Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành Y giống như với ngành Sư phạm hiện nay.
Đầu tư chiến lược vào nguồn lực y tế
ThS Đường Xuân Tùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Hà Nội ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế. Theo ông, thực tế Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực y tế, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, những áp lực lớn mà đội ngũ nhân viên y tế phải chịu đựng trong đại dịch COVID-19, đã cho thấy rõ sự cấp thiết của việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn nhân lực ngành này.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Hà Nội nhận định, việc hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí không chỉ là chính sách mang tính khích lệ, mà còn thể hiện sự đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực y tế tương lai. Nếu đề xuất này thành hiện thực, không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn khuyến khích nhiều người trẻ có năng lực và đam mê lựa chọn ngành đặc thù này.
“Cần nhấn mạnh rằng chương trình đào tạo ngành Y kéo dài hơn hầu hết các ngành học khác, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức và chi phí. Đây cũng là lý do khiến nhiều sinh viên, dù yêu thích ngành Y phải từ bỏ do gia đình không đủ khả năng về tài chính”, ông Tùng nói và kỳ vọng chính sách hỗ trợ này sẽ được thực hiện, không chỉ là động lực mà còn là cam kết của nhà nước với những người cống hiến cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Chung quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Mạnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho rằng, thực tế thi vào ngành Y đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao trở thành rào cản không nhỏ với nhiều sinh viên muốn theo đuổi.
Sau khi ra trường, sinh viên cần tiếp tục thực hành nghề nghiệp 12 tháng, học thêm ít nhất 18 - 24 tháng mới có thể hành nghề. Như vậy, ngành Y từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 - 9 năm. Do đó, cần hỗ trợ để sinh viên có thể theo được nghề và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hỗ trợ cần đi kèm với cam kết
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, chủ trương miễn giảm học phí cho sinh viên ngành Y không khả thi. Theo ông, hiện tất cả các quốc gia đều theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, giảm ngân sách Nhà nước. Ngay cả những nước rất phát triển vẫn có chế độ đóng học phí.
“Với những ngành học chi phí đào tạo đắt đỏ như Y Dược, nếu không có đóng góp từ nguồn lực xã hội sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngân sách Nhà nước. Phúc lợi xã hội của nước ta còn thấp, việc miễn học phí chưa khả thi”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Ngành học nào cũng cần sự ưu tiên, nhưng sự ưu tiên ấy nên dành cho đúng người, đúng việc. Những con em gia đình khó khăn, có công với đất nước mới là những trường hợp cần được miễn học phí.
Ông Khuyến cũng cho rằng, nếu miễn học phí ngành Y sẽ tạo nên sự không công bằng với các ngành nghề khác. Bởi vẫn còn rất nhiều ngành học quan trọng không kém như công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn… đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước, nhân lực cũng thiếu trầm trọng.
Mặt khác khi thực hiện miễn học phí, nếu không có chế tài cụ thể, rất khó gắn liền quyền lợi với trách nhiệm của người học.
“Sinh viên ngành Y nếu được miễn giảm học phí phải cam kết ra trường làm đúng ngành, theo sự chỉ định và phân công Nhà nước, thậm chí sẵn sàng đến các vùng khó khăn công tác. Nếu không có sự cam kết, chỉ nên ưu tiên cho các đối tượng cần ưu tiên, không thể áp dụng tất cả”, TS Khuyến nói.
Vị này đề xuất, thay vì miễn 100% học phí, nên thay bằng chính sách cấp học bổng cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, có năng lực học tập tốt, vượt trội. Bên cạnh đó, nhà trường có thể cho sinh viên vay vốn để giảm bớt gánh nặng kinh tế, yên tâm học tập, cống hiến với nghề.
Bàn về vấn đề cam kết làm việc sau khi ra trường với sinh viên ngành Y, ThS Đường Xuân Tùng nói thêm rằng, việc hỗ trợ 100% học phí và sinh hoạt phí đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Để đảm bảo hiệu quả, chính sách này cần đi kèm với các cam kết cụ thể từ sinh viên. Điều này giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại các khu vực, đảm bảo nguồn vốn đầu tư của nhà nước, mang lại giá trị cụ thể cho xã hội.
“Việc hỗ trợ sinh viên ngành Sư phạm trước đây đạt được một số thành công, nhưng cũng gặp không ít ý kiến trái chiều về việc một số em không gắn bó lâu dài với nghề. Với ngành Y, không chỉ hỗ trợ tài chính, cần tạo điều kiện làm việc tốt hơn, cải thiện chế độ đãi ngộ sau khi ra trường để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ. Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.
Bình luận