(VTC News) – 010/1/2012, ngày đầu tiên của năm mới sẽ có nhiều luật, quyết định có hiệu lực như Luật Thuế Bảo vệ môi trường, Luật Kiểm toán độc lập, tăng phí trước bạ ở TP.Hà Nội và TP.HCM…
1. Không thu phí xăng dầu từ ngày 1/1/2012
Từ ngày 01/01/2012 Luật Thuế Bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, xăng dầu sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường thay cho phí như hiện nay. Đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra.
Theo quy định của Luật, đối tượng chịu thuế gồm 8 nhóm hàng hóa là: xăng dầu, than đá, dung dịch hydro -chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi ni lông, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.
Xăng dầu sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường thay cho phí như hiện nay (Ảnh: IT) |
Luật cũng quy định rõ than chịu thuế bảo vệ môi trường là than đá, đồng thời phân loại cụ thể mặt hàng than đá bao gồm than nâu, than an – tra – xít, than mỡ và các loại than đá khác.
2. Hà Nội tăng lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ lên 20%
Hôm 8/12, tại phiên họp Hội đồng Nhân dân, TP. Hà Nội đã quyết định tăng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện xe máy và ô tô nhằm từng bước giảm số lượng xe máy, ô tô đăng ký mới trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông và tăng thu cho ngân sách.
Từ 1/1/2012, Hà Nội sẽ chính thức áp dụng mức lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi với mức tăng từ 12% lên 20%. Các loại ô tô vận tải hành khách có mức phí đăng ký lần đầu là 500.000 đồng, các xe con dưới 10 chỗ kể cả lái xe áp mức phí đăng ký và cấp biển mới là 20 triệu đồng, gấp 10 lần mức phí đang áp dụng.
Đối với một số loại xe máy cấp biển lần đầu cũng áp dụng mức mới. Xe có trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống trong lần đăng ký đầu tiên chịu mức phí mới là 500.000 đồng, còn xe từ 15 triệu đồng – 40 triệu đồng áp dụng mức phí mới là 2 triệu đồng. Xe có trị giá 40 triệu đồng trở lên có mức phí là 4 triệu đồng.
3. TP.HCM tăng lệ phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ ngồi lên 15%
Chiều 29/12, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định lùi thời hạn có hiệu lực của quyết định tăng lệ phí trước bạ với ôtô dưới 10 chỗ ngồi tới ngày 1/1/2012.
Theo quyết định này, thời điểm áp dụng mức thu 15% là 1/1/2012 thay vì ngày 29/12/2011 như tại quyết định 83. Quyết định này được gửi theo đường email đến các chi cục thuế lúc 14h40'.
Sở dĩ UBND TP phải gấp rút điều chỉnh quyết định 83 vì có sự không thống nhất về thời điểm nâng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới lần đầu.
Theo nghị quyết 24 của HĐND TP.HCM ban hành ngày 17/12, thời điểm áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới với ôtô là 1-1-2012 và giao UBND TP.HCM triển khai thực hiện. Ngày 19/12, UBND TP đã ban hành quyết định 83 nâng mức lệ phí trước bạ ôtô lên 15%, thời điểm áp dụng là “mười ngày sau ngày ký”, tức 29/12.
Trước đó, khoảng 10h ngày 29/12, các chi cục thuế nhận được thông báo của phòng nghiệp vụ dự toán Cục Thuế TP.HCM yêu cầu áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới với ôtô là 15% từ ngày 29/12 theo quyết định của UBND TP.HCM.
Ngân hàng hợp nhất SCB chính thức hoạt động từ 1/1/2012(Ảnh minh họa - nguồn IT)
Ngày 26/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2716/QĐ-NHNN về việc hợp nhất 03 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP): Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012.
SCB có vốn điều lệ là 10.583.801.040.000 đồng, có địa chỉ trụ sở chính tại số 927 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh và có thời hạn hoạt động là 99 năm.
Đây là ngân hàng có mức vốn điều lệ lớn thứ năm trong các ngân hàng Việt Nam, sau Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển.
Theo quyết định này, các hoạt động chính của SCB bao gồm: Nhận tiền gửi; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu; Cấp tín dụng; Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; Cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán; Vay vốn của NHNN, của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; Mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại NHNN, tại tổ chức tín dụng khác và ở nước ngoài; Tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán; Góp vốn, mua cổ phần; Tham gia thị trường tiền tệ; Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh; Ủy thác, nhận ủy thác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
4. Một số thay đổi Biểu thuế xuất khẩu 2012
Ngày 14/11/2011, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 157/2011/TT-BTC ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Được biết, Biểu thuế 2012 có nhiều điểm thay đổi do thực hiện theo Danh mục hài hòa và mô tả mã hóa hàng hóa phiên bản 2012 của Tổ chức Hải quan thế giới và của các nước ASEAN (gọi tắt là Danh mục AHTN2012) và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012.
Điểm thay đổi lớn nhất của danh mục Biểu thuế 2012 là mã số hàng hóa theo 8 chữ số (trước đây là 10 chữ số) dẫn đến số lượng dòng thuế đã tăng 1.258 dòng so với danh mục AHTN 2007 và tăng 336 dòng thuế so với danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành của Việt Nam.
Những điểm mới của Biểu thuế như sau: Bổ sung thêm một số phân nhóm mới, mặt hàng mới quan trọng trong thương mại quốc tế; định danh các loại hóa chất, chất bảo vệ thực vật, các chất làm suy giảm tầng ozone. Số dòng thuế phát sinh chủ yếu tập trung vào các Chương: Chương 3, Chương 39, Chương 62, Chương 84, Chương 85, Chương 87; Xóa bỏ hơn 40 phân nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu thấp; Sửa đổi, bổ sung chú giải đầu chương và phân loại một số mặt hàng; Thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu của hơn 1.000 dòng thuế
Về kết cấu của Biểu thuế 2012 cũng thay đổi so với trước là có thêm Chương 98, ngoài 97 chương theo danh mục hàng hóa XK, NK để qui định mức thuế suất riêng cho một số mặt hàng, nhóm mặt hàng đặc thù.
5. Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực
Luật kiểm toán độc lập gồm 8 chương 64 điều được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011. Điểm mới của Luật Kiểm toán độc lập là Bộ Tài Chính với tư cách cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng như thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Theo văn bản luật, kiểm toán viên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt. có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên, có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán từ 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề.
6. Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực
Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm 4 chương 13 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Theo đó, văn bản luật quy định đối tượng chịu thuế gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh cho phù hợp với Luật Đất đai 2003.
Nếu sử dụng vượt hạn mức, đất sử dụng không đúng mục đích và đất lấn chiếm phải chịu thuế cao gấp 2,5 - 7 lần so với thuế suất cơ bản. Người sở hữu đất vượt hạn mức cho phép có thể phải đóng thuế gấp 3 - 5 lần so với thuế suất áp dụng cho diện tích trong hạn mức. Đất sử dụng không đúng mục đích sẽ áp mức thuế suất 0,15%, gấp 5 lần mức thuế suất cơ bản. Đất lấn chiếm sẽ bị áp thuế suất 0,2%, gần gấp 7 lần thuế suất cơ bản.
Bình luận