• Zalo

Tránh tử thần đến từ những mũi tiêm

Sức khỏeThứ Năm, 04/04/2013 04:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều trẻ em sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã tử vong, vậy có cách nào tránh được?

(VTC News) – Nhiều trẻ em sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã tử vong, vậy có cách nào tránh được?

Hàng loạt trẻ phản ứng vắc xin

Ngày 15/3, chị Hồng đưa bé Vương Anh ra Trạm y tế phường 7, TP Đà Lạt để tiêm chủng mở rộng với liều vắc xin 5 trong 1. Sau khi tiêm, bé Vương Anh có dấu hiệu bị sốt, quấy khóc, gia đình đã cho cháu bé uống tới 3 liều paracetamol. Uống xong, bé Vương Anh không quấy khóc nữa tỏ ra rất ngoan ngoãn, nằm ngủ ngon lành. Sáng 16/3, chị Hồng phát hiện con mình đã tử vong trên giường.

Chuyển loại vắc xin khác hoặc cẩn thận hơn như cho ở lại chỗ tiêm 30 phút sau tiêm để theo dõi sẽ tránh được những phản ứng không đáng có.
Trước đó, vào tháng 11/2012, tại phường 9, TP Đà Lạt cũng đã xảy ra một vụ tử vong tương tự sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1. Nạn nhân là một bé trai mới 3 tháng tuổi.

Sáng 25/3, cháu L. (Hải Dương) được tiêm phòng mũi 2  vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem. Hơn 1 ngày sau, bé có biểu hiện sốt, quấy khóc, bỏ bú nên gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Tam Kỳ và được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương. Đến ngày 26/3, cháu L. tử vong.

 Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cháu L. nhập viện với các biểu hiện điển hình của nhiễm khuẩn huyết. Kết quả cấy máu mới đây cũng khẳng định cháu tử vong do nhiễm khuẩn huyết chứ không phải phản ứng với vắc-xin. Hội đồng chuyên môn đang điều tra để có đánh giá toàn diện về sự cố sau tiêm chủng vừa qua tại Hải Dương.

Trước sự cố trên Viện Pasteur TP.HCM quyết định tạm ngưng sử dụng lô vắc xin 5 trong 1 sau khi có 1 trường hợp tử vong và 8 trường hợp khác phải vào viện theo dõi.

Chính quyền tỉnh Hải Dương cũng tạm ngừng sử dụng lô vắc-xin liên quan đến các ca tai biến nói trên. Sau khi có kết luận chính thức từ hội đồng chuyên môn, nếu không phải do lô vắc-xin này thì chúng sẽ được sử dụng trở lại.

Lô vắc xin Quinvaxem 5 trong 1  tiêm chủng tại thành phố Đà Lạt vào ngày xảy ra sự cố (15/3) do Hàn Quốc sản xuất. Cách đây 3 tháng sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã được phân phối lô vắc xin này. Việc lô vắc xin trên có trùng với các lô vắc xin đã gây tử vong cho trẻ thuộc các tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An hay không đang được xác minh.

Tránh phản ứng vắc xin thế nào?

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, khẳng định chưa có bằng chứng về chất lượng của vắc-xin Quinvaxem liên quan đến các ca tử vong

Tuy nhiên, GS Hiển cũng cho rằng: “Không loại vắc-xin nào là an toàn 100%. Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên nhằm kích thích sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau… là các biểu hiện hay gặp phải sau khi tiêm vắc-xin.

Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời và thích hợp. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp tử vong vì lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng.

Đến nay, hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế địa phương và Bộ Y tế cho rằng các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem đều không có bằng chứng liên quan đến dịch vụ tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.

 Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị gửi mẫu đi kiểm định tại Hà Lan. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các sở y tế khu vực có tai biến sau tiêm đã có thông báo tạm ngừng sử dụng 3 lô vắc xin liên quan tai biến. Cho đến nay, dù chưa có căn cứ chất lượng vắc xin liên quan đến tai biến, nhưng cũng chưa có căn cứ để loại trừ, ba lô này vẫn đang bị tạm dừng.

 Như cuộc họp hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm vắc xin đã có những yêu cầu quan trọng được đặt ra, như cử đoàn đi thẩm định lại điều kiện sản xuất Quinvaxem, gửi mẫu đi kiểm định độc lập, tổ chức đối chất với các bên liên quan về chất lượng vắc xin trên cơ sở tài liệu và hồ sơ.

Khi chưa có bằng chứng về chất lượng vắc xin thì các lô vắc xin ngoài lô liên quan tai biến vẫn đang được sử dụng. Nhưng trong trường hợp có thêm phản ứng sau tiêm, vấn đề chuyển đổi sang loại vắc xin khác nhất thiết phải đặt ra”.

Như vậy, để con an toàn khỏi loại vắc xin Quinvaxem, các bà mẹ sẽ có hướng như sau:

Thay thế vắc xin này bằng những loại vắc xin khác tương tự phòng cho 5 bệnh, tuy nhiên, chi phí bỏ ra khá tốn kém. Tại Việt Nam đang có hai loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 lưu hành. Đó là vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Hãng Sanofi, Pháp ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib. Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của Hãng GSK ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib, giá tiêm phòng từ trên 500.000 đến trên 600.000 đồng/mũi/tùy loại.

Trao đổi với phóng viên VTC News, GS-TS Nguyễn Thu Vân – Giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 cho biết, trong quá trình tiêm mỗi cơ thể phản ứng với vắc xin khác nhau nên có trẻ sau tiêm bị sốt nhẹ, sốt cao, có trẻ bị sốc phản vệ.

Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vắc xin khi vào cơ thể gây phản ứng. Nếu cơ thể phản ứng mạnh để bảo vệ thì sẽ gây sốt cao. Thậm chí có thể bị sốc.

Để dự phòng trước những điều xấu  xảy ra, GS Vân nói: Dù có sốc với loại vắc xin đó thì các bác sĩ, y tá tại chỗ tiêm sẽ biết cách giải quyết. Họ sẽ tiêm cho trẻ thuốc chống phản vệ. Đây là lý do tại sao sau khi tiêm, các bậc phụ huynh nên để trẻ nán lại thêm 30 phút để phòng trường hợp bị sốc.

Nhưng thực tế nhiều bà mẹ sau khi tiêm vì sốt ruột nên đưa con về ngay, và sau đó, trẻ bị sốc phản vệ đã không có thuốc tiêm kịp thời. Vì vậy, có những kết quả không mong muốn.

Có những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm, hoặc bản thân khi tiêm đã bị nhiễm trùng mà cha mẹ không biết. Khi đó, cơ thể đang mệt mỏi, lại phải tiêm thêm kháng nguyên khác. Như vậy, cơ thể đã ốm lại chống chọi với kháng nguyên từ vắc xin nên có trường hợp tử vong.

 

Vắc-xin “5 trong 1”, Quinvaxem thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa năm bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib. Vắc xin này được Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD. Hai năm rưỡi sử dụng vắc-xin Quinvaxem, Việt Nam nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều.

 Vắc-xin Quinvaxem được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng và hiện đang sử dụng phòng bệnh cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi ở 90 quốc gia. Tuy nhiên, Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem đã không sử dụng vắc-xin này vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vắc-xin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) dễ gây phản ứng cho cơ địa trẻ.

Bản thân nhà sản xuất vắc-xin này cũng cảnh báo: “Việc tiêm liều tiếp theo của vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào phải được cân nhắc hết sức cẩn thận, nếu như mũi tiêm vắc xin DPT (sởi, quai bị, Rubella) có một hoặc nhiều dấu hiệu trong 48 giờ sau như sốt 40 độ C; đột quỵ hoặc sốc; khóc thét kéo dài hơn 3 giờ; co giật hoặc có hoặc không kèm theo phản ứng sốt trong phạm vi 3 ngày sau tiêm”.





 Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn