Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với nguy cơ bùng phát dịch cao, bệnh này rất dễ lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần.
Đa số trẻ bị sởi sau khi được chữa khỏi, cơ thể sẽ có kháng thể với chủng virus này. Vì vậy, trẻ thường không bị lây nhiễm virus sởi nữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ có thể tái nhiễm bệnh sởi. Do đó, dù là trẻ từng mắc bệnh sởi, bố mẹ không được chủ quan trong phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ.
Đề kháng và miễn dịch của trẻ em còn non nớt và trẻ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, nên bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Cha mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine để nâng cao đề kháng và miễn dịch, giúp bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng khi trẻ mắc bệnh. Trẻ cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi và phù hợp lứa tuổi sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa bệnh tốt hơn. Ngoài ra, trẻ cũng cần tiêm ngừa thêm các loại vaccine khác như vaccine ngừa não mô cầu, cúm.
Cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc hay đến gần người có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, đang mắc bệnh sởi. Hạn chế cho trẻ ra ngoài, đến những khu vực đông đúc hay đang có dịch sởi bùng phát. Trẻ cần được đeo khẩu trang kháng khuẩn đúng cách khi ra ngoài nhằm hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm virus gây bệnh.
Trẻ cần được tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ, đánh răng 2 lần, sáng - tối mỗi ngày, súc miệng với nước muối sinh lý thường xuyên, tập thói quen rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn; hạn chế cho trẻ chạm tay lên vùng mặt.
Trẻ nên được nghỉ ngơi, sinh hoạt trong không gian sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng tự nhiên. Bố mẹ nên thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn phòng ốc, khu vực vui chơi, đồ chơi cũng như các đồ dùng cá nhân cho trẻ.
Cha mẹ cho trẻ tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao đề kháng, khuyến khích trẻ tham gia những môn thể thao yêu thích, ngủ đủ giấc, tránh học tập, lao động gắng sức.
Ở mỗi giai đoạn phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ có sự thay đổi, vì vậy bố mẹ cần chú ý bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng theo nhu cầu cho trẻ. Trẻ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và những thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A, C để tăng đề kháng.
Trẻ không chỉ khi có dấu hiệu mắc bệnh mà ngay cả khi không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ cũng nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe, phát triển của trẻ và có thể phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn, từ đó có hướng xử trí sớm.
Bình luận