"Một quan chức Nhật Bản nói không sao khi uống nước này. Vậy ông uống đi rồi hãy nói", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo chiều 14/4.
“Đại dương không phải là thùng rác của Nhật Bản", ông Triệu nói và tweet bằng thông điệp bằng tiếng Anh sau đó.
"Căn bệnh Minamata của Nhật Bản xảy ra cách đây không lâu và nỗi đau của các nạn nhân vẫn chưa thể chữa lành. Nhật Bản không nên quên thảm kịch lịch sử đó", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm. Ông Triệu kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga không xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển khi không có sự đồng ý của các nước khác và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản hôm 13/3 thông báo xả một triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima ra biển. Tokyo nhấn mạnh nước này an toàn vì đã được loại bỏ hết phóng xạ dù vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp. Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng khẳng định, sau xử lý, làm loãng, nước thải này an toàn để uống. Ông tin rằng quyết định xả nước nên được đưa ra sớm hơn.
Nhiều nước trước đó chỉ trích gay gắt quyết định của Nhật Bản, cáo buộc Tokyo làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và môi trường xung quanh trong tương lai.
Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản chỉ ra rằng một số quốc gia khác đang vận hành các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc cũng từng thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ các lò phản ứng tại đó ra môi trường.
Dự kiến Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước trong hai năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Thập niên 30 của thế kỷ trước, Công ty công nghiệp hóa học Chisso, tỉnh Kumamoto xả trực tiếp ra biển chất thải hoá học chứa thuỷ ngân, gây ra hội chứng Minamata làm tê liệt hệ thống thần kinh trung ương ở người, gây dị tật bẩm sinh.
Mãi tới năm 1956, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thủy ngân hữu cơ trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây ra căn bệnh ảnh hưởng tới hàng nghìn người này.
Bình luận