Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận, ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến các hãng hàng không, vì thế việc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư mới để bổ sung nguồn lực là điều tất yếu.
“Rõ ràng do ảnh hưởng của đại dịch, các hãng hàng không bị thiếu tiền. Nhiều hãng đã phải bán cả những tài sản đang có để cầm cự, vì có hoạt động gì đâu mà có lãi. Nhưng cũng rất may là các hãng bay trong nước không bị phá sản, trong khi tình trạng này đã xảy ra với nhiều hãng hàng không nước ngoài”, ông Tống nói.
Cũng theo ông Tống, kinh doanh vận tải hàng không là lĩnh vực đòi hỏi vốn và chi phí cố định liên quan đến máy bay cực lớn, ví dụ như mua mới để hoàn thiện đội bay hoặc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ...Chưa kể năm 2023 và những năm sau được dự báo sẽ chứng kiến ngành hàng không phục hồi và phát triển tốt cho nên các hãng bay càng cần vốn đầu tư để phát triển.
"Đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự tham gia vào lĩnh vực này, thay vì đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và đóng băng như hiện nay”, ông Nguyễn Thiện Tống nói.
Chuyên gia cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư, mỗi hãng bay cần phải có tầm nhìn chiến lược để phát triển vận tải hàng không, xây dựng những đường bay ngắn, sân bay địa phương, máy bay nhỏ để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Ở các nước Bắc Âu, các hãng hàng không đã tính đến việc khai thác loại máy bay điện 19 chỗ ngồi trở xuống mà không cần tiếp viên để giảm thiểu rất nhiều chi phí từ sân bay đến nhiêu liệu, nhân sự, chi phí đầu tư ban đầu... Loại máy bay điện này có thể bay được cả nghìn km. Dự báo đến năm 2028, nhiều nước sẽ sử dụng loại máy bay này để khai thác kinh doanh hàng không. Do vậy, các hãng hàng không của Việt Nam cần phải tính toán dần, không để bị động chờ các nước khai thác rồi thì mình mất cơ hội”, ông Tống nêu ý kiến.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn trong việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không trong thời điểm hiện nay. Tuy thị trường phục hồi tốt nhưng các hãng bay Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức, trong đó đáng chú ý nhất là khả năng hồi phục của thị trường vận tải hàng không quốc tế. Điều này lại phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các rào cản hạn chế đi lại do bệnh dịch của các quốc gia. Ngoài ra, mức giá nhiên liệu, biến động của tỷ giá, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình hình lạm phát...cũng là những yếu tố cản trở hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không. Đây cũng là khó khăn của nhà đầu tư khi tham gia vào các hãng hàng không ở giai đoạn hiện nay.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng, các hãng bay Việt Nam vẫn sáng cửa tìm thêm được nhà đầu tư mới, vì về bản chất rủi ro là một trong những đặc điểm vốn có của đầu tư. Nhưng một nhà đầu tư thực sự sẽ nhìn vào triển vọng và những giá trị gia tăng chứ chưa hẳn vì lợi ích trước mắt.
Tuy nhiên, để thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực này, ông Doanh các hãng hàng không, ngành Giao thông Vận tải cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các sân bay bằng cách xã hội hóa. Bên cạnh đó cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không.
Thời gian gần đây, các hãng bay Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines đang thúc đẩy việc tìm nhà đầu tư mới.
Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Sau khi nhận toàn bộ cổ phần từ Qantas tặng lại, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 98% cổ phần của hãng hàng không này.
Vietnam Airlines cũng thông tin muốn bán vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) - đơn vị cung cấp nhiên liệu bay chính tại thị trường trong nước cùng Petrolimex Aviation. Những thương vụ này có thể giúp hãng hàng không quốc gia giảm bớt khó khăn, cải thiện hoạt động kinh doanh, dòng tiền, từng bước xoá lỗ luỹ kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho công ty mẹ.
Tương tự, Bamboo Airways cũng muốn tìm thêm nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chiến lược để phục vụ các kế hoạch phát triển của hãng.
Trong khi đó, Vietravel Airlines cũng đang mong muốn có thêm sự tham gia đồng hành của các nhà đầu tư. Gần đây, Vietravel Airlines đã trình xin Chính phủ cho tăng vốn đầu tư lên hơn 7.600 tỷ đồng, gấp 6 lần hiện tại, trong đó chủ yếu để tăng quy mô đội tàu bay. Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng. Trong đó, các chủ sở hữu góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối và các nhà đầu tư trên thị trường...
Hiện tại, mỗi hãng hàng không đều có những lợi thế riêng để hấp dẫn nhà đầu tư. Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines Group và sở hữu các slot bay giờ đẹp tại các sân bay quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất mà các hãng ra đời sau không dễ kiếm được.
Trong khi đó, Bamboo Airways lại là hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất khi chỉ sau 4 năm thành lập đã sở hữu đội bay 30 tàu với mạng bay phủ khắp thị trường nội địa và nhiều điểm đến quốc tế. Còn Vietravel Airlines lại gắn liền với hệ sinh thái của Vietravel, có sẵn nguồn khách hàng và các thị trường du lịch.
Bình luận