• Zalo

Vào nghĩa địa mộ đá bí ẩn của ‘ma trành’ giữa rừng già

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 12/08/2014 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người ta gọi nghĩa địa Co Me là đồi ma. Cái tên đồi ma gợi nên sự sợ hãi với con người.

(VTC News) - Người ta gọi nghĩa địa Co Me là đồi ma. Cái tên đồi ma gợi nên sự sợ hãi với con người.


Kỳ 2: Vào nghĩa địa bí ẩn

Như đã nói ở kỳ trước, địa bàn xã Trung Thành xưa (giờ gồm 3 xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn), là doi đất tận cùng của tây Thanh Hóa, có khá nhiều nghĩa địa mộ đá, nơi đồn đại chôn những người bị hổ vồ.

Theo lời đồn, những người bị hổ ăn thịt, sẽ biến thành một loại ma, gọi là ma trành. Loài ma này sẽ dụ người vào rừng cho hổ ăn thịt. Từ những lời đồn ấy, mà ít người dám đi vào những nghĩa địa mộ đá cổ xưa, nơi được cho là chôn người bị hổ vồ.

Trong số gần chục nghĩa địa mộ đá cổ ở vùng đất này, thì nghĩa địa Co Me chứa nhiều câu chuyện bí ẩn, rùng rợn nhất.

Dấu tích mộ đá Co Me 

Trong tiếng Thái, Co Me có nghĩa là Cây Me. Xưa kia, theo các cụ, giữa bản có một cây me khổng lồ, đứng cách xa mấy thung lũng vẫn nhìn thấy. Dân bản đi rừng, nếu lạc đường, cứ nhìn tán cây me mà tìm về.

Theoông Phạm Bá Ngoằng, chỉ có một ngôi mộ đá trong khu vườn nhà anh Hà Minh Tâm là có chữ Nho, nhưng phiến đã lớn đã bị đánh gãy từ khi nào, không biết nằm úp dưới đất lâu năm liệu chữ có còn đọc được. Cả khu vườn nhà anh Tâm hiện đang được trồng nhiều luồng, rau cỏ, nhưng chân đá vẫn nguyên tại vị trí cũ, dù đã chịu nhiều tác động xâm hại của con người.
Nghĩa địa này thuộc bản Co Me, xã Trung Sơn, nằm trong rừng già, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.


Hỏi thăm mãi, chúng tôi mới tìm thấy nhà ông Phạm Bá Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn. Theo người dân, thì ngoài ông Tình, không ai dám vào khu nghĩa địa Co Me.

Ông Phạm Bá Tình năm nay ngoài 73 tuổi, dáng gầy, nước da rám nắng lên màu đồng. Ông là cao thủ săn cá chiên khủng trên sông Mã.

Ông Tình bảo: “Anh có bỏ tiền ra thuê cũng không ai dám dẫn vào khu nghĩa địa ấy đâu. Người dân coi khu nghĩa địa đó là nơi thần ở, ma ngự, nên chẳng dám vào”.

Khu nghĩa địa Co Me nằm trên quả đồi Pọm Páng, nhưng cái tên ấy ít người còn nhớ, mà người ta gọi là đồi ma. Cái tên đồi ma càng gợi nên sự sợ hãi với con người.

Theo lời ông Tình, mấy chục năm trước, khi một người dân ở bản vào rừng lấy củi, như có ma dẫn lối, quỷ đưa đường, đã lạc bước vào nghĩa địa Co Ma. Trước mắt ông này, là khung cảnh đào bới tan hoang, xương cốt, đầu lâu trắng lốp nằm lăn lóc trên mặt đất, lẫn với bụi cỏ. Các dấu tích đào bới cho thấy có than củi trong mộ.

Sợ hãi, ông này chạy về báo với dân bản. Các cụ già mổ gà, cúng bái suốt một ngày, rồi mới dám tìm vào. Hóa ra, khu nghĩa địa cổ đã bị đám trộm đào bới tung tóe.

Mộ bị đào bới 

Để đào bới cả trăm ngôi mộ, bọn trộm phải rất đông và đào bới nhiều ngày. Sau này, một số toán đào mộ mò đến mót lại, dân bản mới biết nhóm đào mộ này đến từ Hòa Bình, nơi cũng có nhiều mộ đá.

Theo bọn đào mộ, dưới những ngôi mộ đá này có rất nhiều đồ cổ, thậm chí vàng bạc, nên ở đâu có mộ đá, là chúng đào trộm.

Theo chân ông Tình, chúng tôi xuống thuyền qua sông, tìm vào nghĩa địa Co Me. Vừa chèo thuyền qua sông, ông Tình vừa kể những câu chuyện của người Thái ở bản Co Me về nghĩa địa cổ bí ẩn, hơi khác một chút so với bản Phai.

Các cụ kể rằng, những người được chôn trong nghĩa địa này đều bị hổ tát tai. Loài hổ có thói quen kỳ lạ, ấy là khi vồ người, nếu móng vuốt của nó làm rách tai nạn nhân, thì nó bỏ xác, mà không thèm ăn.

Người dân phải gom những người bị hổ làm rách tai để chôn chặt, rồi xếp đá, để các loài thú không moi lên ăn. Họ tin rằng, nếu xác người bị thú ăn, thì hồn phách không siêu thoát được, cứ lởn vởn ở khu rừng tìm cách hại người sống.

Là người từng vào khu rừng ma Co Me nhiều lần, nên ông Tình nắm khá rõ vị trí từng ngôi mộ đá. Rừng già rậm rạp, nên phải bới cỏ vạch cây mới tìm thấy.

Ngôi mộ đá khổng lồ 

Mặc dù khu mộ đã bị đào bới nham nhở, nhiều phiến đá lớn đổ ngang ngửa, nhưng vẫn thể hiện rõ đây là những ngôi mộ đá.

Những ngôi mộ lớn dài đến 7m, rộng vài chục mét vuông. Những tảng đá dẹt, nhọn chôn sâu xuống đất, còn trồi lên đến 2m, quây thành hàng rào, đứng vững nhiều trăm năm nay.

Các phiến đá cắm theo hình elip, hoặc hình tròn. Phiến đá đầu tiên lớn nhất, cắm ở đầu ngôi mộ.

Tôi đi một vòng quanh đồi Pọm Páng, cứ vài mét lại thấy dấu tích một ngôi mộ đá. Theo ông Tình, chưa ai đếm có bao nhiêu mộ ở nghĩa địa này, nhưng con số phải là hàng trăm, thậm chí cả ngàn.

Trung tâm khu nghĩa địa, là một ngôi mộ được cho là lớn nhất. Phía đầu ngôi mộ cắm một phiến đá có bề ngang tới 1m, dày 20cm. Trước kia, trên phiến đá có chữ Nho, nhưng do con người phá, cộng với bề mặt bị phong hóa nặng, nên những nét chữ không còn rõ nữa.

Bức ảnh mộ đá do bà Madeleine Colani chụp ở Quan Hóa

Chẳng có tài liệu nào chứng minh, nhưng người dân khẳng định ngôi mộ này là của ông Tiều. Theo lời các cụ, thì ông Tiều là người đưa dân đến vùng đất này sinh cư. Không ai biết tên ông là gì, nên gọi là ông Tiều (có nghĩa là ông Cả).

Chuyện rằng, mấy trăm năm trước, ông Tiều dẫn đoàn thuyền lớn, cùng con cháu ngược sông. Thấy địa thế núi non dáng rồng cuộn, đất đai màu mỡ, nên ông Tiều dừng chân lập bản, đặt tên là bản Chiềng.

Khi bản Chiềng đông đúc dân cư, thì người dân qua sông lập bản Co Me, và nhiều bản khác ở vùng Trung Sơn, Trung Thành và Thành Sơn.

Mặc dù nắm được nhiều chuyện huyễn hoặc, nhưng ông Tình cũng không biết người xưa lấy đá ở đâu dựng mộ. Điều lạ là những phiến đá dựng mộ đều không phải là đá ở khu vực này. Đường rừng rậm rạp, núi non hiểm trở, nên không hiểu người xưa làm cách nào để di chuyển những phiến đá nặng cả tấn lên đỉnh núi này để lập mộ.

Bà Trịnh Thị Lan Anh (Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), đã tìm đến khu mộ đá Co Me vào năm 2000, trong một chyến điền dã, khảo sát nghiên cứu nền văn hóa cổ truyền xứ Thanh.

Bà Lan khẳng định, chủ nhân khu mộ đó không phải của người Thái, mà của cư dân cổ Việt – Mường, bởi mộ đá là hình thức mai táng phổ biến thời xưa của người Việt – Mường cổ.

Từ những những nghiên cứu bước đầu của bà Lan, thì: “Người chết được chôn chính giữa và những khối đá xung quanh được sắp xếp một cách có chủ ý. Mỗi người con trai sẽ đặt bên cạnh mộ cha mình một viên đá, con cả đặt phần đầu, con út đặt phía chân, các con thứ sẽ đặt xung quanh. Nếu người chết có bao nhiêu con trai thì bên mộ sẽ có bấy nhiên viên đá. Số đá bên mộ không thể hiện số con gái của người quá cố”.

Như vậy, nếu giả thiết của bà Lan đúng, thì vùng đất hoang sơ, rừng rú bạt ngàn mà người Thái tìm đến khai hoang, định cư hàng trăm năm trước đã từng có chủ nhân.

Nghĩa địa Co Me còn nhiều điều bí ẩn chờ các nhà khoa học khám phá. Tiếc rằng, khu mộ gần như bỏ hoang, không được bảo vệ, là miếng mồi ngon của bọn mộ tặc. Đó là chưa kể, vào một ngày không xa, khi công trình thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động, rất có thể nhiều ngôi mộ đá ven sông Mã sẽ bị nhấn chìm dưới lòng hồ.

PGS.TS Trình Năng Chung (Trường phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định, Co Me là di tích văn hóa cự thạch (Megalithic culture) của Việt Nam. Ông Chung biết về khu mộ đá cổ bên dòng sông Mã từ những tài liệu của Viện Viễn Đông bác cổ, nhưng chưa có dịp đến thực địa.

Ông cho chúng tôi xem những bức ảnh đen trắng nhòe ố do một nhà khảo cổ người Pháp, bà Madeleine Colani (1866 – 1943) công bố năm 1935. Theo những bức ảnh đó, thì cả hai bên bờ sông Mã, đoạn Trung Thành, Trung Sơn ( Quan Hóa) hiện nay điều có các di tích cự thạch.

Ngoài ra, bà M.Colani cũng công bố hai bức ảnh chụp tại các khu mộ đá này. Theo quan sát của chúng tôi, một bức ảnh được chụp tại rừng mộ đá Co Me với những phiến đá hiện nay còn lưu giữ, có hai người đàn ông (có lẽ là quan lang hay tạo mường gì đó) mặc bộ áo dài, đội mũ trắng đứng khoanh tay bên những phiến đá lớn. Bức ảnh còn lại là chụp khu mộ ở bản Phai, dưới chân mộ là một người dân bản địa đang ngồi, đi chân đất, đầu quấn khăn.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn