• Zalo

Vì sao nguyên Tổng Giám đốc Agribank bị bắt?

Pháp luậtThứ Năm, 24/01/2013 06:34:00 +07:00Google News

Năm 2012 được coi là năm đầy vận hạn và chông gai đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Năm 2012 được coi là năm đầy vận hạn và chông gai đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Năm con rồng đã hạ bệ hàng loạt "nhạc trưởng" của Agribank và việc ông Phạm Thanh Tân bị bắt chỉ là cái kết của một quá trình vận hành yếu kém và nhiều sai lầm của ngân hàng này.

Sáng 23/1, tại "Hội nghị triển khai thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ Trưởng Bộ Công an đã thông báo việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng giám đốc Agribank về hành vi “Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Phạm Thanh Tân bị khởi tố là vì những hành vi liên quan đến trách nhiệm điều hành công việc của ông. Trong thời gian ông Tân làm "tư lệnh", Agribank đã từ một trong những ngân hàng có vị thế lớn nhất và mạng lưới trải rộng nhất ở Việt Nam đã trở nên yếu thế trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Tính đến hết ngày 30/6/2012, Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo số liệu của các tổ chức tín dụng báo cáo lên, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Agribank chiếm 6,14%. Đây là một trong những hậu quả do quãng thời gian điều hành yếu kém của ông Tân.

Trước ông Tân, đã có hàng loạt các cán bộ của Agribank cùng bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong những sai phạm của cấp dưới, với tư cách là người điều hành cao nhất, ông Tân đã không thể hiện được trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống, quản lý cán bộ của mình.

Đã có một loạt các cán bộ, từ "sếp" đến nhân viên của Agribank phạm những sai lầm nghiêm trọng và nhiều người trong số đó đã bị khởi tố, bắt giam. Chỉ tính riêng năm 2012, hệ thống Agribank đã có gần chục cán bộ rơi vào vòng lao lý.

Ngày 9/5, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Tuấn Anh (ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nguyên Phó giám đốc chi nhánh Công ty vàng Agribank Hà Đông, về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”.

Năm con rồng 2012 là năm đại hạn với Ngân hàng Agribank.

Theo tài liệu điều tra, tháng 10/2011, ông Kiều D. T. đến chi nhánh Công ty vàng Agribank Hà Đông để gửi 12,5 lượng vàng SJC 99,99%. Ông Tuấn Anh đã chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng nhận giữ vàng. Tuy nhiên, sau đó, ông Tuấn Anh đã không vào hồ sơ hợp đồng số vàng gửi trên mà lấy toàn bộ số vàng của ông T. gửi để sử dụng vào mục đích cá nhân. Được biết, ngoài ông T., còn nhiều trường hợp khách hàng khác cũng tố giác hành vi chiếm đoạt vàng của ông Tuấn Anh.

Ngày 18/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Hưng (56 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Hồng Hà, thuộc ngân hàng Agribank) về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Ông Hưng được cho là đã lợi dụng quyền hạn ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỉ đồng.

Liên quan vụ việc tại chi nhánh Hồng Hà, hai cựu cán bộ khác thuộc Agribank Hồng Hà là Đỗ Thị Minh Hiền (44 tuổi, Trưởng phòng tín dụng) và Trương Đăng Dần (38 tuổi, Phó phòng tín dụng) cũng bị khởi tố, bắt giam.

Tháng 10/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Đăng Trung (ở phường 7, quận 5, TP. Hồ Chí Minh); Hồ Văn Long (ở phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Trung nguyên là giám đốc, còn Long là Trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6, về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 26/11/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh).

Ông Phạm Thanh Tân.

Theo cơ quan điều tra, bà Hoàng Oanh bị bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng bị bắt với hành vi trên còn có ba cán bộ khác của Agribank Bến Thành. Trong thời gian làm giám đốc Agribank Bến Thành, bà Hoàng Oanh cùng các thuộc cấp của mình đã làm hồ sơ, ký một số hợp đồng tín dụng trái với quy định, gây thất thoát nhiều tỉ đồng. Bà Oanh đã về hưu trước khi bị khởi tố.

Điều đáng nói là hầu hết những cán bộ của Agribank khi bị cơ quan chức năng phát hiện những sai phạm thì đều tỏ ra ngây thơ và dường như không hiểu gì về các quy định của pháp luật.

Với trách nhiệm là Tổng giám đốc của một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất cả nước, ông Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm và để xảy ra nhiều hậu quả, dẫn tới việc ngân hàng Agribank mất dần vị thế của một "ông lớn".

Sự thiếu trách nhiệm - năng lực yếu kém trong điều hành của ông Tân và các cán bộ Agribank đã gợi lại một trong những băng khoăn lớn của dư luận: Có nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi các đối tượng lừa đảo chỉ cần lập ra vài công ty "ma" và dùng các loại giấy tờ giả là đã có thể vay được tiền.

Có thêm điều lạ là không hiểu sao ngân hàng vẫn cho các đối tượng này vay rất dễ dàng, số tiền lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí, một số ngân hàng còn ưu ái cho họ được hưởng lãi suất thấp.

Điều gì ở đằng sau cái sự "ngây thơ" đến buồn cười của cán bộ ngân hàng? Điều này, không cần phải nói ra, ai cũng hiểu!

Theo Petrotimes

Bình luận
vtcnews.vn