Điều khiển máy bay, làm bạn với bầu trời là ước mơ của rất nhiều người, nhưng số người đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nghề phi công lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Về mặt ngoại hình, thể lực, nghề này đòi hỏi rất cao về các chỉ số sức khỏe, cân nặng, chiều cao... và ngay cả khi đáp ứng, bạn vẫn có thể bị loại ra chỉ vì cơ thể có sẹo.
Vì sao phi công không được có sẹo trên cơ thể?
Phi công không được có sẹo là tiêu chuẩn bắt nguồn từ điều kiện, môi trường làm việc đặc biệt của họ - thường xuyên phải làm việc ở độ cao hàng chục nghìn mét. Càng lên cao, không khí càng loãng, áp lực càng thấp khiến cơ thể người có xu hướng nở ra. Khi đó, các vết sẹo dù là mới hay cũ đều trở thành điểm yếu trên da, có nguy cơ bị vỡ ra và hở miệng. Vết sẹo càng lớn thì nguy cơ rách da và chảy máu càng lớn.
Ca bin và khoang máy bay là không gian kín, áp lực khí tại đây được cân bằng ở mức tương đương không khí ở độ cao 2.000 mét so với mặt nước biển, không tác động mạnh tới những vết sẹo. Tuy nhiên, trong trường hợp máy bay gặp sự cố về máy nén khí khi đang ở độ cao 10.000 mét trở lên (áp lực của không khí bên ngoài khoang máy chỉ bằng 1/4 so với ở mặt đất), những vết sẹo trên cơ thể phi công có thể bị nứt ra và chảy máu khi không đủ khả năng chống lại áp lực.
Mặc dù việc rách da, chảy máu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng phi công là người quyết định sự an toàn của cả chuyến bay, nắm trong tay tính mạng của hàng trăm hành khách, cần sự tập trung tối đa khi làm việc. Vết thương xuất hiện có thể ảnh hưởng đến tâm lý, giảm mức độ tập trung của phi công, dẫn đến giảm độ chính xác trong việc xử lý tình huống, ảnh hưởng đến an toàn bay, nhất là trong giai đoạn cần hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh.
Thực tế, tiêu chuẩn "phi công không được có sẹo" không phải là tuyệt đối, các vết sẹo nhỏ và nông vẫn có thể được chấp nhận. Các hãng hàng không thường đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng về độ lớn, độ nông sâu của vết sẹo khi tuyển phi công. Tiêu chuẩn này càng khắt khe hơn đối với người lái máy bay quân sự.
Muốn làm phi công phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?
Nhìn chung, những người muốn được nhận vào trường đào tạo phi công phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Về ngoại hình: Chiều cao tối thiểu từ 1m65 với nam và từ 1m60 với nữ. Cân nặng từ 54kg với nam và từ 48kg với nữ. Chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30. Vòng ngực trung bình lớn hơn hoặc bằng 50% so với chiều cao (tính bằng cm).
- Về thể lực: Lực bóp tay thuận (kg) > 40 với nam và > 32 với nữ; lực bóp tay không thuận > 30 với nam và > 25 với nữ. Lực kéo thân (kg) > 170% trọng lượng cơ thể. Huyết áp tâm trương > 90 mmHg. Khoảng chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương < 30 mmHg.
Người muốn trở thành phi công phải được kiểm tra sức khỏe kỹ để loại trừ rất nhiều bệnh lý cả về thể chất lẫn tâm thần. Người nghiện rượu hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích chắc chắn bị loại.
Phi công không được có bất thường nào về hệ tim mạch, hệ hô hấp, không có bất kỳ bất thường nào về cấu trúc hay chức năng ở dạ dày, ruột, hệ tiết niệu và sinh dục làm ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay; cũng không được không có bất kỳ bất thường nào về chức năng tai, mũi, xoang và họng (bao gồm khoang miệng, răng, thanh quản). Họ phải nghe được lời nói thường cách xa 5 mét và nói thầm cách 0,5 mét, phải đảm bảo về sức khỏe răng miệng.
Phi công cũng không được mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào có thể ảnh hưởng đến an toàn bay, không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Người bị viêm gan truyền nhiễm các thể có rối loạn chức năng gan, các bệnh ký sinh trùng cũng không được bay.
Phụ nữ muốn làm phi công cũng sẽ không thỏa nguyện nếu bị rối loạn kinh nguyệt điều trị không kết quả, có các bệnh cấp và mạn tính hay tái phát của tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng...
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo phi công thường yêu cầu học viên có trình độ Tốt nghiệp THPT trở lên, tuổi đời (tính theo năm sinh) từ 18 – 32, lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự.
Bình luận