Khi ăn bánh trung thu, nhiều người luôn pha một ấm trà. Thậm chí có người cho rằng ăn bánh trung thu phải uống trà mới ngon. Bên mâm cỗ trông trăng, nếu như trẻ con tập trung ăn bánh trái và chơi các trò vui trung thu thì người lớn thường nhâm nhi chén trà, thưởng thức chút bánh và hàn huyên, tâm sự.
Vì sao ăn bánh trung thu phải uống trà mới ngon?
Điều dễ cảm nhận nhất là vị chát của trà giúp làm dịu vị ngọt đậm và béo của bánh trung thu, giúp mọi người đỡ cảm thấy ngán khi thưởng thức món bánh có thành phần bột, đường, mỡ... này. Vì thế, cứ ăn một miếng bánh, người ta thường uống một ngụm trà.
Nhiều người cho rằng, việc uống trà kèm với bánh trung thu khiến vị chát và vị ngọt quyện vào nhau trên đầu lưỡi, giúp làm cân bằng vị giác, đem lại cảm giác hài hòa về hương vị.
Thưởng thức cùng nước trà cũng là cách giảm độ ngọt của bánh trung thu mà PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tư vấn trên báo Nhân Dân điện tử.
Ngoài cách dùng vị chát của trà để "trung hòa" độ ngọt, béo của bánh, TS Lâm cho biết, việc ăn kèm với các loại trái cây có hàm lượng nước lớn và chỉ số đường huyết thấp cũng đem lại tác dụng này. Mọi người cũng có thể ăn kèm dưa chuột để giảm cảm giác ngọt, cung cấp thêm chất xơ để hạn chế tăng đường máu.
Chuyên gia này cho biết, một chiếc bánh trung thu cỡ trung bình thường cung cấp trên dưới 600 kcal (tổng năng lượng phụ thuộc vào trọng lượng, thành phần nhân bánh). Bánh trung thu thường được làm rất ngọt để kéo dài thời gian bảo quản, vì thế lượng calo rất lớn. Việc ăn loại bánh này liên tục và kéo dài sẽ gây tăng cân do năng lượng thừa sẽ được tích trữ ở mô mỡ.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, các hoạt chất có trong trà xanh như caffeine và catechin có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và khuyến khích giảm mỡ. EGCG - một catechin điển hình trong trà xanh - giữ cho các hormone đốt cháy chất béo ở mức phù hợp, cho phép cơ thể phân hủy và giải phóng nhiều chất béo hơn. Vì thế, việc uống trà khi ăn bánh trung thu không chỉ giúp cân bằng vị giác mà còn có lợi cho sức khỏe.
Những ai không nên ăn bánh trung thu?
Bánh trung thu không có lợi cho những người gặp các vấn đề sức khỏe dưới đây.
Sỏi mật, sỏi túi mật
Người mắc sỏi mật, túi mật khi ăn quá nhiều bánh trung thu có thể dẫn tới viêm tụy cấp tính -tình trạng có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Vì vậy, những người mắc bệnh này nên tránh ăn bánh trung thu.
Hệ tiêu hóa kém
Với những người có khả năng tiêu hóa và hấp thụ kém, việc ăn quá nhiều bánh trung thu có thể làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, gây khó tiêu, tiêu chảy và các bệnh liên quan.
Tiểu đường, mỡ máu cao
Bánh trung thu có độ ngọt rất cao và sẽ làm đường huyết tăng vọt nếu bệnh nhân tiểu đường ăn nhiều cùng lúc. Loại bánh này cũng chứa nhiều chất béo nên người bị mỡ máu cao cần hạn chế dùng.
Viêm loét dạ dày
Đối với bệnh nhân bị loét dạ dày và tá tràng, bánh trung thu có thể thúc đẩy bài tiết nhiều axit dạ dày, gây khó cho việc chữa bệnh.
Thừa cân, béo phì
Bánh trung thu là thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và đạm, tổng lượng calo cao, những người đang bị thừa cân, béo phì không nên sử dụng.
Viêm da, mụn trứng cá
Những người thường xuyên bị viêm da, mụn trứng cá và các bệnh về da khác cũng không nên ăn quá nhiều bánh trung thu. Thành phần quá nhiều đường và chất béo có thể làm tăng sự bài tiết của tuyến bã nhờn, khiến các bệnh lý về da thêm trầm trọng.
Bình luận