Cách đây vài năm, chuyện mảnh đất 1,7 m2 của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rao bán với mức giá 1 tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Bởi lẽ, ngay cả những khu vực đất "kim cương" ngay cạnh Hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ có mức giá 1,4 tỷ đồng/m2, thì không hiểu vì lý do gì, mảnh đất này được rao với mức giá "trên trời" như vậy.
Thực tế, mảnh đất 1,7 m2 này là diện tích đất còn lại của mảnh đất 60,2 m2 của nhà ông Châm. Khi mở đường, gia đình nhà ông bị thu hồi 58,5 m2, diện tích còn lại 1,7 m2 có giấy tờ đầy đủ, có giấy xác nhận đóng dấu của phường, của ban quản lý dự án quận, tức là có đủ tư cách pháp nhân với thửa đất.
Dẻo đất này tuy nhỏ và tưởng như sẽ không có ai mua, nhưng thực tế lại rất có giá trị với hộ dân liền kề phía sau. Nếu sở hữu được mảnh đất này, căn nhà phía sau sẽ trở thành nhà mặt đường. Như vậy, giá trị của căn nhà phía sau chắc chắn sẽ "đổi đời" nhờ dẻo đất 1,7 m2 này.
Video: Cách mua nhà đất thông minh
Câu chuyện rao miếng đất với giá cắt cổ này rõ ràng không hề phi lý. Và tất nhiên, dẻo đất này cũng sẽ được chủ nhà phía sau tính toán, cân nhắc rất kỹ để quyết định có nên sở hữu hay không.
Tại khu phố mới Nam Đồng (kéo dài) Hà Nội cũng có 1 căn nhà có diện tích 2,2 m2, người mua trả tới 1,5 tỷ đồng, nhưng chủ đất không bán.
Theo đó, siêu "bức tường" được xây dựng dựa vào nhà phía sau, có bề ngang khoảng 1,5m mặt tiền và sâu chưa đầy 1m.
Được biết, con phố này trước là cái cống, sau thi công họ cắt gọt đi thành nhà mặt đường. Bức tường đó sinh ra là để bán cho nhà đằng sau để ra mặt đường. Vì vậy, dù được hét hàng tỷ đồng, nhưng chủ nhân vẫn "kiêu" chưa bán.
Mới đây nhất, một dẻo đất có diện tích 5,3 m2 ở đường Lê Văn Huyên được rao bán với giá 20 tỷ, tương đương gần 4 tỷ đồng/m2 cũng đã được bán lại.
Chủ nhân của dẻo đất này xác nhận đã bán chỉ sau 1 ngày treo biển.
Bức tường tuy diện tích nhỏ và giá "cắt cổ" nhưng cũng giống như những bức tường tỷ đồng khác, nó sở hữu vị trí mặt đường vô cùng đắc địa.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chủ nhân của các miếng đất này có thể "bắt chẹt" được là vì họ án ngữ mặt tiền. Bên kia rất cần miếng đất nhỏ xíu đó để có mặt tiền phố lớn. Điều đó có nghĩa, toàn bộ diện tích hiện hữu của họ có thể có diện tích rất lớn, có thể gấp hàng chục hoặc hàng vài chục lần mảnh đất nhỏ xíu này.
“Khi đó miếng đất của họ cộng với mảnh đất chút xíu này trở thành một miếng đất mặt tiền rất lớn”, ông Châu phân tích thêm.
Bình luận