"Sau khi đọc tài liệu về khả năng diệt khuẩn của tia cực tím, tôi nghĩ ngay đến việc lắp thiết bị này trong nhà để ngăn virus", anh Hùng kể lại. Tuy nhiên, thay vì mua trọn bộ máy phát tia cực tím với giá khá cao, anh Hùng tự chế thiết bị riêng.
Đầu tiên, anh mua các linh kiện cần thiết, gồm bóng đèn phát tia cực tím tại cửa hàng y tế, máng đèn và dây dẫn ở tiệm điện.
"Bóng đèn kích thước 60 cm tầm 80.000 - 200.000 đồng tùy thương hiệu và chất lượng. Máng đèn chưa tới 100.000 đồng. Tổng chi phí cho toàn bộ thiết bị của tôi là 160.000 đồng, chiếu ở diện tích tầm 50 mét vuông", anh Hùng cho biết. "Nếu mua một sản phẩm có sẵn để chiếu ở không gian cùng diện tích, giá có thể gấp ba đến năm lần".
Sau khi chuẩn bị các linh kiện cần thiết, anh Hùng nối dây vào máng điện và gắn bóng đèn vào. Anh cũng tận dụng chân máy (dùng trong studio chụp ảnh) để làm chân đế cho thiết bị, cố định bằng dây rút nhựa. Theo anh, việc lắp ráp không quá khó khăn do mọi thứ đã có sẵn.
Tuy nhiên, nhận thấy khi bật đèn, ánh sáng phát ra có thể gây hại cho chính mình. Anh dùng dây điện nối dài, đặt thiết bị ở xa và bộ công tắc kích hoạt gần cửa. Mấy ngày sau, anh gắn thêm bộ điều khiển từ xa với giá vài chục nghìn đồng mua ở tiệm điện.
Hệ thống phát tia cực tím được anh Hùng đặt trong phòng cần diệt khuẩn, mỗi ngày bật 2 -3 lần, mỗi lần khoảng 30 - 60 phút. Trong thời gian đó, người nhà không được vào nhằm tránh những tác hại do loại tia này gây ra cho da và mắt...
Trên một số hội nhóm Facebook về điện tử, chủ đề về lắp thiết bị diệt khuẩn bằng tia cực tím cũng được thảo luận khá sôi nổi. "Tôi vừa mua bộ đèn tổng 'thiệt hại' khoảng 200.000 đồng. Chưa biết hiệu quả sao, nhưng nó tạo cho tôi cảm giác yên tâm chống dịch viêm phổi", tài khoản Lê Thanh chia sẻ. "Theo tôi thấy, nên mua các loại bóng có xuất xứ từ châu Âu sẽ tốt hơn so với hàng Trung Quốc, giá chỉ đắt hơn vài chục nghìn thôi", tài khoản Đạt Nguyễn nói.
Tuy nhiên, một số người cũng cảm thấy lo lắng. "Tôi đã sử dụng đèn cực tím mỗi ngày vài lần, mỗi lần 30 phút, dùng liên tục một tuần và thấy các đồ nhựa, đồ cao su có dấu hiệu lão hóa, trong khi lá cây trong phòng màu nhạt hơn, thậm chí bị héo. Chưa rõ hiệu quả sao, nhưng thiệt hại thì đã thấy trước mắt. Có lẽ mình không nên dùng nữa", tài khoản Vu Nguyen, chia sẻ. Đáp lại, tài khoản Anh Thu cho rằng, có vẻ như anh Vu Nguyen đã dùng bóng đèn công suất lớn cho không gian phòng nhỏ và điều này là không nên.
Tìm mua bóng đèn hoặc đèn phát tia cực tím ở Việt Nam khá dễ. Đèn phát tia cực tím được bán tại các cửa hàng vật tư y tế, với giá từ 250.000 đồng tới hàng triệu đồng tùy thương hiệu, diện tích phủ, tính năng đi kèm... Trên các trang thương mại điện tử hay hội nhóm bán hàng trên mạng xã hội, sản phẩm dạng này cũng xuất hiện khá nhiều.
Bóng đèn phát tia cực tím được chế tạo bằng thủy tinh đặc biệt hoặc thạch anh, ở hai đầu có cặp điện cực oxy hóa bằng sợi wolfram, cực còn lại được tráng muối Stronli Cacbonat. Trong bóng đèn chứa khí thủy ngân và Argon ở áp suất thấp. Khi đèn cực tím cháy sáng, điện cực phóng điện từ vào phân tử khí thủy ngân, làm phát ra một lượng lớn tia cực tím có bước sóng thấp hơn 280 nm, gọi là UVC. Đây cũng là loại bóng đèn được sử dụng phổ biến để diệt khuẩn trong không khí.
Ngoài UVC, tia cực tím còn có thêm hai loại là UVA (bước sóng 400 - 315 nm) và UVB (bước sóng 315 - 280 nm), được dùng cho các ngành công nghiệp khác.
Anh Đông Phong, một người đang làm việc trong lĩnh vực thiết bị y tế tại TP HCM, cho biết, đèn phát tia cực tím vẫn thường được sử dụng phổ biến để diệt khuẩn trong sản xuất nước đóng chai, nước trong hồ bơi, khử trùng chất thải bệnh viện, chế biến thực phẩm, dược phẩm... Gần đây, loại đèn này cũng được một số hộ gia đình mua về để khử khuẩn tại gia.
Anh Phong cho biết, khi khử khuẩn không khí bằng tia cực tím, cách thông thường là chiếu xạ gián tiếp. Tức là, thiết bị chiếu sẽ được đặt hướng ngược lên trần nhà nhằm tiêu diệt virus ở phía trên trước, sau đó trần nhà phản chiếu tia sáng ngược trở lại để diệt virus ở tầng thấp hơn. Nhờ tác động của dòng đối lưu, các dòng khí sẽ được thay thế và liên tục được khử khuẩn. Bên cạnh đó, người dùng có thể dùng đèn cực tím chiếu xạ trực tiếp nếu không gian không quá lớn, dưới 30 mét vuông.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, các thiết bị phát tia cực tím hiện nay có tác dụng diệt virus, bằng cách phá vỡ cấu trúc phân tử, làm biến dạng và gây chết. Do đó, loại tia sáng này có thể được dùng như giải pháp để ngăn chặn nCoV.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh không khuyến khích việc tự mua và sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà, nhất là những ai không am hiểu, bởi đây là tia sáng có hại nếu tiếp xúc trực tiếp. Nếu mua, người dùng cần tuân thủ kỹ thuật, sử dụng đúng diện tích, mỗi lần sử dụng khoảng một giờ và trong thời gian đó không nên ở trong phòng để tránh những sự cố do chùm tia tác động đến da, mắt và các bộ phận khác.
Bình luận