• Zalo

Ukraine không đủ phi công lái tiêm kích F-16

Quân sựThứ Hai, 26/02/2024 09:23:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia quân sự, tiêm kích F-16 không phải là yếu tố đủ lớn giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường sau chiến dịch phản công thất bại.

Bình luận về vấn đề này, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng đồng tình với nhận định, việc chuyển giao sớm các máy bay chiến đấu của Mỹ cho Ukraine sẽ không thay đổi được cục diện chiến trường hiện tại. Điều quan trọng hơn cả là Kiev không có đủ số phi công cần thiết để thành lập các phi đội mới.

Trả lời với ABC News hôm 25/2, ông Sullivan không đồng tình với quan điểm cho rằng Nhà Trắng không cung cấp đủ “thiết bị chiến đấu” để Ukraine tạo được bước đột phá trên tiền tuyến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bên máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven (Hà Lan), vào tháng 8/2023. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bên máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven (Hà Lan), vào tháng 8/2023. (Ảnh: Reuters)

“Ý tưởng cho rằng chúng tôi không huy động một lượng lớn nguồn lực và khả năng để cung cấp cho người Ukraine là không chính xác”, ông Sullivan nói khi được hỏi thất bại của Ukraine trong chiến dịch phản công mùa hè liệu có đến từ việc thiếu chiến đấu cơ.

“Nếu bạn nhìn vào tổng số viện trợ Mỹ cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến này thì đó là một lượng vật chất đáng kinh ngạc được chuyển giao với tốc độ, quy mô vượt xa sự dự tính trước đó”, ông Sullivan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sullivan, Mỹ vẫn khả năng bổ sung cho Ukraine nhưng vũ khí tiên tiến hơn, F-16 là một trong số đó.

Mỹ sẵn sàng cung cấp máy bay phản lực cho Kiev, thách thức thực sự mà Ukraine phải đối mặt là “không có nhiều phi công để có thể lái những chiếc máy bay đó.”

Kiev đã nhiều lần yêu cầu phương Tây viện trợ các máy bay chiến đấu hiện đại, và khẳng định chúng cần thiết để đẩy lùi các cuộc không kích của Nga.

Vào tháng 8, Mỹ đã cho phép Đan Mạch và Hà Lan tặng F-16 cho Ukraine với đợt chuyển giao đầu tiên dự kiến ​​​​trong năm nay. Các nước thành viên NATO cũng đồng ý thành lập một liên minh để giúp huấn luyện người Ukraine lái máy bay do phương Tây sản xuất.

Moskva đã cảnh báo rằng động thái này sẽ là một sự leo thang "nguy hiểm" vì một số phiên bản F-16 có thể mang bom hạt nhân và tuyên bố sẽ phá hủy các máy bay phản lực ở Ukraine nếu chúng đến Ukraine.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sau khi Ukraine nhận được máy bay tiêm kích F-16, nước này sẽ được tự do sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Người đứng đầu NATO lập luận rằng Ukraine có quyền tự vệ trước “hành vi gây hấn” của Nga, bao gồm cả việc “tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga bên ngoài Ukraine".

Ông Stoltenberg không nêu rõ khi nào chính quyền Kiev thực sự có thể nhận được các tiêm kích như đã hứa.

Mỗi thành viên NATO cam kết chuyển giao F-16 đều có những chính sách khác nhau và sẽ tự quyết định.

Trà Khánh(Nguồn: russian.rt.com)
Bình luận
vtcnews.vn