• Zalo

Việt Nam và thời của các đại gia công nghệ

Kinh tếChủ Nhật, 22/02/2015 04:09:00 +07:00Google News

Việt Nam đang thực sự trở thành một công xưởng lớn của các đại gia công nghệ.

Nếu như hai năm trước đây, câu chuyện về “thời của các đại gia công nghệ” vẫn còn là một dấu chấm hỏi, thì nay, đó đã là một lời khẳng định chắc chắn. Việt Nam đang thực sự trở thành một công xưởng lớn của các đại gia công nghệ.

Cơ hội chưa từng có

Tạm bỏ qua Samsung, bởi đó là ví dụ quá điển hình và có thể viết thành một câu chuyện riêng về việc họ đã chi hơn chục tỷ USD để biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, hãy bắt đầu câu chuyện “thời của các đại gia công nghệ” bằng một thông tin đang gây xôn xao dư luận.

Đó là việc công ty chuyên về bảo mật tại Việt Nam - Bkav - bất ngờ giới thiệu smartphone do họ sản xuất tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới - CES 2014 (LasVegas - Mỹ) hồi trung tuần tháng 1/2015. Đây là điều mà chưa một doanh nghiệp Việt Nam nào dũng cảm thực hiện.


Người choáng váng, kẻ hồ nghi và cuối cùng, Bkav thậm chí đã chấp nhận để một đoàn nhà báo tới mục sở thị nhà máy của họ ở Hà Nội để chứng minh rằng, họ không thuê lắp ráp ở Trung Quốc, mà tự tay làm chủ mọi quy trình từ thiết kế, lắp ráp đến đóng gói.

Bkav cũng là nhà sản xuất đầu tiên tại Đông Nam Á được Qualcomm đồng ý hợp tác để tích hợp bộ vi xử lý di động mới và mạnh nhất của hãng này vào sản phẩm.

Microsoft chuyển 39 dây chuyền từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất smartphone
Sẽ còn một thời gian để chứng minh Bkav có thành công hay không và xét trên một góc độ nào đó chưa thể xếp Bkav vào hạng “đại gia công nghệ”, nhưng thông tin này cũng đã gây “chấn động” làng công nghệ Việt Nam, vốn lâu nay liên tục bị bất ngờ bởi các thông tin liên quan tới các kế hoạch đầu tư của các đại gia công nghệ thế giới.

Các khoản đầu tư tiền tỷ (USD) của Samsung, LG, Nokia (Microsoft)... khiến nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí nhiều lúc không ngờ vì sao các đại gia lại “mê” Việt Nam đến vậy.


Thậm chí, nhìn vào việc sau Samsung, Microsoft quyết định chuyển 39 dây chuyền từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất smartphone thay vì chỉ điện thoại truyền thống như trước kia, hay LG cũng tính chuyện chuyển phần lớn việc sản xuất điện thoại di động về Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) GS. Nguyễn Mại còn thốt lên rằng: Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Cơ hội bắt đầu xuất hiện từ khi Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam và trở thành cú hích lớn để từ đó, nhiều đại gia công nghệ đổ vào Việt Nam. Nhưng làn sóng chỉ thực sự đến khi Samsung liên tục dốc vốn vào Việt Nam. Chỉ riêng khoản đầu tư của Samsung đã lên tới trên 11,2 tỷ USD, chưa kể cả trăm nhà đầu tư vệ tinh theo Samsung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cũng lên tới hàng tỷ USD.

Việt Nam đã thực sự trở thành công xưởng lớn của thế giới khi có tới 30% điện thoại của Samsung được sản xuất tại đây. Chưa kể, của LG, của Microsoft và của cả các nhà sản xuất Việt Nam, như Viettel, FPT,  Qmobile, hay sắp tới đây là Bkav...

Không chỉ là đối với điện thoại di động, nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao cũng đã và đang không ngừng mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Những cái tên thường được nhắc đến là Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, rồi Fuji Xerox, Kyocera…

Thông tin cách đây không lâu cũng cho biết, Wintek (Đài Loan) sau khi đầu tư trên 1,1 tỷ USD ở Bắc Giang cũng đang lên kế hoạch đầu tư gấp đôi vốn đầu tư, lên trên 2 tỷ USD để mở rộng dự án chuyên sản xuất thành phẩm và bán thành phẩm tấm cảm ứng (TP), thiết bị hiển thị tinh thể lỏng (LCD) và mô-đun hiển thị tinh thể lỏng (LCM). Các sản phẩm này cũng đều được dùng trong sản xuất điện thoại di động.

Còn Intel, nhà đầu tư công nghệ cao đầu tiên vào Việt Nam này sau một thời gian sản xuất và kinh doanh thành công ở Việt Nam đã quyết định nâng cấp dây chuyền thiết bị để tới đây có thể sản xuất tới 80% sản phẩm CPU Haswell (chip thế hệ thứ 4) tại Việt Nam.

Chính các tên tuổi này đã góp phần quan trọng để đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, linh kiện điện tử... lên cao chưa từng có. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đã lên tới xấp xỉ 40 tỷ USD.

Kế hoạch đầu tư dồn dập của Samsung được cho là đang “kích hoạt” dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam. Dòng vốn này có thể sẽ được đẩy lên cao nữa khi Việt Nam vẫn đang tiếp tục khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, với các chính sách ưu đãi đầu tư luôn ở mức cao nhất.

Cuối tháng 11/2014, Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Đặc biệt, Luật Đầu tư sửa đổi đã trực tiếp sửa đổi Điều 18 Luật Công nghệ cao theo hướng từ nay, các doanh nghiệp công nghệ cao không còn bị ràng buộc bởi tỷ lệ doanh thu (1%), cũng như lao động (5%) dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nữa. Điều luật lâu nay khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng Việt Nam chủ trương khuyến khích nhưng lại dựng lên đầy rào cản bởi ngay cả các đại gia đình đám toàn cầu cũng khó lòng đáp ứng.

Khi “chốt hãm” đã được mở, thì các nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng hơn khi quyết định móc hầu bao. Cùng với đầu tư trong nước, thì FDI là yếu tố quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định để Việt Nam có thể từng bước xây dựng và phát triển các ngành kinh tế công nghệ cao giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc... đã từng.

Công nghệ cao hay chỉ là lắp ráp?


Vẫn là một câu hỏi cũ mà Báo Đầu tư đặt ra từ hai năm trước khi đặt dấu chấm hỏi về “thời của các đại gia công nghệ”. Câu hỏi ấy cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, khi mà nhiều thông tin gần đây cho thấy, chưa có nhiều cải thiện trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ để các nhà đầu tư đủ sức biến chuyện lắp ráp đơn thuần thành thực sự sản xuất tại nhiều nhà máy, công xưởng ở Việt Nam.

Một cách rõ ràng thì chuyện Samsung đã đầu tư thêm dự án Samsung Display 1 tỷ USD ở Bắc Ninh, rồi Dự án Samsung Electro-Mechanics 1,23 tỷ USD ở Thái Nguyên, chuyên sản xuất màn hình, vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại Samsung chính là bước đi quan trọng của nhà đầu tư này nhằm hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất của mình. Và điều này đương nhiên có thể được hiểu rằng, Samsung đang từng bước thực sự sản xuất tại Việt Nam chứ không chỉ là lắp ráp.

Nhưng chỉ một nỗ lực của Samsung là chưa đủ, cho dù giữa năm qua nhà đầu tư này đã lần đầu tiên quyết định đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất 170 loại linh kiện, với các điều kiện kèm theo rất nghiêm ngặt. Điều kiện cao là bởi, đó là những sản phẩm được xuất khẩu đi toàn cầu, nên cũng phải đáp ứng các điều kiện khác nhau của các quốc gia nhập khẩu.

Samsung rất có thiện chí, nhưng sự kiện này rốt cuộc lại chỉ làm dấy lên một loạt câu hỏi nhức nhối khác, đó là liệu có thực sự doanh nghiệp Việt không thể sản xuất nổi một chiếc ốc vít cho Samsung? Vậy thì cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở đâu? Không lẽ mãi phải chấp nhận phận gia công, lắp ráp?

Một cách lạc quan, ông Nguyễn Mại cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không đến nỗi không thể sản xuất được cái ốc vít cho Samsung. Vấn đề là phải biết nhập máy móc, thiết bị ở đâu, sản xuất cái gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Và hơn nữa, phải bỏ cả thói quen chờ đợi sự hỗ trợ, mà phải chủ động đầu tư thiết bị sản xuất, công nghệ và giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia để có được sự tin tưởng và đơn đặt hàng của họ.

Đầu năm 2015, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp muốn cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung. Một nửa trong số này là doanh nghiệp Việt Nam. Dù kết quả đến đâu còn phải chờ đợi song sự chủ động đó là cần thiết, nếu như doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các đại gia công nghệ và để một lúc nào đó, chúng ta không còn phải đặt câu hỏi về chuyện “công nghệ cao hay lắp ráp?”.

Nhưng một Samsung thôi chưa đủ, cần nhân rộng mô hình này ra nhiều nhà đầu tư khác. Cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp hỗ trợ đủ năng lực và tự tin để cung ứng nguyên vật liệu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Giúp họ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giúp Việt Nam thu được nhiều hơn nữa giá trị gia tăng từ các sản phẩm công nghệ cao.

Và khát vọng “made in Vietnam”

Quay trở lại với câu chuyện của Bkav, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav sau khi giới thiệu về smartphone của mình đã không ngần ngại chia sẻ tham vọng rằng, sản phẩm đó sẽ là câu trả lời cho việc liệu Việt Nam có thể tạo ra được những sản phẩm công nghệ cao hay không. “Điều chúng tôi tự hào nhất là dòng chữ phía sau máy: Designed by Bkav. Made in Vietnam (Bkav thiết kế, sản xuất tại Việt Nam)”, Phó chủ tịch Bkav đã nhấn mạnh như vậy.

Nếu làm được vậy, thực sự rất đáng tự hào. Nhưng trong khi còn phải chờ đợi Bkav, hay các doanh nghiệp Việt Nam khác đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để “chơi” ngang ngửa với các đại gia toàn cầu, có thể bắt đầu bằng việc thực hiện một cách trọn vẹn khát vọng “Made in Vietnam”, khát vọng được viết bằng một dòng chữ rất nhỏ bên lề của các sản phẩm cao nghệ cao, chất lượng quốc tế đang được sản xuất tại Việt Nam.

Hãy để cái tên Việt Nam, quốc gia mà lâu nay trong con mắt của nhiều bạn bè quốc tế, chỉ có nông nghiệp hay các sản phẩm gia công như giày dép hay quần áo, được xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa và tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lúc ấy, Việt Nam mới thực sự là công xưởng sản xuất của thế giới.

Nguồn: Đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn