Trung Quốc có thể hòa giải xung đột Israel - Hamas?

Tư liệuThứ Năm, 09/11/2023 08:40:00 +07:00
(VTC News) -

Khi các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas tiếp diễn, thế giới đang tìm kiếm một “nhà ngoại giao” có thể giúp hoà giải xung đột.

Đối với Israel, xung đột hiện tại với Hamas là mối đe doạ hiện hữu nhất kể từ năm 1948. Trong khi đó, đối với thế giới, cuộc xung đột này cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn nhất kể từ sau cuộc đụng độ năm 1973 giữa Israel và Ai Cập, khi thế giới đứng trước nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân.

Cuộc xung đột hiện tại bắt đầu từ ngày 7/10 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công nhằm vào cộng đồng người Israel ở khu vực gần biên giới dải Gaza. Vụ việc này đánh dấu một trong những sự kiện tồi tệ nhất với Israel. Kể từ đó, ngọn lửa xung đột có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng tới cả khu vực Trung Đông.

Nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến vai trò của một số quốc gia trong cuộc xung đột này. Theo SCMP, để hiểu hơn về tác động của cuộc chiến giữa Israel - Hamas tới toàn cầu, cần có cái nhìn xa hơn về phía Đông, cụ thể là tới vai trò của Trung Quốc.

Từng bước thay thế Mỹ?

Trước đây, mối liên hệ duy nhất giữa Trung Quốc với khu vực Trung Đông chủ yếu về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đưa ra một số điều chỉnh chính sách với khu vực sau khi Washington giảm can dự, rút dần ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. 

Những sự thay đổi này cũng đã được thể hiện trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine. Cụ thể, một năm sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, Bắc Kinh đã đề xuất một kế hoạch hoà bình 12 điểm. Đồng thời, Trung Quốc cũng từ chối gọi đây là một cuộc “chiến tranh”, thay vào đó Bắc Kinh chỉ gọi đây là một cuộc “khủng hoảng”. Quan điểm này được Trung Quốc đưa ra dựa trên mối quan hệ tương đối gần gũi với Nga, được coi là quan hệ đối tác chiến lược.

Xung đột nổ ra tại dải Gaza từ ngày 7/10 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công cộng đồng người Israel. (Ảnh: Reuters)

Xung đột nổ ra tại dải Gaza từ ngày 7/10 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công cộng đồng người Israel. (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó, ở Trung Đông, Trung Quốc cũng đã bắt đầu tìm cách gia tăng ảnh hưởng. Một trong những bước đột phá lớn nhất của Trung Quốc trong những năm gần đây về mặt ngoại giao tại khu vực này là việc đóng vai trò trung gian, làm cầu nối lại quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Iran vào tháng 3. Theo giới quan sát, thoả thuận này là một bước tiến mới cho thấy Trung Quốc đang từng bước lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong khu vực.

Bắc Kinh cho rằng Washington đang điều chỉnh lại các lợi ích chiến lược ở khu vực, do đó Trung Quốc đã bắt đầu chớp lấy thời cơ, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác kinh tế ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thông qua hoạt động ngoại giao tích cực hơn.

Cụ thể, từ năm 2019, hoạt động thương mại của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông đã tăng thêm 79 tỷ USD, đạt tổng giá trị lên tới 259 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, thương mại của Mỹ trong khu vực giảm 38 tỷ USD xuống còn 82 tỷ USD.

Dù vẫn còn nhiều hoài nghi về thoả thuận nối lại quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Iran do Trung Quốc làm trung gian, các chuyên gia cho rằng một trong những điều quan trọng là Bắc Kinh đã nhận thấy tiềm năng giúp nước này đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực.

Ảnh hưởng lớn về kinh tế trong khu vực

Khi Bắc Kinh tổ chức diễn đàn "Vành đai và Con đường" lần thứ ba vào ngày 18/10, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tác động của cuộc chiến ở Gaza tới các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Israel.

Từ năm 2015 đến 2018, Israel là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc trong khu vực, với nhiều dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" cũng như các dự án tương tự.

Từ năm 2011 đến năm 2018, có khoảng 54 trong số 87 khoản đầu tư của Trung Quốc vào Israel là ở lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng dành các khoản đầu tư khác vào cảng lớn nhất Israel, công ty sữa và các công ty khác ở Israel, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ. Dưới áp lực từ Mỹ, Israel cũng đã huỷ một vài thoả thuận lớn với Trung Quốc.

Trong trường hợp xung đột Israel - Hamas, việc Bắc Kinh tránh dùng từ khủng bố khi thảo luận về vụ tấn công của Hamas, mặc dù công dân Trung Quốc nằm trong số nạn nhân của cuộc xung đột này. Điều đó cho thấy Bắc Kinh vẫn cẩn trọng trong các vấn đề ở khu vực, tránh đưa ra quan điểm bất lợi về mặt ngoại giao, ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế của Trung Quốc ở Trung Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thái tử và Thủ tướng Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: AP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thái tử và Thủ tướng Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: AP) 

Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran là rất lớn. Với thỏa thuận đầu tư kéo dài 25 năm với Tehran trị giá 400 triệu USD mà hai bên ký kết, đảm bảo cho Bắc Kinh nguồn cung cấp dầu giá rẻ ổn định.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Trung Đông đã được chứng minh dựa trên lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 25/10 tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó, ông Blinken đề nghị nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hợp tác để ngăn chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng.

Có thể thấy, Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng lợi thế kinh tế với các mục tiêu chính trị, dần gia tăng vị thế, ảnh hưởng đối với Trung Đông. Trung Quốc đang có nhiều cơ hội để hiện thực hoá tham vọng đó khi mà My - quốc gia có ảnh hưởng mang tính truyền thông ở khu vực, rút dần vai trò trong các vấn đề Trung Đông.

Phép thử cho tham vọng của Trung Quốc?

Trung Quốc đã bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên kéo dài một tháng của Hội đồng Bảo an từ ngày 1/11. Theo đó, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục hòa bình ở các vùng lãnh thổ Palestine trong thời gian làm chủ tịch.

Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức. Bắc Kinh cho rằng các cuộc đụng độ tiếp diễn giữa người Palestine và Israel cho thấy tiến trình hòa bình ở Trung Đông đang trì trệ và thiếu bền vững.

Bắc Kinh kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel để đạt được một nền hòa bình lâu dài. “Trung Quốc tiếp tục nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu này”, Bộ Ngoại Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng sự đồng thuận, thực hiện các hành động có trách nhiệm và có ý nghĩa càng sớm càng tốt để giảm bớt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Dù vậy, đối với giới quan sát, cơ hội để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết xung đột ở Trung Đông hiện không cao. Một số nhà phân tích nhận thấy điều đó phù hợp với tham vọng ngắn hạn hơn của Trung Quốc.

Tiến sĩ Anas Iqtait, giảng viên kinh tế và kinh tế chính trị về Trung Đông tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Trung Quốc chứng minh vai trò trong khu vực để từng bước hiện thực hoá cục diện thế giới đa cực, giảm dần ảnh hưởng của Mỹ.

Ông Anas Iqtait cho rằng Trung Quốc có thể đang tính đến việc tận dụng cuộc xung đột Israel - Hamas để tự khẳng định vai trò lãnh đạo của nước này trong một trật tự thế giới mới ở khu vực Nam bán cầu, bao gồm các nước đang phát triển và thuộc địa cũ.

Những quốc gia trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng đối với tham vọng ngoại giao toàn cầu của Bắc Kinh, bao gồm sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), sáng kiến An ninh toàn cầu, sáng kiến Phát triển toàn cầu và sáng kiến Văn minh toàn cầu.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn