• Zalo

Ông Lãnh là ai?

Chuyện bốn phương Thứ Tư, 01/11/2023 14:04:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cầu Ông Lãnh là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM; ông Lãnh là ai và có công trạng gì là điều rất nhiều người muốn biết.

Cây cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4.  Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất thành phố từng nằm bên rạch Bến Nghé, gần chân cầu. Chợ này tồn tại hơn một thế kỷ và bị giải tỏa, di dời cách đây 20 năm để cải tạo rạch Bến Nghé và xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt.

Cây cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. (Ảnh: Flickr)

Cây cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. (Ảnh: Flickr)

Ông Lãnh là ai?

Có ý kiến cho rằng cầu Ông Lãnh có tên này vì nằm gần nhà ông lãnh sự Nguyễn Thành Ý.

Giả thuyết của học giả Trương Vĩnh Ký được nhiều người đánh giá là thuyết phục hơn: “Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng, chớ không phải ai khác”.

Lãnh binh Thăng là Nguyễn Ngọc Thăng, võ tướng nhà Nguyễn, thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Bến Tre và Nam Kỳ.

Ông sinh năm 1798 tại nơi mà ngày nay là xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre, xuất thân trong một gia đình nông dân khá giả, từ nhỏ đã ham học, thông minh và có thiên hướng võ nghệ. Lớn lên, ông đăng lính và được thăng chức lãnh binh vào năm 1848 dưới thời vua Tự Đức.

Năm 1862, sau khi ký hòa ước nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp, vua Tự Đức xuống chiếu bãi binh, nhưng Quản cơ Gò Công là Trương Định không chịu rút quân, nhượng đất mà tiếp tục chồng Pháp. Lãnh binh Thăng cũng hợp quân về đây chiến đấu dưới quyền Trương Định.

Hai năm sau, Trương Định mất, Lãnh binh Thăng vẫn cùng với nghĩa quân vẫn quyết tâm kháng Pháp.

Ngày 27/6/1866, khi đang chỉ huy nghĩa quân đánh giặc ở hữu ngạn sông Soài Rạp, ông bị trúng đạn, qua đời. Lợi dụng đêm tối, các thuộc hạ trung thành dùng ghe đưa thi hài về an táng ở quê nhà.

Người ta cho rằng, cầu Ông Lãnh được Lãnh binh Thăng cho xây dựng khi đang đóng quân ở đồn Cây Mai-Thủ Thiêm. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929 thì người Pháp cho xây lại bằng xi măng.

Giả thuyết về 5 bà vợ của ông Lãnh

Người Sài Gòn không ai không biết các chợ Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom. Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng, 5 người phụ nữ được lấy tên đặt cho các chợ này chính là 5 người vợ của ông Lãnh binh Thăng. Theo đó, ông đã lập 5 chợ ở các khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà vợ cai quản một chợ. Đây vừa là cách phát triển kinh tế vừa để các bà vợ tránh đụng mặt nhau, cũng không gây chuyện vì bận cai quản việc làm ăn.

Tuy nhiên, học giả Vương Hồng Sển trong cuốn "Sài Gòn năm xưa", cho rằng nên thận trọng khi cho rằng bà Chiểu, bà Điểm, bà Hom, bà Hạt, bà Quẹo là vợ ông Lãnh.  Các bà Hạt, Điểm, Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này nên được lấy tên đặt cho chợ (tương tự chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình lấy tên người hiến đất lập chợ và là người đầu tiên buôn bán ở đây).

Có ý kiến cho rằng Bà Hom là cách đọc chệch của “Bàu Hom” (bàu ngâm hom tre), Bà Quẹo được đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc quẹo rất rõ.

Nguyệt Ánh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn