Tờ China Daily trích thông báo của chính quyền tỉnh Hải Nam cho hay, tỉnh này sẽ vận hành các chuyến du lịch thường xuyên tới quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, nhằm “đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng tăng”.
“Tỉnh có kế hoạch khai thác tuyến du lịch đường biển và dịch vụ kinh doanh du lịch biển trên Biển Đông qua các quốc gia dọc Con đường tơ lụa”, tờ này đề cập tới sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy liên kết đầu tư và thương mại. Các chuyến du lịch sẽ được triển khai trước năm 2020, theo China Daily.
Theo Reuters, các kế hoạch của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực tức giận. Giới phân tích nhận định, kế hoạch phát triển trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là cách Bắc Kinh tìm kiếm sự hiện diện thường trực đầu tiên của nước này sâu trong trái tim hàng hải của khu vực Đông Nam Á.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc vận hành hoạt động du lịch biển tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và gọi là Tây Sa.
Ngày 21/6, Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) cũng thông báo sẽ khai trương các chuyến tàu du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa kể từ tháng 7.
Trung Quốc từng ngang ngược tuyên bố muốn thành lập khu du lịch tại Biển Đông theo kiểu quần đảo Maldives nổi tiếng.
Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.
Mọi hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Bình luận