Nước đi mạo hiểm của Mỹ và Ukraine
Mỹ đã tuyên bố sẽ cung cấp đạn bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD. Động thái này đã vấp phải phản ứng của chính một số đồng minh của Mỹ cũng như các nhóm nhân quyền - những bên đã từ lâu phản đối việc sử dụng đạn bom chùm.
Các nhóm nhân quyền nói rằng sử dụng bom chùm ở nơi đông dân cư là vi phạm luật nhân đạo quốc tế bởi chúng gây ra các tàn phá không phân biệt mục tiêu quân sự và dân sự. Theo hãng tin Reuters, 60% thương vong do đạn bom chùm là những người bị thương khi thực hiện các hoạt động thường nhật. Và trẻ em chiếm tới 1/3 số nạn nhân thương vong do bom đạn chùm.
Những người ủng hộ đề xuất sử dụng đạn chùm, bom chùm ở Ukraine cáo buộc Nga cũng từng sử dụng chính thứ vũ khí gây tranh cãi này ở Ukraine, đồng thời lập luận rằng đạn bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine lần này có tỷ lệ “câm” ở mức độ rất thấp, nghĩa là tỷ lệ đạn bom không phát nổ ngay sẽ ở mức thấp và số dân thường bị thiệt mạng oan uổng vì loại bom đạn này sẽ giảm đi so với trước đây.
Trong các cuộc chiến trước đây, đạn chùm và bom chùm có tỷ lệ câm cao, nên nhiều quả bom nhỏ sẽ còn sót lại trên chiến trường sau xung đột, khiến người dân thường tiếp tục bị tử vong và thương tật nhiều thập kỷ sau đó.
Tướng Mỹ Pat Ryder cho hay, Lầu Năm Góc có “nhiều biến thể” đạn chùm, và những loại đạn chùm mà Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine “sẽ không bao gồm các biến thể có tỷ lệ câm cao hơn 2,35%”.
Hy vọng mới của Ukraine về đột phá phòng tuyến Nga
Bom chùm/đạn chùm là loại đầu đạn hoặc quả bom bung ra ở không trung, giải phóng ra các quả bom nhỏ trên diện rộng. Các bom nhỏ này được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, các khí tài quân sự, cũng như binh sĩ. Chúng đánh vào nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Đạn chùm mà Mỹ định cung cấp cho Ukraine lần này là loại dành cho các khẩu pháo mà Mỹ và đồng minh vừa cung cấp cho Ukraine, trong đó có loại pháo cỡ 155mm đang được quân đội Ukraine sử dụng phổ biến trên chiến trường.
Đạn pháo 155mm có thể đánh vào các mục tiêu ở cách xa từ 24-32km, giúp quân Ukraine tấn công mục tiêu đối phương từ cự ly xa.
Bom đạn chùm hứa hẹn giúp Ukraine tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn với số lượng đạn ít trong khi họ đang cạn kiệt đạn pháo, còn Mỹ thì còn dư nhiều loại đạn này.
Ryan Brobst - một nhà nghiên cứu cho Quỹ Phòng vệ dân chủ (FDD), cho biết: “Bom đạn chùm hiệu quả hơn bom đạn thông thường vì chúng gây ra thiệt hại cho một vùng rộng hơn. Điều này quan trọng đối với Ukraine khi họ cố gắng phá các vị trí phòng thủ kiên cố của Nga”.
Ukraine hối thúc phương Tây cung cấp cho họ bom chùm vì họ tin rằng vũ khí này sẽ giúp họ khắc phục bất lợi về nhân lực và pháo binh, tiến hành phản công và đẩy quân Nga ra khỏi các chiến hào kiên cố.
Ban đầu Washington cho rằng vũ khí này là không cần thiết đối với Kiev. Tuy nhiên, gần đây giới chức Mỹ lại tin rằng đạn bom chùm có thể hữu ích cho quân Ukraine khi tiến đánh hệ thống công sự của Nga.
Uy lực đáng sợ của đạn bom chùm trong thực chiến trước đây
Từ trải nghiệm cá nhân của mình, cựu trung tá lục quân Mỹ Daniel Davis xác nhận rằng đạn bom chùm thực sự rất mạnh nhưng tự vũ khí này có thể sẽ không tạo ra được bước ngoặt có lợi cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Cá nhân Davis từng bắn đạn chùm trong tác chiến. Cây bút này từng nằm trong khẩu đội pháo phản lực phóng loạt với 12 ống phóng tên lửa, với một số đầu đạn như phiên bản M77 chứa tới 644 quả bom con to bằng bàn tay.
Theo Davis, loại đạn chùm phổ biến nhất là Đạn thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM) dành cho lựu pháo 155mm. Cựu sĩ quan Mỹ cho biết, DPICM có uy lực rất mạnh, với khả năng hạ sát xe thiết giáp đối phương.
Một quả đạn pháo DPICM 155mm sẽ bay tới mục tiêu và phóng ra 88 quả bom con. Một số bom con sẽ được cài đặt kíp để phát nổ phía trên mặt đất, phóng ra cơn mưa mảnh thép chết người găm vào binh sĩ hoặc xe có lớp giáp mỏng. Số còn lại là các quả bom nhỏ sẽ nổ khi va chạm với mục tiêu.
Năm 1991, Davis tham gia chiến dịch Bão táp Sa mạc của quân đội Mỹ giao chiến với quân đội Iraq ở Kuwait.
Davis nhớ lại: Đêm 26/2/1991, đơn vị của ông tham gia trận tăng chiến lớn nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II - trận chiến 73 Easting (Hướng đông 73).
Đêm đó, chỉ huy các lực lượng Mỹ ra lệnh cho đơn vị của Davis chốt chặt để bảo đảm 2 sư đoàn thiết giáp Mỹ có thể vượt qua phòng tuyến của họ để tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, có một trung tâm hậu cần đối phương nằm ngoài tầm với của xe tăng Mỹ. Sĩ quan tình báo Mỹ cho hay, có một tiểu đoàn xe tăng Iraq đang ém sẵn để phục kích bất cứ đơn vị quân Mỹ nào cố gắng tiến lên.
Lúc đó, để chế áp đối phương, Davis đã điều phối với chỉ huy phụ trách lực lượng cơ động để tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng pháo tầm xa và pháo phản lực vào vị trí phòng ngự của đối phương, sử dụng rocket M77 và đạn chùm DPICM. Đạn pháo 155mm loại thường phải bắn trúng nóc xe tăng đối phương mới hạ được mục tiêu, còn đạn pháo DPICM thì lợi hại và sát thương hơn nhiều.
Trận đó, phía Iraq đã chịu thiệt hại nặng cả về nhân lực và thiết bị.
Tuy nhiên, nhân lực của quân Mỹ lúc đó đã được đào tạo tương đối kỹ càng từ chỉ huy cho đến binh nhất. Trung đội trưởng có kinh nghiệm 1-2 năm, đại đội trưởng 5 năm, trung đoàn trưởng thì có kinh nghiệm tới 22 năm.
Trong khi đó, quân nhân của Ukraine hiện nay cơ bản không sở hữu nhiều kinh nghiệm như vậy.
Chẳng hạn, theo Davis, hầu hết tất các lữ đoàn tấn công của Ukraine đều mới được thành lập và huấn luyện trong một số tháng. Ukraine không có đủ thời gian để tạo ra các đơn vị binh chủng hợp thành với độ gắn kết cao.
Do vậy, đạn bom chùm dù có độ sát thương lớn nhưng theo Davis sẽ không giúp Ukraine thay đổi được tiến trình xung đột quân sự hiện nay giữa nước này và Nga.
Bình luận