(VTC News) - Trong sự kiện sáp nhập Crưm vào Nga đúng một năm trước, báo chí thế giới và Nga đã viết nhiều về "những người lịch thiệp", để chỉ những người lính không mang quân hiệu, phù hiệu xuất hiện trên bán đảo này.
Sau đó, tại diễn đàn Valdai tháng 10 cùng năm, Tổng thống Putin đã thừa nhận đó là binh sĩ Nga. Nhiều bí ẩn về lực lượng này mới được tiết lộ.
Có bao nhiêu 'người lịch thiệp' ở Crưm?
Theo Hiệp ước Kharkov ký năm 2010 giữa Nga và Ukraine, Nga có quyền đồn trú 25.000 quân ở Crưm. Tại thời điểm xảy ra sự kiện Crưm, lính Nga ở bán đảo này chỉ có 12.500 quân.
Những tay súng bịt mặt xuất hiện ở Crưm một năm trước đây |
Điều đó có nghĩa Nga có quyền đưa thêm ngần ấy quân nữa vào Crưm mà vẫn không xâm phạm Hiệp định Kharkov.
Ban đầu, việc bổ sung quân vào Crưm là để bảo vệ các cơ sở quân sự và khu gia binh của quân đội Nga trước sự đe dọa tấn công của những kẻ dân tộc chủ nghĩa.
Và sau đó, mới xuất hiện yêu cầu bảo vệ an ninh cho cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.
Matxcơva đã điều đến Crưm các lực lượng đặc nhiệm, trong đó có các đơn vị tình báo quân sự, lính dù, lính đặc nhiệm của các binh chủng...Tất cả lực lượng này bất kỳ lúc nào cũng có thể hợp nhất dưới sự chỉ huy của một trung tâm chỉ huy duy nhất.
Khái niệm 'người lịch thiệp'
Nhiều người ngạc nhiên trước sự lịch thiệp của lính Nga ở Crưm. Dường như không ở đâu trên thế giới người ta có thể nhìn thấy điều tương tự. Bí mật ở đây là gì?
Trong sự kiện Crimea, Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng, với yêu cầu lính Nga khi làm nhiệm vụ ở Crưm lúc nào cũng phải tỏ ra lịch thiệp và có văn hóa. Yêu cầu này của Tổng thống đã được truyền đạt đến tận từng người lính.trước khi lên đường đến Crưm.
Báo chí Nga và phương Tây đều gọi những tay súng này là 'người lịch thiệp' |
Khái niệm "những người lịch thiệp" chỉ xuất hiện trên báo giới sau sự kiện lính Nga chiếm quyền kiểm soát tòa nhà Xô-viết tối cao Crưm.
Đêm 26 rạng ngày 27/2/2014, trong tòa nhà này chỉ có các nhân viên kỹ thuật trực đêm.
Khi các binh sĩ bịt mặt không đeo phù hiệu, quân hiệu tràn vào tòa nhà, họ nói với các nhân viên này có thể về nhà, hôm nay được nghỉ.
Phát hiện dưới tầng hầm một nhân viên kỹ thuật đang ngủ, họ đánh thức dậy và giúp ông này mặc quần áo, tiễn ra cửa, chúc một ngày nghỉ vui vẻ và bắt tay tạm biệt.
Khi các phóng viên báo chí, truyền hình nước ngoài phỏng vấn ông này, một nữ phóng viên Ukraine hỏi:" Ivan Ivanovich, họ có đánh ông không? Họ bắt ông chống cả hai tay lên cửa chứ?".
Nhân viên này nghĩ một lúc, không biết cần phải trả lời ra sao. Khi đó, nữ phóng viên hỏi tiếp:" Thế họ là ai, là lính đúng không?". Ông này liền trả lời:" Các vị có biết không, họ là những người khá là lịch thiệp".
Và sau đó, trên truyền hình, báo chí thế giới liền xuất hiện cụm từ "những người lịch thiệp" để chỉ các quân nhân bí ẩn ở Crimea.
Lính Nga có nổ súng ở Crưm?
Các binh lính Nga đã được lệnh không được nổ súng vào lính Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào, trừ khi bị đe dọa tính mạng trực tiếp.
Tổng thống Putin mới đây nói những người này chính là lực lượng tinh nhuệ Nga |
Trong sự kiện ở Crưm, lính Nga chỉ phải nổ súng đúng một lần. Điều này xảy ra ở Feodosya, khi tiến hành giải giáp một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Ukraine.
Khi đó, một số binh lính Ukraine kháng cự, chạy về kho chứa vũ khí để lấy súng chống trả.
Trước tình thế đó, "những người lịch thiệp" buộc phải bắn mấy phát súng cảnh cáo vào cửa kho chứa súng. Đó là lần duy nhất có tiếng súng vang lên ở Crưm trong sự kiện này.
Bí mật tuyệt đối
Nhiều chuyên gia quân sự và tình báo NATO sau này đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi 'những người lịch thiệp' đã vào Crưm nhanh và bí mật như thế.
Một chuyên gia nói:"Các nhân viên tình báo của chúng tôi không nhận thấy bất cứ một điều gì bất thường từ các cuộc điện thoại của Putin, Bộ trưởng quốc phòng Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Gerasimov. Một sự ngụy trang thật tuyệt vời. Người Nga đã thắng".
Còn một chi tiết nữa. Những người lính Nga ở Crưm tham gia chiến dịch này đã được lệnh không được hé lộ bất cứ điều gì cho người thân thích, cũng như bạn bè về nhiệm vụ của mình.
Trên thực tế, không có điện thoại di động của ai bị tịch thu. Và cũng không có bất cứ một thông tin nào bị rò rỉ để báo chí phương Tây lợi dụng. Điều đó chứng tỏ tính kỷ luật cao của các binh lính tham gia chiến dịch này.
Phan Hà Anh
Bình luận