Tháng 2/1990, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker để bàn về việc rút quân đồn trú Liên Xô khỏi Đông Đức. Để trấn an Tổng thống Gorbachev về những hệ lụy địa chính trị sau này, Ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố: “Not one inch eastward - NATO sẽ không tiến một centimet nào về phía Đông sau khi nước Đức thống nhất.
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức ngày đó, ông Helmut Kohl cũng đảm bảo rằng “một cách tự nhiên, NATO không thể mở rộng không gian của mình sang đến lãnh thổ hiện tại (vào lúc đó) của Đông Đức”.
Năm 1991, khi Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Dmitry Yazov hỏi về ý định của các nước Đông Âu gia nhập NATO, Thủ tướng Anh John Major cũng vẫn khẳng định “không bao giờ có chuyện như thế xảy ra”.
Lời nói trao đi, trao lại, Tổng thống Liên Xô Gorbachev về sau chỉ nói đại ý rằng Liên Xô (sau này là Nga) sẽ không cản trở các tiến trình chính trị tại Đông Âu nhưng phương Tây không nên khai thác sự yếu đuối của Liên Xô một cách quá đáng. Đó thực sự là một tuyên ngôn bất lực của một siêu cường ở buổi hoàng hôn của quyền lực.
Những gì sau đó đã là lịch sử.
Nước Đức thống nhất không một tiếng súng. Hơn 300.000 quân Liên Xô đồn trú tại Đông Âu rút lui trong trật tự.
Dan Plesch, Giáo sư về ngoại giao của Trường Đại học SOAS London, nhận định “những năm 1990-1991 phương Tây nắm giữ mọi con bài trong tay. Liên Xô ngày đó đã xử lý hồi kết của một đế quốc một cách tương đối hòa bình, điều chưa từng có trong lịch sử, nhưng họ lại không được ghi nhận”.
Năm 1990, NATO có 16 thành viên.
Sau 3 thập kỷ, con số đó tăng thêm 14. Tất cả đều là các thành viên cũ của khối Đông Âu và Liên Xô.
Những lần phàn nàn tức giận của cựu Tổng thống Nga Boris Eltsin và sau này của chính Tổng thống Vladimir Putin bị bỏ ngoài tai. Suốt thập kỷ 90, nước Nga bị xem là quốc gia thất bại, một quốc gia không được chấp nhận, dù Moscow từng có thời điểm ngây thơ và vô vọng đến mức muốn gia nhập NATO và EU.
Không phải không có những chính trị gia và học giả phương Tây đã nhận ra rằng, phương Tây đã đi quá xa trong việc làm nhục nước Nga hậu Chiến tranh Lạnh và việc NATO bành trướng sang phía Đông sớm muộn cũng sẽ dẫn đến đối đầu với Nga. Năm 1991, Tổng thống Pháp Francois Mitterand từng cảnh báo, rằng “việc khiêu khích Nga, tạo cho Nga cảm giác của một cường quốc bị cô lập và vây hãm không phải là con đường tốt cho châu Âu”.
Trên lý thuyết, “Chính sách mở cửa” (Open Door Policy) của NATO áp dụng với mọi quốc gia, nhưng trên thực tế nước Nga luôn bị gạt sang một bên. Trong bức điện gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1993, nhà ngoại giao Mỹ James Collins cảnh báo “bất kể lập luận thế nào, nếu NATO áp dụng một chính sách hướng đến việc mở rộng sang Đông và Trung Âu mà không mở cửa với nước Nga thì điều đó chắc chắn sẽ được Moscow nhìn nhận như là một mối đe dọa đối với nước Nga”.
Để biện minh cho việc đi ngược lại các cam kết (dù chỉ bằng lời nói) của mình, các nước phương Tây viện dẫn nguyên tắc “Rebus sic stantibus” – sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh, ý là nhà nước Liên Xô đã không còn tồn tại và do đó, phương Tây không có nghĩa vụ phải tuân thủ những gì đã cam kết.
Đó là lý do tại sao suốt thời gian qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên quyết muốn phương Tây đưa ra các cam kết pháp lý “bằng văn bản”.
Trong bài phát biểu 70 phút trên truyền hình Nga tối 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin dành khoảng 50 phút để nói về lịch sử.
Về việc những người Bolsevik Nga đã lập ra nhà nước Ukraine, về các quyết định cắt đất lập quốc trong thời Liên Xô. Và đương nhiên, về việc Ukraine đang tìm cách cắt đứt mọi liên hệ lịch sử với nước Nga.
Trong con mắt của Vladimir Putin, Ukraine không phải là một nhà nước đúng nghĩa, không có truyền thống trị quốc, nói cách khác “là một nhà nước vong bản”, là con rối mà Mỹ và phương Tây dựng lên để đe dọa nước Nga.
Đây, tất nhiên, là một quan điểm gây tranh cãi và đúng hay sai, là tùy nhìn nhận của mỗi người.
Nhưng trong con mắt của người đứng đầu nước Nga, mọi thứ đã đi đến giới hạn và nước Nga không lùi được nữa.
Vladimir Putin của tối 21/2 là một con người mệt mỏi và giận dữ, không phải là một nhà hùng biện xuất sắc và lạnh lùng như mọi khi.
Nhiều nhân vật vĩ đại trong lịch sử được nhìn nhận bởi những gì họ đã làm.
Với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, sự nhìn nhận của lịch sử có lẽ sẽ nằm nhiều hơn ở những việc ông đã không làm.
Bình luận