• Zalo

UBND huyện ra văn bản 'tiếp thị' bia: Vi phạm Luật cạnh tranh

Thời sựThứ Sáu, 29/08/2014 10:20:00 +07:00Google News

Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm 'lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó.

Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm 'lái' người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó.

Ngày 25/8, trên Cổng thông tin điện tử Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có đăng “Công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh”

Công văn do Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng đứng tên thay mặt UBND được gửi đến: Chủ tịch UBND các xã – thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị và chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; Cơ sở doanh karaoke; kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện.

Công văn có nội dung: Để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Ảnh chụp nội dung công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Ảnh chụp nội dung công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh. 

Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…; nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng.

Trước nội dung đăng tải công văn như trên, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Cách thức đưa ra văn bản như trên vi phạm Luật cạnh tranh.

Bà Lan cho hay: "Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó".

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, văn bản mà UBND huyện Kỳ Anh đưa ra cũng không đúng với tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Lan cho rằng, bản chất của cuộc vận động là vận động, khuyến khích tinh thần của người Việt Nam nói chung ủng hộ cho sản xuất của mình, chứ không phải nghị quyết hay chỉ thị nào bắt buộc đối với bất kỳ đơn vị nào.

“Không có chuyện cơ quan Nhà nước ra văn bản theo kiểu bắt buộc, mệnh lệnh, lại càng không thể hướng dẫn vào một sản phẩm có tên cụ thể là bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim… Nếu là sự khuyến khích chung người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì UBND huyện chỉ nên đưa ra khuyến khích chung đối với các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và ở địa bàn huyện Kỳ Anh.

Dù UBND huyện có thiện ý muốn khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện có thị trường phát triển là việc làm đáng hoan nghênh nhưng việc ra văn bản đưa tên cụ thể một số sản phẩm của đơn vị bia Sài Gòn như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor … thì lại là việc làm không đúng pháp luật.

Bà Lan đặt câu hỏi: Tại sao UBND huyện chỉ nhằm hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm cụ thể của bia Sài Gòn trong khi còn có bao nhiêu sản phẩm khác được sản xuất trên địa phương cần khuyến khích tiêu dùng? Điều này gây nghi ngờ  có sự vận động nào đó của chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chính quyền nên chính quyền mới ủng hộ “ra mặt” thông qua văn bản như vậy. (?!)

Dù không biết cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự là bia, nước uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh, nhưng bà Lan khẳng định, nếu có doanh nghiệp khác cũng sản xuất bia thì chắc chắn họ sẽ phản ứng vì UBND huyện ra văn bản như thế là không công bằng. Nhưng nếu trên địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ có hãng bia Sài Gòn đặt ở đấy thôi thì việc ra văn bản của UBND huyện cũng là không đúng với các doanh nghiệp khác ở địa bàn tỉnh, cũng như các doanh nghiệp sản xuất khác trên địa bàn cả nước.

“Người ký văn bản này cần xem lại Luật cạnh tranh và rút lại văn bản trước khi các cơ quan khác “thổi còi” vi phạm. Hoặc là cấp cao hơn là cấp Tỉnh cần nhắc nhở, yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh cần rút văn bản đó lại”, vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu ý kiến.
Theo Báo Khám Phá, trước ý kiến trái chiều về công văn trên, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực huyện Kỳ Anh cho biết, mục đích việc kêu gọi trên nhằm để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bởi trước đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh. Sản phẩm bia Sài Gòn được sản xuất tại Hà Tĩnh nên huyện Kỳ Anh khuyến khích sử dụng sản phẩm này hoàn đúng chủ trương trên.

Ông Danh nhấn mạnh: “Huyện Kỳ Anh khuyến khích các đơn vị xã, thị trấn, nhà hàng, khách sạn... dùng sản phẩm bia Sài Gòn không phải bắt buộc”.

Ví dụ, nếu có liên hoan, tiếp khách, ăn uống trong ngày nghỉ thì thay vì dùng sản phẩm bia, nước khoáng khác hãy dùng sản phẩm sản xuất trong tỉnh, huyện.

Ông Danh cũng bày tỏ, không nên hiểu công văn trên là khuyến khích công chức, người dân uống rượu bia. Đơn giản, khuyến khích dùng hàng Việt sản xuất trong tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, huyện Kỳ Anh cũng quy định rất chặt chẽ giờ giấc, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc đối với công chức.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn