• Zalo

Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch?

Kinh tếThứ Năm, 01/11/2018 11:11:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án chậm tiến độ do nguồn vốn vay gặp khó khăn và vấn đề chênh lệch lãi suất chưa có phương án thực hiện.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Cần Thơ), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia.

the

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Người lao động)

Dự án này vẫn đang được triển khai. Tổng mức đầu tư là 9.600 tỷ đồng. Khi triển khai, nhà đầu tư thảo luận với Vietinbank cung cấp 6.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vietinbank gặp khó khăn về cấp tín dụng nên ngân hàng này và nhà đầu tư đã vận động một số ngân hàng, đến tháng tháng 6/2018, liên danh 4 ngân hàng, trong đó Vietinbank làm đầu mối, đã ký thỏa thuận cung cấp 6.800 tỷ đồng cho dự án.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là theo quy định, ngân hàng cấp tín dụng với dự án này lãi suất 7,5%/năm nhưng hiện mức lãi suất các ngân hàng cho vay với các chương trình tương tự là 10,5%/năm, chênh lệch lãi suất tới 3%.

Vì vậy, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và trong một số cuộc họp Chính phủ đã đề cập đến vấn đề này. Hiện 49/51 km mặt bằng của dự án đã được bàn giao. Nếu vấn đề lãi suất tín dụng được giải quyết, dự án sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ.

“Mặc dù trách nhiệm của nhà đầu tư chỉ là 1.500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư đã giải ngân 2.300 tỷ đồng. Nếu Chính phủ giải quyết xong vấn đề lãi suất tín dụng, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này”, ông Thể nói.

Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là hợp phần của tuyến đường cao tốc nối TP.HCM với Cần Thơ. Khởi động từ tháng 2/2015, dự án này được đặt kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nam bộ, giảm tải cho Quốc lộ 1. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang và phải lùi mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.

Theo thông tin từ Tổng công ty Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), hiện việc giải phóng mặt bằng của dự án còn ngổn ngang và khối lượng thi công trên hiện trường mới đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dự án ì ạch, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư và chủ trương hợp nhất tài trợ vốn tín dụng của các ngân hàng.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn