Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010, đập thuỷ lợi Đồng Ớt tại xã Hoá Quỳ, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hoá) bị dân tố là nguyên nhân gây ra 5 vụ mất mùa gần đây bởi thiết kế không hợp lý.
Một đoạn bờ đập 7m đã bị hạ thấp để nước tự tràn qua, tránh ngập lụt phía trên nhưng lại gây hạn hán cho các thôn dưới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từ khi có đập, lúa của các thôn Quảng Hợp và Đồng Xuân liên tục bị hạn, nhiều khu ruộng chết khô dẫn đến mất trắng.
Trong khi đó, “phía trên, nhiều nhà dân cùng lúa và hoa màu thôn Thanh Tân lại thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa" - bà Nguyễn Thị Hoa, cán bộ phụ nữ thôn Quảng Hợp, đại diện các hộ dân cho biết.
Nhân dân các thôn đều cho rằng, phần cống lấy nước về mương tưới của 2 thôn Quảng Hợp và Đồng Xuân thiết kế quá cao so với đáy đập. Mùa khô khi lúa và hoa màu cần nước thì mực nước đập lại thấp hơn cống nên không lấy được nước.
Mùa mưa, bờ đập làm nước dâng cao gây ngập lụt lúa, hoa màu và các hộ dân sống trong vùng lòng hồ.
Để giải quyết tình thế cho thôn Thanh Tân bị ngập, xã Hoá Quỳ đã hạ thấp độ cao một đoạn đê.
Đê bị hạ thấp lại không giữ được mực nước cần thiết khiến mực nước đập thấp hơn mực nước cống lấy nước của các thôn phía dưới gây hạn hán triền miên.
Kênh nông giang dẫn nước về đồng lúa thôn Quảng Hợp không có nước.
Có mặt tại cánh đồng thôn Quảng Hợp vào trưa 21/7, nhiều ruộng lúa mới cấy đã nứt nẻ. Một số khu ruộng cao đã có hiện tượng lúa héo vàng do thiếu nước.
Ông Lê Phúc Hải, Phó chủ tịch UBND xã Hoá Quỳ cho biết: "Chỉ cần hỗ trợ di dời và tái định cư cho 8 hộ dân trong khu vực lòng hồ để xây lại đoạn đê đã phá, nâng cao mực nước đập là được. Tuy nhiên, huyện và xã chưa có tiền hỗ trợ nên đành chịu".
Bình luận