Đã hơn 400 ngày kể từ khi Mỹ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại vào ngày 6/7/2018 bằng việc tạo ra hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Giờ đây, hai cường quốc kinh tế thế giới đã bước sang giai đoạn của “cuộc chiến ngôn từ” bất phân thắng bại nhằm đưa ra thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho cả hai bên.
Vào phiên đóng cửa cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng tới 623 điểm, ngay sau lời tuyên bố từ phía Trung Quốc rằng sẽ áp thêm thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Lập tức, Tổng thống Trump đã đưa ra đòn đáp trả bằng tuyên bố trên Twitter rằng sẽ “trả đũa” Trung Quốc.
Thị trường tài chính toàn cầu như chìm vào cơn xoáy mà khởi nguồn bắt đầu từ hai ông trùm kinh tế thế giới. Liệu đây có là cuộc chiến thương mại lớn nhất từ trước đến nay?
Nói về vấn đề này, ông Gary Hufbauer - nhà sử học kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không giống với trận chiến mà Tổng thống Hoover đã tham gia khi ông ký Đạo luật Smoot-Hawley vào tháng 6/1930 về việc tăng thuế quan lên 45% cho với các nước khác trên thế giới.
Tại thời điểm đó, Tổng thống Herbert Hoover đã cố gắng đề ra các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp trong những ngày đầu của thời kỳ suy thoái kinh tế. Giải pháp mà Hoover đề ra là thực hiện việc áp thuế quan lên hàng nhập khẩu nông sản. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Reed Smoot của Utah và Dân biểu Willis Hawley của Oregon đã đưa ra các điều luật của riêng họ, tạo ra một loạt các biểu thuế công nghiệp.
Thay vì phủ quyết hay dự luật, Hoover đã biến ý định của ông thành điều luật và ngay sau đó, thế giới đã thực hiện cú đáp trả lại hàng rào thuế quan của Mỹ. Động thái này được xem như là con dao cứa vào trái tim vốn đã chảy máu của một đất nước đang chịu tổn thất nặng nề về kinh tế.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và trận chiến Smoot-Hawley nằm ở việc ngày nay Mỹ đã tập trung vào một quốc gia - Trung Quốc, trong khi Hoover lại nhắm đến tất cả quốc gia trên thế giới”, Hufbauer giải thích.
Theo China Briefing, cho đến nay, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá lên tới 250 tỷ USD và đưa ra lời đe dọa đối với hơn 325 tỷ USD hàng hóa của nước này.
Mới đây, Trung Quốc đã đáp trả bằng việc áp lại thuế đối với 185 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Đồng thời, Chính phủ nước này còn cảnh báo rằng những động thái mà ông Trump đưa ra rất có thể sẽ là con dao hai lưỡi, gây tổn thương tới các công ty Mỹ và các nhà máy đang đặt tại Trung Quốc.
“Trung Quốc có thể làm việc vận hành trên đại lục trở nên phức tạp hơn; chẳng hạn như cách ly hàng hóa của Mỹ trong một thời gian dài và khiến cho việc làm thủ tục hải quan trở nên khó khăn hơn”, Jeremy Haft, tác giả của Unmade in China chia sẻ với NPR.
Một sự khác biệt tiếp theo của cuộc chiến thương mại này là mức thuế ngày nay thấp hơn nhiều so với Đạo luật Smoot-Hawley, chỉ khoảng 25% với hàng hóa Trung Quốc, so với con số 45% mà Hoover ban hành với hầu hết quốc gia trên thế giới.
Điều đáng chú ý là cuộc chiến thương mại trong lịch sử trên đã không giúp Hoover hưởng lợi về mặt chính trị. Thực tế, ông đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1932 trước Franklin D. Roosevelt và cũng không được bầu lại.
“Chỉ có một điều chắc chắn cho cuộc chiến thương mại này, đối với cả Mỹ và Trung Quốc, là nó sẽ rất tốn kém”, Hufbauer khẳng định.
Thị trường chứng khoán toàn cầu như đang nằm trong chảo lửa và liên tục “điêu đứng” trước những dòng tweet gây sốc của tổng thống Mỹ hay những tuyên bố rắn rỏi từ phía Trung Quốc. Người dân của hai nước, đặc biệt là những người nông dân sẽ phải ôm thêm mối lo về cuộc sống cơm áo gạo tiền của mình trước những hậu quả mà những “ông lớn” này đưa ra.
Tình trạng căng thẳng này liệu sẽ kéo dài bao lâu?
Vào tuần trước, trước khi lên phi cơ Air Force One, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với các phóng viên rằng cuộc chiến với Trung Quốc sẽ không kéo dài. Thêm vào đó, ông còn khẳng định rằng Mỹ đang ngày một mạnh mẽ hơn trước cuộc chiến thương mại này, theo Fox Business.
Bình luận