Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, theo đánh giá ban đầu từ Kiev, quân đội Ukraine đang sử dụng bom chùm để chống lại các lực lượng Nga “khá hiệu quả”.
Mỹ công bố kế hoạch gửi bom chùm tới Ukraine vào ngày 7/7. Tổng thống Joe Biden mô tả quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine là biện pháp tạm thời, khẳng định Mỹ và các đồng minh đang thiếu hụt các loại đạn thông thường.
Washington thừa nhận các loại vũ khí này gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, song tuyên bố Kiev cam kết sử dụng một cách có trách nhiệm, tránh khu vực đông dân cư.
Bom chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia, nhưng cả Ukraine, Mỹ và Nga đều không ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) năm 2008.
Liên hợp quốc và một số đồng minh của Washington phản đối quyết định này, lo ngại về những tác động đối với dân thường khi sử dụng loại vũ khí như vậy. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cũng không đồng tình với kế hoạch gửi bom chùm của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho Kiev.
Moskva lên án quyết định Mỹ cung cấp bom chùm cho Kiev, tuyên bố đáp trả tương xứng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo bom chùm của Mỹ cung cấp cho Kiev sẽ kéo dài xung đột.
Bom chùm là loại vũ khí nổ được thiết kế để bung ra ở trên không và giải phóng một số loại bom, đạn nổ nhỏ hơn. Bom, đạn con thường không phát nổ ngay, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho dân thường trong nhiều năm sau khi giao tranh kết thúc.
Loại bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là đạn pháo cải tiến có chức năng kép (DPICM), chứ không phải bom chùm dạng tên lửa hoặc đạn phóng từ trên không.
Mỹ và các đồng minh đã đổ vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD vào Ukraine kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022, đồng thời áp đặt lệnh cấm vận kinh tế trên diện rộng đối với Moskva.
Bình luận