• Zalo

Tranh cãi bài toán tính gà, chủ biên sách giáo khoa Toán lên tiếng

Giáo dụcThứ Hai, 08/09/2014 09:48:00 +07:00Google News

Trước những tranh cãi nảy lửa xung quanh bài toán tính gà", PGS.TS Đỗ Đình Hoan – Chủ biên bộ sách toán dành cho bậc tiểu học đã nêu quan điểm

Trước những tranh cãi nảy lửa xung quanh bài toán tính gà", PGS.TS Đỗ Đình Hoan – Chủ biên bộ sách toán dành cho bậc tiểu học hiện đang sử dụng trong các nhà trường đã chia sẻ quan điểm của ông.

PGS.TS Đỗ Đình Hoan nói: SGK toán tiểu học đã được thử nghiệm, biên soạn và được Hội đồng khoa học của Bộ GD-ĐT thẩm định nhiều vòng. Trong thực tế giảng dạy đông đảo giáo viên, các nhà sư phạm, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp đó.

- Với bài toán giáo viên đưa ra, ông sẽ chọn phương án nào?

Đây là bài toán trắc nghiệm có 4 lựa chọn. Loại toán này chỉ có 1 lựa chọn đúng, còn 3 lựa chọn kia là 3 lựa chọn sai.
Bài toán tính gà gây tranh cãi
Bài toán tính gà gây tranh cãi
Khi trao đổi ý kiến về SGK và đề kiểm tra cần phải căn cứ vào chương trình môn học để biết học sinh đang học gì và đến mức độ nào là thích hợp. Bài toán trắc nghiệm nêu trên phù hợp với trình độ học sinh đang học những tiết đầu tiên về phép nhân ở lớp 2.

Ở thời điểm ra đề kiểm tra này học sinh chưa học tính chất giao hoán của phép nhân. Học sinh đang làm quen dần với tính chất giao hoán bằng các ví dụ cụ thể. Vì vậy học sinh chưa hiểu 8x4=4x8. (Trong chương trình hiện hành đến lớp 4 học sinh mới chính thức học tính chất giao hoán của phép nhân).

Khi giải bài toán trắc nghiệm nêu trên học sinh đã được học quy ước về viết tên đơn vị trong bài tính của bài toán nêu trên là 8x4=32 (con gà), không viết 4x8=32 (con gà) nên trong phần đáp án chưa nên nêu cách viết này. Nếu có học sinh nào viết 4x8=32 (con gà) thì giáo viên hướng dẫn học sinh viết theo quy ước và nên chọn hình thức thích hợp để động viên học sinh học tập. Nhưng tốt nhất vẫn là không đưa đáp án này vào lựa chọn.

- 2 giảng viên đến từ khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi được hỏi về phương án này cho rằng bài toán yêu cầu học sinh phải hiểu rõ ý nghĩa trong thực tiễn chỉ có đáp án 8x4, tức là 4 chuồng gà, mỗi chuồng 8 con khác với 8 chuồng gà, mỗi chuồng 4 con. Ông có đồng ý với quan điểm này?


Quy ước về cách viết phép tính trong bài toán có lời văn ở tiểu học do nhóm tác giả tìm hiểu, cân nhắc và đã lựa chọn như đã nêu ở trên. Quy ước này làm nổi rõ ý nghĩa thực tiễn của phép tính và gần gũi với nhận thức của học sinh tiểu học. Đề xuất nêu trên của các giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là phù hợp với quy ước đã nêu.

Trái ngược quan điểm giáo viên và của ông, một chuyên gia đại số cho rằng theo thông lệ quốc tế a+a+a…(100 lần)=100a, không thể viết a100 do vậy đáp án đúng ở bài toán này phải là 4x8. Ý kiến của ông như thế nào về quan điểm này?

Trong toán tiểu học không có cách viết 100a, a100, chỉ có cách viết 100xa và ax100. Quy ước như vậy để đảm bảo tính thống nhất và tính khoa học của chương trình và SGK.

- Trước khi thay đổi sách giáo khoa hồi năm 2000 học trò vẫn được học trong bảng cửu chương ở số 8 là 1x8=8 (1 lần 8 bằng 8), 2x8=16, 3x8=24, 4x8=32. Nhưng hiện xem sách toán tiểu học hiện hành thì lại đảo ngược lại là 8x1=8, 8x2=16, 8x3=24, 8x4=32. Tại sao có sự thay đổi này thưa ông?


Trước là bảng cửu chương, nay là bảng nhân. Ở bảng nhân giữa cách viết và cách đọc thống nhất với nhau nên thuận tiện hơn cho việc tự học của học sinh.

- Quá trình thay đổi này có được những người làm sách cân nhắc kỹ lưỡng, đặt ra cái hơn thiệt không, thưa ông?

Trong quá trình viết sách chúng tôi cũng đã đánh giá chương trình, sách giáo khoa cũ, tham khảo chương trình và SGK bộ môn ở một số nước trong khu vực và trên thế giới, đã viết, tổ chức biên soạn và thử nghiệm theo một quy trình phù hợp với thực tế Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


Theo Văn Chung/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn