Vì sao tỏi ngâm giấm dễ chuyển thành màu xanh?

Gia đìnhThứ Ba, 09/07/2024 15:00:00 +07:00
(VTC News) -

Tỏi ngâm giấm là món ăn kèm yêu thích của nhiều người nhưng nhiều khi lại gây lo ngại khi chuyển sang màu xanh, nguyên nhân là gì, và lọ tỏi đó còn an toàn không?

Tỏi ngâm giấm được dùng để ăn kèm với nhiều món như bún, miến... hoặc được dùng pha một số loại nước chấm. Nó giúp kích thích vị giác, điều hòa hương vị và cũng đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, hiện tượng hũ tỏi ngâm giấm chuyển màu xanh khiến nhiều người lo ngại. Phải chăng lọ tỏi đã hỏng và kém an toàn? 

Nguyên nhân khiến tỏi ngâm giấm chuyển màu xanh

Tình trạng tỏi ngâm giấm chuyến màu xanh rất phổ biến, khiến nhiều người cảm thấy phiền lòng vì sản phẩm mình tạo ra không được hoàn hảo. Nguyên nhân của hiện tượng này liên quan đến tính axit của giấm. Khi tiếp xúc với tỏi, giấm sẽ tác động lên axit amin có trong tỏi và tạo thành hợp chất mới có các pyrroles. Các pyrroles kết hợp với nhau tạo thành polypyrroles và gây ra sự thay đổi màu sắc: 4 pyrroles kết hợp lại sẽ thành màu xanh lá cây, 3 pyrroles kết hợp lại sẽ khiến lọ tỏi ngâm giấm chuyển sang màu xanh lam.

Do đó, việc lọ tỏi ngâm giấm chuyển thành màu xanh lá hay xanh lam là bình thường và vẫn an toàn, vì màu sắc không ảnh hưởng tới mùi vị hay chất lượng của tỏi. Bạn có thể sử dụng bình thường, không cần vì sợ hãi mà bỏ đi. Thường nếu bạn ngâm dấm bằng tỏi non thì sẽ dễ bị đổi thành màu xanh hơn tỏi già.

Bạn có biết vì sao tỏi ngâm giấm dễ chuyển thành màu xanh? (Ảnh: Pinterest)

Bạn có biết vì sao tỏi ngâm giấm dễ chuyển thành màu xanh? (Ảnh: Pinterest)

Lợi ích sức khoẻ khi dùng tỏi ngâm giấm 

Tỏi vốn được coi là phương thuốc toàn diện giúp điều trị nhiều vấn đề sức khoẻ. Cả tỏi tươi và tỏi ngâm đều được chứng minh là có những lợi ích to lớn như cải thiện chứng huyết áp cao, khuyến khích phục hồi vết thương. Các lợi ích sức khoẻ của tỏi ngâm giấm gồm: 

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Tỏi ngâm giấm chứa hợp chất chống oxy hóa và chất chống vi khuẩn, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Tỏi ngâm giấm giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm tình trạng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn.
  • Chống vi khuẩn và kháng virus: Tỏi có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và virus gây bệnh trong cơ thể.
  • Hỗ trợ hệ tuần hoàn: Tỏi ngâm giấm giúp cải thiện lưu thông máu, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Giảm mức cholesterol: Tỏi có khả năng giảm mức cholesterol xấu (LDL) và tăng mức cholesterol tốt (HDL), giúp duy trì sức khỏe tim mạch.

Cách làm tỏi ngâm giấm 

Để làm tỏi ngâm giấm ngon và không bị xanh, bạn nên chọn củ tỏi già, lớp vỏ bên ngoài khô ráo, không bị nhăn nheo. Trước khi ngâm, bạn cần bóc sạch vỏ tỏi. Để bóc tỏi nhanh và không bị cay mắt, bạn có thể ngâm chúng vào chậu nước 20 phút rồi bóc.

Chuẩn bị nguyên liệu cho món tỏi ngâm dấm:

- Tỏi ta 

- Giấm ăn 

- Bột canh

- Đường

- Ớt thóc xanh đỏ.

Ớt rửa sạch, để ráo nước và bỏ cuống. Tỏi bóc vỏ, thái dọc rồi đem ngâm vào một bát ngập giấm, lấy màng bọc thực phẩm bọc lại, để trong tủ lạnh 1 tiếng rồi lấy ra, vớt sang một cái bát khác. Trộn tỏi với đường, bột canh đã chuẩn bị trong tầm 15 phút cho tỏi ngấm gia vị. 

Về lọ ngâm tỏi, nên chọn lọ sứ sạch sẽ và tuyệt đối khô ráo, xếp lần lượt một lớp ớt rồi một lớp tỏi, đến khi đầy lọ thì đổ giấm ngập tỏi là được. Đậy nắp kín và cất lọ tỏi ngâm ở nơi khô ráo, thoáng mát trong 2 ngày rồi cất vào tủ lạnh dùng dần. Lưu ý: Bạn nên sử dụng đũa, thìa sạch, chưa gắp thức ăn gì để lấy tỏi. 

Minh Anh (Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn