ảnh hưởng đến giới trẻ Châu Á và toàn thế giới cũng bắt đầu từ cái việc gọi là “Tây hoá” hay sao, hãy nhìn xem chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng ảnh hưởng của làn sóng văn hoá đó như thế nào trong việc quảng bá hình ảnh đất nước con người họ tới thế giới.

Muốn biết thì phải hỏi, muốn giỏi thì phải học. Mình là người đi sau, thì việc học hỏi là đương nhiên thôi.

- Nhận thấy, một số chương trình âm nhạc gần đây thi đua lên sóng và lần lượt chìm nghỉm giữa vô vàn các chương trình âm nhạc khác vì không có bản sắc, có vẻ như những nhà sản xuất ấy đã quá vội vàng, “ăn xổi ở thì” muốn đánh bóng tên tuổi và ghi điểm trong lòng công chúng. Anh đánh giá thế nào thực trạng này?

Đã gọi là thị trường đương nhiên phải có thứ hay thứ dở, thứ dở bao giờ cũng nhiều mà thứ hay thì bao giờ cũng ít, chuyện đó là bình thường, có như vậy người ta mới thấy được giá trị của những thứ tử tế. Sự phân loại là rất công bằng, hãy để thị trường và khán giả tự động đào thải những sản phẩm không có giá trị.

- Giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, theo anh, chúng ta nên có quy chế nghiêm ngặt và cụ thể nào để thanh lọc showbiz Việt?

Vấn đề chính ở đây là thanh lọc cái gì, thanh lọc ai. Mỗi người có quyền tự chọn cho mình một hướng đi và một thị trường riêng, như đã nói ở trên thị trường sẽ tự sàng lọc, chọn lựa và giữ lại những gì có giá trị.

Khán giả thì có nhiều tầng lớp, nhiều nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, không thể bắt tất cả ăn chung cùng một món được. Không ai có đủ khả năng thực hiện việc “thanh lọc” ngoài chính khán giả cả.

- Trong thời gian tới, BHYT sẽ "lỗi hẹn" với khán giả Thủ đô khi mà cả 3 liveshow 8,9,10 sẽ được tổ chức tại sân khấu Lan Anh, TP HCM. Sự thay đổi này có gây khó khăn cho đạo diễn Việt Tú?

Việc liveshow 8,9,10 được tổ chức tại TP HCM là một việc được lên kế hoạch từ đầu, nó nằm trong mong muốn của BTC trong việc mang chương trình tới đông đảo khán giả cả nước.

Ngoại trừ những yếu tố mà bản thân ekip thực hiện không thể kiểm soát như chất lượng âm thanh, hình ảnh khi lên truyền hình trực tiếp vì phần này thuộc về kỹ thuật truyền hình, cá nhân tôi không thấy có bất kỳ vấn đề về mặt kỹ thuật khi chương trình được làm ở Hà Nội hay TP HCM cả.

- Qua 7 liveshow, Việt Tú ấn tượng với phần đạo diễn những tiết mục nào? Để các ca khúc phối hợp ăn ý trên sân khấu, đạo diễn Việt Tú và Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn cùng ekip đã phải "lao động nghệ thuật" ra sao?

Về mặt sân khấu, dàn dựng thì tôi ấn tượng nhất với tiết mục Bay của Thu Minh tại Liveshow 3, vì nó tạo ra một hiệu ứng về sân khấu, trình diễn không thua kém bất kỳ một tiết mục trong liveshow cá nhân nào, cho dù BHYT là một chương trình bao gồm nhiều phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ.

Về sự thách thức trong dàn dựng một tiết mục thì tôi ấn tượng với tiết mục của Linh Hoa, có thể cho đến tận bây giờ vẫn không có nhiều người nhớ đến giọng ca này.

Nhưng đối với cá nhân tôi và ekip đó là một bài toán khó, vì trong liveshow 6 mà Linh Hoa tham gia biểu diễn bản thân chính cô ấy và ca khúc cô ấy thể hiện ban đầu có vẻ không liên quan gì tới những ca khúc còn lại, cá nhân Linh Hoa chưa có nhiều kinh nghiệm sân khấu.

Nếu buông, người thiệt thòi sẽ là nghệ sĩ, chính vì vậy tôi sau đó đã phải nhờ tới nghệ sĩ Đinh Công Đạt ngoài Hà Nội dụng công đi chụp lại một bộ tranh tứ bình cổ, rồi gửi file vào cho tôi thực hiện phần hình ảnh minh hoạ cho tiết mục đó.

Kết quả Linh Hoa thì có một tiết mục biểu diễn tốt cả về âm nhạc lẫn hiệu ứng sân khấu vì trước đó, ngay từ khi lên kịch bản âm nhạc anh Huy Tuấn đã gần như phải dựng mới lại phần âm nhạc của Linh Hoa sao cho phù hợp với tổng thể chương trình rồi.

Đây cũng chính là một ví dụ sống động nhất trong sự phối hợp giữa tôi và anh Huy Tuấn cũng như toàn bộ ekip trong việc thực hiện BHYT.

- BHYT với đặc điểm riêng là sự kết hợp của nhiều thể loại âm nhạc và nhiều giọng ca khác nhau. Với cương vị là Tổng đạo diễn chương trình, anh sẽ làm gì để các ca sĩ trẻ có cơ hội tỏa sáng khi cùng đứng chung trên sân khấu với những diva hàng đầu?

Về cơ bản, các giọng ca trẻ muốn tỏa sáng được khi đứng cạnh các diva, divo thì tự thân họ phải có nội lực và bản lĩnh đã vì đây là một sân chơi âm nhạc. Nếu họ không có thực lực thì cho dù sân khấu có đẹp, âm thanh, ánh sáng và dàn dựng có tốt thì cũng vô ích.

Thực ra trong các Liveshow của BHYT, các nghệ sĩ luôn được các đàn anh, đàn chị nhường nhịn rất nhiều về thời gian tập trên sân khấu cũng như các hiệu ứng dàn dựng vì họ hiểu rằng điều quan trọng là âm nhạc, và chỉ có những tài năng âm nhạc đích thực mới có khả năng chạm đến trái tim của những khán giả yêu nhạc đích thực.

Nga Nguyễn (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn