Trứng là một trong những thực phẩm rất giàu dinh dưỡng nhờ cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao (tỷ lệ hấp thu cao) từ lòng trắng trứng, cùng nhiều chất béo, vitamin A, vitamin D, phospho, chất sắt và kẽm… từ lòng đỏ.
Trứng rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ăn nhiều là tốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Quan trọng hơn là cách chế biến giúp hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng và tùy vào độ tuổi của trẻ nên ăn cho phù hợp.
Bác sỹ Trần Thị Hồng Loan, Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood, chia sẻ: “Về giá trị dinh dưỡng, mặc dù trứng gà và vịt không khác nhau nhiều nhưng trứng gà có hàm lượng chất đạm, kẽm và vitamin A cao hơn nhưng chất béo thấp hơn trứng vịt nên ăn trứng gà dễ tiêu hơn. Vậy nên nếu trẻ nhỏ thì nên tập cho trẻ ăn trứng gà sẽ tốt hơn, khi trẻ lớn hơn thì có thể cho ăn đa dạng, thay đổi nhiều loại trứng".
Xét về mặt dinh dưỡng, mỗi loại trứng đều có công dụng riêng đối với sức khỏe.
Do hàm lượng chất béo trong trứng cao nên số lượng trứng ăn sẽ thay đổi tùy theo tháng tuổi:
Trẻ 6-8 tháng: nên tập ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà mỗi lần và 2 - 3 lần/tuần.
Trẻ 9-12 tháng: nên ăn 1 lòng đỏ trứng gà nhỏ mỗi lần và 2 - 3 lần/tuần.
Trẻ từ 1 tuổi trở lên: nên tập ăn cả lòng trắng trứng và có thể ăn 3 - 4 trứng gà mỗi tuần.
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng từ 1 tuổi trở lên: có thể cho trẻ ăn trứng 1 quả/ngày để bổ sung thêm dưỡng chất, giúp trẻ mau phục hồi.
Cách chế biến trứng phù hợp
Theo bác sĩ Loan, do trứng thường tiếp xúc với phân và chất thải nên có nhiều vi khuẩn bên ngoài vỏ, thậm chí vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong lòng trắng hay vào cả lòng đỏ nếu trứng không mới. Vậy nên để phòng tránh nhiễm khuẩn khi ăn trứng không nên cho trẻ ăn trứng sống hay chín tái.
Đặc biệt, không nên ăn khi lòng trắng chưa chín vì ngoài vấn đề dễ bị nhiễm khuẩn, trong lòng trắng trứng sống còn chứa một số chất như: chất cản trở hấp thu biotin (vitamin H), làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất kháng Trypsin, làm cản trở hấp thu đạm.
“Trứng đun quá lâu hay chế biến quá kỹ cũng tạo ra các chất khó tiêu hóa, hấp thu cho trẻ. Tốt nhất là ăn chúng khi vừa chín tới. Muốn vậy, trứng mới lấy ở tủ lạnh ra cần để bên ngoài cho giảm lạnh rồi mới chế biến, khi chế biến cần đun lửa vừa và thời gian vừa đủ. Nhất là khi luộc trứng, để tránh trứng chỉ chín bên ngoài mà chưa chín bên trong”, bác sĩ Loan khuyên.
Như vậy, tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho trẻ em ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Để bé có thể phát triển toàn diện, ngoài trứng cần bổ sung chế độ ăn uống đa dạng, đủ các nhóm chất như: cá, tôm, thịt lợn, thịt bò, trứng, các loại rau, củ quả, trái cây... để bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Thi thoảng, để bổ sung dinh dưỡng có thể cho trẻ ăn trứng vịt. Trứng vịt có kích thước lớn hơn so với trứng gà. Hàm lượng calo trong một quả trứng vịt là 130 calo, cao gấp đôi hàm lượng calo có trong trứng gà. Hàm lượng protein, vitamin, chất béo bão hòa của trứng vịt cũng vượt trội so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp nhiều Omega-3 giúp chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Trứng cút có kích thước nhỏ hơn nhiều so với trứng gà và trứng vịt (khoảng 8,5g) nhưng lại chứa nhiều dinh dưỡng nhất.
Ước tính trong 1 quả trứng cút có chứa 14 calo, 1,2g protein và nhiều loại amino axit, khoáng chất, vitamin tương tự trứng gà và trứng vịt. Ngoài ra, so với trứng gà, trứng cút ít có khả năng gây dị ứng hơn nên rất phù hợp với trẻ dưới 6 tuổi.
Nhìn chung, trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất (sắt, kẽm...) cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Bình luận