Tỉnh Cà Mau có một huyện mang tên Trần Văn Thời. Đây là tên một danh nhân. Tên ông cũng được đặt cho một số trường học, một số con đường ở thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và ở huyện Trần Văn Thời.
Vậy Trần Văn Thời là ai? Ông là nhà cách mạng, một trong những chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Trần Văn Thời sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân tại ấp Doi Vàm, xã Phong Lạc, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu, nay là ấp Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nhà có 10 anh em và ông được gọi là Ba Thời. Từ nhỏ, ông đã thể hiện tinh thần hiếu học, yêu nước sâu đậm.
Lớn lên, Trần Văn Thời là một thanh niên khoẻ mạnh, biết võ, sống thân ái, luôn chân thành giúp đỡ người khác mà không ngại khó khăn nên được hàng xóm láng giềng và bạn bè thương yêu, tin cậy.
Cuộc sống của Trần Văn Thời cũng giống như những nông dân khác ở miền Nam cho đến khi tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh cách mạng năm 1936. Tháng 7/1937, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động ở vùng Cà Mau, Cái Nước.
Tháng 5/1940, trong hội nghị đại biểu của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu do Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập tại khu rừng Cà Mau, Trần Văn Thời được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy và được Xứ ủy trực tiếp chỉ định vào Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Sau đó, ông và các thành viên Ban Thường vụ khẩn trương xuống các quận, các xã trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Dù gặp những thử thách lớn nhưng dưới sự lãnh đạo quyết đoán, sáng suốt của Trần Văn Thời, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Bạc Liêu năm 1940 đã được tổ chức rất tốt, giúp nhân dân Bạc Liêu càng quyết tâm, kiên định trong việc đi theo cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, Trần Văn Thời và các đồng chí đối mặt với sự truy bắt gắt gao của địch nhưng không chùn bước. Ông dẫn dắt lực lượng cách mạng vượt qua thách thức, luôn bình tĩnh và sáng suốt trong việc chuyển đổi chiến lược để bảo vệ đồng đội và tiếp tục chiến đấu.
Thời điểm này, tay sai của Pháp biết Trần Văn Thời là cán bộ lãnh đạo quan trọng của Đảng bộ địa phương nên ráo riết cho truy lùng, tìm bắt. Chúng coi đây là mục tiêu số một và cương quyết bắt cho được Trần Văn Thời, khiến ông càng gặp nhiều khó khăn, gian khổ trong hoạt động cách mạng, phải sống trong hầm, dầm mưa dầm gió, hết sức vất vả để vượt qua tai mắt của địch.
Do tình hình chưa có chuyển biến tốt nên cuối tháng 3/1941, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang quyết định tạm thời giải tán căn cứ du kích rừng U Minh để đưa lực lượng cán bộ, đảng viên và các chiến sỹ du kích trở về từng địa phương, bám sát quần chúng. Trần Văn Thời được cấp trên điều động về phụ trách tỉnh Châu Đốc với cái tên giả Nguyễn Văn Chất.
Tháng 5/1941, trong một chuyến đi công tác về cơ sở cách mạng, Trần Văn Thời cùng nhiều đồng chí bị địch bắt, đưa về thị xã Sa Đéc. Ông bị đưa đi giam giữ qua nhiều nhà tù, bị tra tấn cực kỳ dã man nhưng vẫn không khuất phục, không khai báo điều gì, ngay cả tên thật và quê quán của mình.
Sau đó, toà án thực dân Pháp tuyên án ông 10 năm cấm cố, 15 năm lưu đày biệt xứ và đày ra Côn Đảo. Ngày 5/5/1942, nhà cách mạng Trần Văn Thời trút hơi thở cuối cùng tại đây.
Để ghi nhớ công lao của chiến sỹ cộng sản kiên cường này, năm 1948, tên ông được đặt cho một quận mới ở U Minh là quận Trần Văn Thời, nay là huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Bình luận