Ứng dụng video ngắn TikTok đang là tâm điểm mới nhất trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và những gì xảy ra với TikTok rõ ràng không chỉ là mối quan tâm của hàng triệu người dùng tại Mỹ.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung tăng, số phận của TikTok sẽ là chỉ báo quan trọng với các doanh nghiệp đang nỗ lực dự báo hệ quả của một thế giới ngày càng ít toàn cầu hóa. TikTok gặp rắc rối vì công ty mẹ của ứng dụng này – ByteDance – có trụ sở tại Trung Quốc. Khi TikTok ngày càng phổ biến tại Mỹ, giới chức nước này lo ngại chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu về công dân Mỹ. TikTok phủ nhận, nhưng dĩ nhiên điều này không thể xoa dịu được Washington.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cấm ứng dụng này, đồng thời phản đối ý tưởng mua TikTok của Microsoft. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện với CEO Microsoft Satya Nadella, ông Trump đã thay đổi quan điểm. Tổng thống Mỹ cho biết TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động tại nước này.
Microsoft hôm 2/8 cũng xác nhận vẫn đang đàm phán mua mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. "Microsoft nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc xoa dịu các lo ngại của Tổng thống. Chúng tôi cam kết mua TikTok sau khi đã đánh giá toàn diện về mặt an ninh và sẽ cung cấp lợi ích kinh tế phù hợp cho nước Mỹ, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ", Microsoft cho biết trong thông báo. Họ cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán với ByteDance trong vài tuần.
Microsoft sẽ sở hữu và điều hành TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Hôm qua (3/8), cổ phiếu Microsoft đã tăng hơn 4% đầu phiên nhờ thông tin này.
Dù vậy, tương lai của TikTok vẫn còn chưa chắc chắc. Quan điểm của Trump về ứng dụng này vẫn chưa rõ ràng. SCMP cuối tuần trước đưa tin ByteDance có thể nghiêng về phương án tách riêng TikTok hơn là bán nó. Tờ The Sun của Anh hôm qua lại cho biết ByteDance đang lên kế hoạch chuyển trụ sở từ Bắc Kinh sang London.
Bất kỳ quyết định nào liên quan đến TikTok cũng quan trọng với các đại gia công nghệ khác của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Trump sẽ "có hành động trong vài ngày tới" với các ứng dụng của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.
"Có vô số phần mềm Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ, dù là TikTok hay WeChat, đang gửi dữ liệu về Trung Quốc. Đó có thể là mẫu nhận diện khuôn mặt, hay thông tin về nơi ở, số điện thoại, bạn bè của người dùng", ông nói, "Tổng thống Trump sẽ có động thái trong vài ngày tới, liên quan đến rủi ro an ninh quốc gia của các phần mềm này".
Trước TikTok, hai đại gia công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE và Huawei cũng lao đao vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hai hãng này chịu nhiều cáo buộc, từ đe dọa an ninh quốc gia đến lách lệnh cấm vận của Mỹ với nước khác.
Tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cấm tất cả công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm, để trừng phạt việc công ty này lách lệnh cấm vận, bán hàng Mỹ sang Iran. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức, khiến ZTE buộc phải đình chỉ hoạt động kinh doanh chính của họ trên toàn thế giới, thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD. Dù vậy, đến tháng 7, họ xóa bỏ lệnh cấm sau khi ZTE ký một thỏa thuận với Mỹ và nộp tiền phạt cả tỷ USD.
Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, không cho hãng này tiếp cận công nghệ Mỹ, ví dụ như sản phẩm bán dẫn, do hãng này đe dọa an ninh quốc gia. Đến tháng 5 năm nay, giới chức Mỹ tiếp tục áp quy định mới, hạn chế cả khả năng tự cung cấp chip của Huawei. Việc này đe dọa đến nỗ lực bán thiết bị 5G của hãng.
Mỹ còn vận động các quốc gia khác áp lệnh cấm tương tự với thiết bị của Huawei. Giới chức Anh hồi tháng 7 đã quyết định gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng viễn thông nước này. Sức ép lớn trên toàn cầu khiến doanh thu nửa đầu năm nay của Huawei chỉ tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 454 tỷ nhân dân tệ (64,9 tỷ USD). Mức tăng này chỉ bằng nửa năm 2019.
Bên cạnh đó, những gì đang diễn ra với TikTok còn cho thấy sự khó khăn của các công ty toàn cầu khi phải hoạt động trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc xấu đi. Việc Mỹ - Trung áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau khiến hàng loạt doanh nghiệp hai nước thiệt hại nặng vì chi phí tăng cao. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc còn đẩy nhanh tốc độ các công ty đa quốc gia chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Việc Mỹ muốn hủy niêm yết các công ty Trung Quốc không chứng minh được là có thể kiểm toán và không thuộc sở hữu nhà nước cũng khiến doanh nghiệp Trung Quốc ngại niêm yết tại đây. Tháng 7, Ant Group (thuộc Alibaba) lên kế hoạch làm IPO tại Thượng Hải và Hong Kong. Reuters tháng trước cũng đưa tin đại gia du lịch trực tuyến Ctrip đang đề nghị các nhà đầu tư tiềm năng cấp vốn cho họ rút niêm yết khỏi sàn Nasdaq.
Hàng loạt công ty đa quốc gia cũng đang mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc vì vấn đề Hong Kong. Họ khó xử khi phải tuân thủ cả luật an ninh quốc gia của Trung Quốc và lệnh trừng phạt đang được Mỹ thảo luận. Các nhà băng như Citigroup, Goldman Sachs Group và JPMorgan Chase & Co như đang đi trên dây, khi vừa hoạt động tại Hong Kong, lại có kế hoạch đầy tham vọng tại thị trường Trung Quốc năm nay.
HSBC đặc biệt gặp rủi ro, do họ từng lên tiếng ủng hộ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nhà băng này hiện có vị thế thống trị tại Hong Kong. Noel Quinn – CEO HSBC hôm qua nhận định: "Căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạo ra môi trường đầy thách thức cho các tổ chức như HSBC".
Bình luận