(VTC News) - Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh để lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là trường đoạn bất tử trong bản hùng ca của thế kỷ XX, là mùa xuân toàn thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.
Chiến dịch Hồ Chí Minh, ban đầu được lấy tên là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, là chiến dịch quân sự có thời gian diễn biến ngắn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 26/4 đến 30/4/1975. Thắng lợi của chiến dịch đã chấm dứt hoàn toàn 21 năm chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Tạo thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đến năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã làm phá sản, tan rã các chiến lược chiến tranh quy mô lớn của Mỹ - ngụy: Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tương quan lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng.
Đặc biệt, sau chiến thắng Phước Long (6/1/1975) đã tạo thêm cơ sở để hội nghị Bộ Chính trị và hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng thắng lợi là bước đệm quan trọng để ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Mở đầu bằng chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, diễn ra từ ngày 4 đến 24/3/1975, ta tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng, tạo bước ngoặt quyết định của thời kỳ kết thúc chiến tranh.
Ngày 11/3/1975, trận đánh Buôn Ma Thuột mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên.
Ngay sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên ta mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 21 đến 29/3/1975, chiến thắng này cùng với chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện quan trọng cho ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cuộc tiến công giải phóng Thừa Thiên Huế 26/3/1975.
Sau hai thắng lợi này các lực lượng vũ trang của ta đã trưởng thành nhanh chóng. Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của địch giảm sút nghiêm trọng, chúng phải co cụm về phòng thủ từ Phan Rang trở vào. Mỹ cũng hết sức giúp ngụy kéo dài cơn “hấp hối” bằng cách lập cầu hàng không viện trợ khẩn cấp cho chúng.
Quân đoàn 2 giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975.
Ngày 8/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia đình (từ 14/4 lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập, gồm Tư lệnh: Ðại tướng Văn Tiến Dũng; Chính ủy: Phạm Hùng; Phó Tư lệnh gồm: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn; Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền; Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị.
Ngay sau đấy, quân ta đã mở hàng loạt các trận đánh vào phòng tuyến của địch, mở màn bằng chiến dịch Xuân Lộc (ngày 9/4), chiến dịch kết thúc ngày 21/4, quân ta giải phóng tỉnh Long Khánh, mở toang “cánh cửa thép” phía Đông, tiến về Sài Gòn. Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến.
Từ ngày 14 đến 29/4 quân ta giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 16/4, Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324), Sư đoàn 3 quân khu 5, Trung đoàn 25 bộ binh cùng các lực lượng xe tăng, pháo binh tăng cường tiến công tiêu diệt Quân đoàn 3 ngụy, đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, giải phóng toàn tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay thề sẽ cùng "tử thủ" với binh sĩ.
Quân giải phóng từ miền Tây Nam bộ tiến về Sài Gòn.
Các cánh quân tổng tấn công Sài Gòn
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 2 tiến công tuyến phòng thủ của địch ở hướng Đông và Đông-Nam, đánh chiếm Trường huấn luyện thiết giáp; căn cứ Nước Trong, Chi khu Long Thành, vượt đường số 15, giải phóng Phước Thường, bao vây Long Tân, đánh chiếm chi khu Ðức Thạnh.
Quân đoàn 4 đánh chiếm chi khu Trảng Bom, diệt và làm tan rã lữ dù 3, lữ thủy quân lục chiến 468...
Bản đồ tái hiện chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Quân ta trên các hướng Bắc, Tây-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây, Tây-Nam đã kết hợp tiến công của quân chính quy với nổi dậy của quần chúng nhân dân, đã tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch phòng thủ vòng ngoài, chiếm bàn đạp vùng ven, sẵn sàng tổng công kích vào nội đô.
Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, chiều cùng ngày không quân ta dùng máy bay A37 thu được của Mỹ ném bom khu chứa máy bay của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.
Đêm 28 rạng sáng 29/4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
Phối hợp cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực, 26.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ và cơ sở cách mạng trong nội thành áp sát các mục tiêu địch, đánh chiếm và giữ các đầu mối giao thông trên năm hướng tiến vào nội đô. Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh cử 7.000 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện tổ chức cho quần chúng nổi dậy và tiếp tế cơm nước, dẫn đường cho bộ đội tiến công.
Sự phối hợp nhịp nhàng của nhân dân nổi dậy và làm công tác binh vận đã góp phần rất quan trọng hỗ trợ tích cực cho các binh đoàn chủ lực phát triển tiến công nhanh vào nội đô.
Cảnh hỗn loạn của lính Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn.
Ngày kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến
Đúng 5h30’ ngày 30/4/1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt đánh thẳng vào Sài Gòn với năm mục tiêu: Bộ tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát Đô thành, Biệt khu thủ đô và điểm hội quân cuối cùng là dinh Độc Lập.
Từ hướng Bắc: Quân đoàn 1, diệt căn cứ Phú Lợi, phát triển tiến công diệt và làm tan rã Sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 1 diệt lữ đoàn 3 kỵ binh ngụy tại cầu Bình Triệu, tiến công vào cổng số 2 và 3 phối hợp với quân đoàn 3 chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.
Hướng Tây-Bắc: Quân đoàn 3, sau khi đánh chiếm căn cứ Ðồng Dù, Trảng Bàng, diệt sư đoàn 25 ngụy, tiến công chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh quân dù và phối hợp Quân đoàn 1 ở cánh Bắc đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.
Hướng Tây và Tây-Nam: Sư đoàn 9, đoàn 232 đánh chiếm khu Nhà Bè, cầu Nhị Thiên Ðường, cầu Chữ Y, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ tư lệnh lục quân, chiếm khu Tân Tạo, khu radar Phú Lâm... Trung đoàn bộ binh 88 phối hợp đánh chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia nguỵ, ngày 30/4/1975.
Sư đoàn 5 và các Trung đoàn 16, 24, 88 độc lập tấn công và làm tan rã Sư đoàn 22, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa, chiếm cầu Bình Ðiền, An Lạc, phối hợp cùng nhân dân giải phóng quận 5, 6, phối hợp với Sư đoàn 9 chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia... Bộ đội đặc công phối hợp nhân dân đánh địch, giải phóng quận Tân Bình, quận Bình Chánh và đặc khu rừng Sác.
Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ tổng tham mưu nguỵ trưa ngày 30/4/1975.
Hướng Đông: 7h ngày 30/4, Quân đoàn 4, tiến công chiếm Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 không quân ngụy, sân bay Biên Hòa, đánh tan địch ngăn chặn ở Hố Nai, sau đó tiến công sang quận Thủ Ðức, phát triển vào nội đô đánh chiếm Bộ chỉ huy thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ quốc phòng, cảng Bạch Ðằng, Ðài phát thanh... Sư đoàn 3 quân khu 5 giải phóng Vũng Tàu, phát triển tiến công chiếm Cần Giờ.
Hướng Đông - Nam: Quân đoàn 2, tổ chức vượt sông Sài Gòn tiến công địch, giải phóng quận 9 và Thủ Thiêm. Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đã vượt cầu xa lộ Ðồng Nai, đánh tan quân địch ngăn chặn, thần tốc tiến về dinh Ðộc lập.
9h30’ ngày 30/4, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa nhậm chức hôm 28/4 kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền” nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ.
10h45’, chiếc xe tăng số 390 húc đổ cổng chính tiến thẳng vào dinh Độc lập (chiếc xe tăng số 843 đâm vào cổng phụ đã bị kẹt lại) bắt toàn bộ chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Xe tăng quân giải phóng lao qua cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Chiếc xe tăng 843 bị kẹt ở cổng phụ, chiếc xe tăng số 390 lao qua cổng chính.
Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng tung bay trên dinh Ðộc lập, báo tin Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
Cùng với cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh, một bộ phận chủ lực ta nhanh chóng tiến công địch, giải phóng các đảo ven biển miền Trung và quần đảo Trường Sa. Nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Phú Quốc (30/4).
Ngày 1/5 quân và dân ta tiếp tục giải phóng các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Kiến Tường, Sa Ðéc, Châu Ðốc, Côn Ðảo.
Như vậy, đến ngày 1/5/1975, toàn bộ phần đất nền và các đảo trên Biển Đông đã được hoàn toàn giải phóng.
Nhân dân Sài Gòn dự mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn quân và dân ta, đồng thời là một trong những cuộc đấu tranh cách mạng kiện cường nhất của các dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong bản Di chúc bất hủ: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Thắng lợi này đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Video quân ta tổng tấn công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Lê Việt(tổng hợp)
Bình luận