• Zalo

Vật nghi là ấn tín vua ở Nghệ An được xử lý thế nào?

Thời sựThứ Năm, 01/12/2016 21:27:00 +07:00Google News

Bảo tàng Nghệ An cho biết đã niêm phong và đang làm báo cáo trình hai phương án gửi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch để xử lý vật nghi ấn tín của vua.

Chiều 1/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết đã niêm phong, nhập kho vật kim loại nghi ấn tín của vua do một hộ dân ở xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc phát hiện.

Chiều trước đó một ngày, ông Kiếm và đoàn công tác của Bảo tàng Nghệ An cùng Phòng văn hóa huyện Nghi Lộc đã về xã này làm các thủ tục cần thiết để tiếp nhận vật nghi là ấn tín của vua này.

Vị này cho hay, hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định hiện vật là thật hay giả. Bằng trực quan mắt thường bước đầu ghi nhận hiện vật kim loại hình rồng, có hai dòng chữ Hán ở phía bên và mặt đế, giống một ấn tín của nhà vua thời xưa.

Nghe An niem phong vat nghi la an cua nha vua hinh anh 1

Bảo tàng Nghệ An tiếp nhận hiện vật nghi ấn tín của vua tại UBND xã Nghi Lâm (Ông Kiếm ngồi bên phải). Ảnh: Phạm Hòa.

“Công an huyện và chính quyền xã cũng mất mấy ngày vận động người dân mới giao nộp hiện vật trên theo Luật di sản năm 2010. Chúng tôi rất cảm kích khi họ đã đồng ý, tin tưởng trao cho đơn vị. Đến 21h ngày 30/11, hiện vật này mới đưa về đến Bảo tàng Nghệ An, sau đó nhập kho chờ giải quyết. Hôm nay tôi đã chỉ đạo cấp dưới làm làm báo cáo gửi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An” ông Kiếm nói.

Còn ông Phan Văn Hùng, Phó giám đốc Bảo tàng Nghệ An, người trực tiếp làm báo cáo cho biết sẽ gửi lên sở vào chiều nay hoặc sáng mai. Cụ thể, báo cáo sẽ đưa ra hai phương án giải quyết hiện vật này.

Nghe An niem phong vat nghi la an cua nha vua hinh anh 2

Hiện vật nghi là ấn của vua đã được niêm phong, cấp giữ tại kho của Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Phạm Hòa.

Phương án thứ nhất, theo cảm nhận, cảm quan bằng nghề nghiệp của cán bộ Bảo tàng Nghệ An thì vật trên là đồ phong thủy giả cổ. Mà đồ phong thủy giả cổ thì không có giá trị, vị trí trong bảo tàng. Nếu như thế sẽ để nguyên niêm phong trả về cho chủ phát hiện hiện vật, bởi đây là đồ phong thủy giả cổ.

Phương án thứ hai là thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật này. Nếu thành lập thì các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở VH-TT&DL và Sở Tài chính.

Thành viên thẩm định phải là số lẻ để đề phòng khi cần phải bỏ phiếu. Khi có kết quả, nếu là hiện vật quý Hội đồng cổ vật quốc gia sẽ phân công đơn vị bảo quản, có thể là Bảo tàng tỉnh Nghệ An hoặc Bảo tàng quốc gia.

Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng thẩm định thì phải do UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định, việc này là rất tốn kém.

Nghe An niem phong vat nghi la an cua nha vua hinh anh 3

Hiện vật mà vợ chồng ông Sửu đào được. Ảnh:Phạm Hòa.

Về chính sách thưởng cho người phát hiện hiện vật, ông Hùng cho hay nếu hiện vật có giá trị kinh tế càng lớn thì phần trăm thưởng càng thấp và ngược lại. Ví dụ, nếu vật có giá trị một tỷ đồng thì người phát hiện sẽ được hưởng 4%. Còn nếu vật có giá 100 triệu đồng thì người có công phát hiện được hưởng 8%...

Khi được hỏi liệu có hiện tượng người dân tự chôn hiện vật sau đó tự đào lên hay không? Đại diện Bảo tàng Nghệ An không đưa ra lời bình luận. Đơn vị này cũng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia đồ cổ cho rằng đây là đồ giả, mỹ kí. Tuy nhiên, theo quy định thì bảo tàng tỉnh vẫn phải làm theo trình tự khi tiếp nhận hiện vật này.

Trước đó, vợ chồng ông Trương Văn Sửu (55 tuổi) cùng vợ vào trang trại của gia đình để đào đất. Khi đang làm thì bất ngờ ông đào trúng một vật lạ giống ấn tín của vua chúa thời phong kiến. 

Hiện vật có hình vuông, trên chóp có 9 đầu rồng chụm lại với nhau, được làm bằng kim loại có màu đen, vàng, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán. Trọng lượng nặng khoảng 1,6 kg.

 Video: IS bán đấu giá nhiều cổ vật trên facebook

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn