• Zalo

VFF quan liêu hay 'mù luật' mãn tính?

Thể thaoChủ Nhật, 09/02/2014 05:10:00 +07:00Google News

 VFF với vai trò của một “trọng tài” lại thiếu trách nhiệm và thậm chí có trường hợp còn “hùa” theo CLB để bắt chẹt cầu thủ.

Trong bộ máy của VFF có Phòng Pháp lý & Tư cách cầu thủ, Ban Kiểm tra và Ban kỷ luật để giải quyết vấn đề pháp lý, kỷ luật. Phòng Pháp lý & Tư cách cầu thủ (gọi tắt Phòng pháp lý) có chức năng chủ yếu là thẩm định hồ sơ, hợp đồng của các cầu thủ với CLB khi đăng ký thi đấu có đúng quy định, hợp lệ. Ban Kiểm tra sẽ rà soát, thu thập dữ liệu để xem đúng-sai của vụ việc. 
Cuối cùng, Ban kỷ luật sẽ căn cứ trên hồ sơ do Phòng pháp ký và Ban kiểm tra cung cấp và thu thập thông tin thêm từ từ nhiều nguồn (đương sự, báo chí, nhân chứng, vật chứng) để đưa ra phương án giải quyết.

Ban bệ lớp lang là vậy nhưng rất nhiều trường hợp tranh chấp xảy ra, cách giải quyết của VFF lại theo kiểu “trời ơi đất hỡi”. Nhân sự việc cầu thủ Lê Bật Hiếu và một số cầu thủ ở Than Quảng Ninh dọa kiện CLB ra tòa vì không trả tiền lót tay như đã thỏa thuận, chúng tôi điểm lại là những vụ kiện tụng “kinh điểm” của bóng đá Việt thời gian gần đây cùng cách làm việc gây… “hoang mang style” của VFF.

Đem FIFA ra hù dọa, cấm cầu thủ khởi kiện

Cách đây 2 tháng, vì bất bình khi bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn 1 năm và buộc phải hoàn trả 500 triệu đồng tiền lót tay đã ứng trước nên hậu vệ Trần Chí Công đã nhờ luật sư khởi kiện CLB Becamex Bình Dương. Đúng trình tự, hồ sơ khiếu kiện được gửi lên VFF và công ty VPF (đơn vị tổ chức V.League), sau đó mới gởi đến tòa án dân sự địa phương tại tỉnh Bình Dương.

VFF khi thụ lý hồ sơ phải có trách nhiệm thẩm định sự việc đê giải quyết thì lại gửi một văn bản do Trưởng Ban kiểm tra Phạm Thành Long ký để hướng dẫn lúc đầu ghi: “Hai bên giải quyết nội bộ với tinh thần thiện chí mà nếu hòa giải không thành thì mới nhờ đến phòng Pháp lý giải quyết”. 
Nhưng ở đoạn sau VFF lại khuyến cáo: “Nếu chưa làm theo trình tự mà khởi kiện ra tòa án nhà nước là trái với những quy định pháp lý của FIFA và VFF, sẽ xử lý theo luật định”. Công văn VFF lại đó đoạn: “Về phía cầu thủ Chí Công và Đình Đức cần nhìn nhận thực tiễn cống hiến cho CLB sau hai mùa bóng cũng như sai sót của mình để có cái nhìn nhân văn trong việc giải quyết tranh chấp”.

Đọc các đoạn, ai cũng thấy thái độ ngả về phía B.Bình Dương thấy rõ của VFF khi không chỉ ra được rõ ràng chỗ đúng-sai ở đâu trong bản hợp đồng nhưng lại “gợi ý” cầu thủ Chí Công “nhìn nhận sai sót” để có… “cái nhìn nhân văn” trong giải quyết tranh chấp. Cuối cùng, để tăng tính uy hiếp cầu thủ, VFF thòng cảnh báo Chí Công sẽ bị “xử lý theo luật định”.

Chưa dừng ở đó, vài ngày sau, Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung lại lên truyền hình phát biểu và tiếp tục đưa ra “khuyến cáo của FIFA” là không được kiện ra tòa án nếu không cầu thủ sẽ bị kỷ luật.

Bị dồn đường cùng, cầu thủ Chí Công “đổ lỳ” tuyên bố sẵn sàng giải nghệ để kiện B.Bình Dương tới cùng. Đến lúc này, do e ngại vụ việc đưa ra tòa tạo điều tiếng không hay, phía B.Bình Dương quyết định thu hồi giấy thanh lý hợp đồng, đồng ý tiếp nhận Chí Công trở lại thi đấu 1 năm còn lại và trả cho hậu vệ người Cần Thơ số tiền 2 tỷ lót tay như đã thỏa thuận từ trước.

Rốt cuộc vụ kiện tụng này, Chí Công được xem đã thắng. Trong khi cách giải quyết của VFF cho thấy kiểu hùa theo CLB để xử ép cầu thủ khi đem “ông FIFA” ra làm bình phong nhưng bất thành.

Hô biến cầu thủ Mỹ thành cầu thủ Việt

Trường hợp này rơi vào tiền vệ Lee Nguyễn và CLB B.Bình Dương. Cuối năm 2010, khi nghe chính sách Nhà nước tạo điều kiện cho bà con Việt kiều được nhập tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước sở tại nên cầu thủ Lee Nguyễn (quốc tịch Mỹ) đang thi đấu cho B.Bình Dương đã cùng gia đình xúc tiến các thủ tục để được sở hữu song tịch. 
Việc nhập tịch của Lee Nguyễn mang tính chất cá nhân nên và cha của tiền vệ gốc Bến Tre là ông Nguyễn Văn Phẩm có thổ lộ với báo chí với mong muốn ngày nào đó Lee Nguyễn được khoác áo ĐTQG Việt Nam.

Khi nắm bắt được sự tình, phía B.Bình Dương có đề nghị với gia đình Lee Nguyễn để CLB đứng ra làm thủ tục cho nhanh hơn nhưng ông Phẩm từ chối vì sợ ràng buộc sau đó. Thế nhưng, trong quá trình Lee Nguyễn đang hoàn thiện hồ sơ nhập tịch thì phía B.Bình Dương tự ý đăng ký Lee Nguyễn với tư cách là cầu thủ nội mang quốc tịch Việt để thi đấu ở mùa giải 2011. Điều đáng ngạc nhiên là VFF lại… đồng ý.

Lẽ ra khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi đấu, Phòng pháp lý VFF sẽ xác định quốc tịch cầu thủ ngoại-nội căn cứ vào giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu trên hợp đồng giữa hai bên. Nếu là cầu thủ mang quốc tịch nước ngoài thì hồ sơ cầu thủ phải có ITC (giấy chuyển nhượng quốc tế) và Giấy phép lao động được Sở LĐ-TB&XH cấp.

Với tất cả các hồ sơ dữ liệu đó, Lee Nguyễn đều ký kết và ghi với tư cách công dân mang quốc tịch Mỹ nhưng không rõ Phòng Pháp lý VFF “trông gà hóa cuốc” thế nào lại gật đầu để B.Bình Dương đăng ký cầu thủ này mang quốc tịch Việt Nam.

Được VFF bật đèn xanh nên B.Bình Dương đã đăng ký thêm 1 ngoại binh nữa, rồi cất Lee Nguyễn trên ghế dự bị để chờ nhận quốc tịch VN sẽ thi đấu với tư cách cầu thủ nội. Không chấp nhận việc bị xâm hại quyền lợi thô bạo, Lee Nguyễn nhờ luật sư kiện B.Bình Dương ra tòa và kiện cả VFF vì thói làm việc cẩu thả. Kết quả: B.Bình Dương buộc phải để Lee Nguyễn thi đấu với tư cách cầu thủ ngoại, còn VFF thêm một phen muối mặt.

Sống chết mặc bay

Bi hài kịch nhất trong lịch sử V.League có lẽ là trường hợp của toàn bộ cầu thủ, BHL đội Kienlongbank Kiên Giang bị quỵt tiền nguyên cả hai mùa bóng 2012, 2013 nhưng VFF và VPF lại bất lực hoàn toàn. Ở V.League 2012, khi kết thúc với thành tích trụ hạng, tân binh K.Kiên Giang được hứa treo thưởng gần 3 tỷ đồng nhưng sau đó lãnh đạo “ỉm” luôn.

Sang mùa 2013, K.Kiên Giang thanh lý gần hết đội hình, chỉ giữ lại 3-4 người cũ, cùng BHL do ông Lai Hồng Vân làm HLV trưởng. Món tiền 3 tỷ đồng bị quỵt, các cầu thủ ở lại lẫn ra đi đòi khắp nơi, kêu cứu báo chí nhưng chẳng ai đứng ra giải quyết.

Chuyện tiền nong, nợ nần ở K.Kiên Giang lùm xùm suốt thời gian khi đội bóng chuẩn bị cho mùa giải 2013 nhưng vẫn được VFF, VPF đồng ý cho tham dự. Hệ quả là nguyên cả mùa bóng, ở K.Kiên Giang chỉ toàn nghe nói về chuyện lãnh đạo đội bóng nợ cầu thủ từ tiền lót tay đến lương, thưởng đến nợ tiền bếp ăn và… tiền ăn sáng của cầu thủ. Khi mùa giải 2013 hạ màn, K.Kiên Giang tiếp tục trụ hạng (nhờ Xuân Thành Sài Gòn bỏ cuộc) thì đội bóng này chính thức “xù nợ” từ cầu thủ đến BHL.

Khốn đốn vì đá bóng cả năm, hy vọng hết mùa được trả tiền, rốt cuộc bị quỵt nên nhóm 6 cầu thủ K.KG là Ngọc Hùng, Duy An, Chí Hùng, Niệm Tiến, Kiên Trung, Công Thuận gửi đơn khiếu kiện lên VFF, VPF và Bộ VH-TT&DL. 
Kết cuộc: “Con kiến kiện củ khoai” khi CLB K.Kiên Giang tuyên bố giải tán, còn VFF và VPF phủi tay trách nhiệm. Hơn 30 chục con người từ cầu thủ, HLV đến nhân viên của CLB K.KG đã có thêm bài học cay đắng về cách làm “bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam”.

Công văn ất ơ, chưa biết đúng-sai đã vội treo giò cầu thủ… cho chắc

Trường hợp đen đủi này rơi vào cầu thủ Đức Thiện của Đồng Nai ở mùa giải 2014 này. Năm 2012, Đức Thiện ký hợp đồng thi đấu 2 năm cho Bình Định và thời hạn kết thúc hợp đồng là tháng 9.2013. 
Hết mùa 2012, phía Bình Định không muốn sử dụng Đức Thiện và đồng ý để cầu thủ này ra đi nếu bồi hoàn lót tay 1 tỷ đồng. Không kiếm được CLB mới, Đức Thiện quay trở lại Bình Định nhưng bị đội bóng này từ chối tiếp nhận, không cho tập luyện, sinh hoạt cùng đội và không trả lương nên tiền đạo quê ở Trảng Bom (Đồng Nai) phải về nhà nghỉ hết mùa giải 2013.

Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Đức Thiện về Đồng Nai tập luyện và được ký hợp đồng. Trong khi đó, đội Bình Định đã tự giải thể, không tham dự Giải hạng Nhất 2014 nên xóa sổ. Danh sách đăng ký cầu thủ thi đấu Đồng Nai gửi lên VFF thi đấu mùa giải 2014 có tên Đức Thiện được xác nhận hoàn toàn hợp lệ vì hợp đồng cũ với Bình Định đã vô hiệu lực ở thời điểm hết tháng 9/2013.

Chờ đúng hôm Đồng Nai chuẩn bị đá vòng 1 mùa giải 2014, phía CLB Bình Định gửi công văn do chủ tịch Võ Đình Long ký đòi Đức Thiện phải “giải quyết công việc đôi bên”. Với công văn “ất ơ” này, không nêu rõ lý do cụ thể và cũng không căn cứ vào bất kỳ biên bản hay hợp đồng nào từ phía Bình Định đưa ra, nhưng VFF lại vội vàng ra thông báo cấm Đức Thiện ra sân thi đấu cho Đồng Nai.

Câu chuyện của Đức Thiện gây bất bình trong giới bóng đá bởi người ta biết đây chỉ là cách mà phía Bình Định muốn cầu thủ này “biết điều” khi thấy cầu thủ này ký hợp đồng mới với Đồng Nai và cho một khoản tiền lót tay. 
Khi báo chí đặt câu hỏi Bình Định lấy căn cứ gì để ngăn cản Đức Thiện thi đấu, ông Long trả lời là muốn Đức Thiện… trả lại đồ thi đấu và giải quyết “một số vấn đề tài chính”
Câu chuyện của Đức Thiện càng nói thêm kiểu làm việc quan liêu, vô trách nhiệm của VFF bởi vì chỉ cần đối chiếu hợp đồng cũ-mới của Đức Thiện thì thấy rõ sự việc đúng-sai hoặc ít ra phải yêu cầu phía Bình Định bổ sung hồ sơ để củng cố căn cứ. 
Song chỉ vì nhận công văn “ấm a ấm ớ” từ phía Bình Định (vốn đã giải thể), VFF đã vội vàng treo giò Đức Thiện cho… chắc cú, bất chấp thiệt hại của cầu thủ và phía Đồng Nai.

Sự việc vô lý rành rành ra vậy nhưng khi báo chí hỏi đến VFF lại khuyến cáo là phía Đức Thiện, Đồng Nai phải hòa giải với Bình Định, trong khi cả Đồng Nai lẫn Đức Thiện chẳng biết phải “hòa giải” kiểu gì khi Bình Định giải thể và hợp đồng giữa đôi bên chấp dứt từ lâu.

Thật ra, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều trường hợp khác nữa như vụ việc kiện cáo của Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn hay XSKT Lâm Đồng… song trên đây chỉ là một số ví dụ tiêu biểu minh chứng ở từng vụ việc điển hình.

Quả thật với kiểu điều hành, quản lý bóng đá “nghiệp dư hơn cả nghiệp dư” thì việc chờ đợi bóng đá nước nhà tiến bộ dưới sự lèo lái của VFF có lẽ phải đến… Tết Công-gô mới thành hiện thực.

Bình luận
vtcnews.vn