• Zalo

'Vận động' đại biểu quốc hội không nói về tham nhũng

Thời sựThứ Năm, 07/11/2013 10:35:00 +07:00Google News

“Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

“Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

Sáng nay 7/11, lên tiếng tại QH, đại biểu Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

Ngày 7/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao và Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao; và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cho rằng chúng ta đã bài binh bố trận một cách rất hoành tráng, “tung” ra lực lượng hùng hậu, hỏa lực dữ dội nhưng cuối cùng nói tỉ lệ sát thương chẳng được bao nhiêu.

ĐB Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo địa phương "vận động" ĐBQH không nói về tham nhũng 
“Kết quả phòng chống tham nhũng cho thấy khâu triển khai thực hiện đang có vấn đề. Tình trạng “nợ xấu lòng tin” và “tồn đọng trách nhiệm” đang ở mức báo động. Thảo luận ở tổ, nhiều ĐBQH đã nó rằng nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ với những siêu vụ án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng hơn là chăm chăm đi bắt những vụ nhỏ nhặt như hiện nay” ĐB Tiến nói.

Theo ĐB Tiến, báo cáo của TAND Tối cao về tiến độ xét xử một số vụ án cho thấy việc xử lý mới chỉ dừng lại ở những tập đoàn, tổng công ty lớn. Tuy nhiên những nơi này không thể tự mình gây thất thoát nếu không có sự đồng lõa, đồng phạm, tiếp tay, bao che của cán bộ cơ quan quản lý trung ương.

“Liên minh ma quỷ đó khiến ngân khố quốc gia ngày càng bị bòn rút. Thế nhưng hầu hết các cán bộ ở các bộ ngành này đang đứng ngoài cuộc, vô can. Chúng ta mới chỉ bắt được sâu nhỏ, chưa bắt được sâu lớn và điều đó mới là nguyên nhân chính khiến suy kiệt xã hội”- ĐB Tiến nhìn nhận. Theo ông, việc xử lý người đứng đầu cơ quan tham nhũng mới chỉ dừng ở kiểm điểm, điều chuyển công tác, chỉ là “sơ suất”, “khuyết điểm” gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Dẫn ra chuyện cơ quan phòng chống tham nhũng tầng tầng lớp lớp từ cấp trung ương tới địa phương, ĐB Lê Như Tiến cho biết thực trạng đáng buồn là hầu hết các vụ án tham nhũng được người dân và cơ quan truyền thông báo chí phát hiện.

“Thế nhưng, bây giờ đang có một thực trạng đáng lo ngại, đó là việc người dân cũng đang vô cảm với công tác phòng chống tham nhũng. Họ tố cáo tham nhũng nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết, phản hồi. Thậm chí họ còn bị những kẻ tham nhũng không từ một thủ đoạn nào để trả thù, dằn mặt, bắt cóc người thân để gây áp lực, vứt ma túy vào nhà. Người tố cáo, chống tham nhũng đang trở nên đơn thương độc mã, nhiều người còn khuyên ĐB QH nên im lặng là vàng” - ĐB Tiến bức xúc.

Đáng lo ngại hơn, theo ĐB Tiến, đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” các ĐB Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

ĐB Lê Như Tiến cũng chỉ ra là việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức hiện nay rất hình thức. Kê khai rồi xếp vào ngăn kéo của các cơ quan quản lý mà không được công khai để dân giám sát.

“Có một cán bộ cấp phòng ở một thành phố mà tài sản tăng thêm một năm lên tới hàng chục tỉ đồng. Có cậu bé mới lớn mà đã có tiền tỉ, nhà cửa trong phố. Khi người dân không kiểm soát đực thu nhập của công bộc thì kê khai chỉ là hình thức, tham nhũng khó được phát hiện, ngăn chặn kịp thời” – ĐB Tiến nêu dẫn chứng.

ĐB Lê Như Tiến kiến nghị QH xem xét tới việc thành lập Cục Điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, có trong tay “thượng phương bảo kiếm”, có thể xử ngay các quan tham nhũng.

Trong khi đó, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng tình trạng tội phạm ở nhiều nơi còn gia tăng, gây bức xúc người dân. “Khi bắt giữ một số trường hợp phạm tội dưới dạng băng nhóm, chúng đã có trong tay sổ bệnh án, điều trị, kết luận của cơ quan giám định bệnh lý tâm thần, để trốn tránh trách nhiệm. Tôi cho rằng chúng ta phải áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam ngay rồi mới tiến hành giám định sau”- ông  Trường nói.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói việc vi phạm pháp luật về môi trường đang ở mức báo động. Hàng loạt vụ việc vi phạm về môi trường xảy ra công ty Nicotex (Thanh Hóa) vừa qua, Hào Dương (TP HCM)… nhưng chưa nơi nào bị xử phạt tới 500 triệu đồng, chưa ai bị xử lý hình sự nên không đủ sức răn đe.

“Trong các vụ việc ấy đều có sự thiếu trách nhiệm, dung túng bao che, của cán bộ môi trường, thanh tra, kiểm tra,... Quốc hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Những vụ việc nghiêm trọng như vậy cần xem xét xử lý hình sự” - ĐB Nga kiến nghị.



Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn