• Zalo

TP.HCM đối mặt với 'đường hầm' hậu COVID-19?

Tin tứcChủ Nhật, 16/01/2022 08:00:00 +07:00Google News

Đó là ví von của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng trước mối lo ngại hậu nhiễm, ông cho rằng, TP cần chủ động ứng phó và tránh đi vào đường hầm hậu COVID.

40 ngày qua, có 1.021 người đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) khám bệnh vì hậu COVID-19. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

Hậu COVID-19 không ngoại trừ ai

40 ngày qua, có 1.021 người đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) khám bệnh vì hậu COVID-19. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

Trong đó, 510 bệnh nhân gặp vấn đề vì hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp, có 1.050 bệnh nhân đến vì lý do tương tự. Trong đó, 341 ca phải điều trị nội trú. Đáng chú ý, 41% người bệnh ở độ tuổi 30-50, không bệnh nền nhưng vẫn gặp các vấn đề hậu COVID-19.

“Đa số tổn thương hậu nhiễm là vấn đề về hô hấp cấp, hô hấp mạn tính, tim mạch, một số bệnh lý có thể gây xuất huyết não. Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ”, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc bệnh viện cho hay.

TP.HCM đối mặt với 'đường hầm' hậu COVID-19? - 1

Một bệnh nhân hậu COVID-19 đang tập hô hấp và tập cơ. 

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tại Việt Nam, gần 2% dân số mắc COVID-19 nhưng chưa có ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trên cộng đồng.

Ông nhấn mạnh, riêng ở TP.HCM, hơn 300 ngàn người nhiễm COVID-19 đã xuất viện (từ trung bình, nặng, nguy kịch). Do đó, nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu nhiễm là rất lớn.  “Đây là vấn đề cực nóng”, ông Dũng chia sẻ.

Hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng hay lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc bệnh nhẹ. Thậm chí có trường hợp F0 không nhập viện cũng gặp triệu chứng dai dẳng.

Trong khi đó, trẻ nhỏ đối mặt với hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Đây là hội chứng chỉ gặp ở trẻ em sau nhiễm COVID-19 với phản ứng viêm rất mạnh trong cơ thể.  Mới đây, một cháu bé trụy tim vì hội chứng MIS-C hậu COVID-19 vừa được Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cứu sống.

Cần quan tâm khả năng hòa nhập của người hậu nhiễm

Bà T.T.C.V (quận 4, TP.HCM) không thể kiềm chế cảm xúc mỗi khi nhớ về người chồng đã mất của mình. Cả gia đình bà mắc COVID-19 vào tháng 8/2021. Khi đó, cả xóm gần như đều mắc bệnh. Gia đình bà tự cách ly, nhưng người chồng không chịu ăn uống, lo lắng nhiều.

“Khi ông ấy hết bệnh, bạn bè xung quanh mất nhiều quá nên ám ảnh, đau buồn, tinh thần suy sụp. Một thời gian, ông cũng mất. Tôi dù may mắn khỏi COVID-19 nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày tháng đó vẫn còn run sợ, ám ảnh vô cùng”, bà V. chia sẻ.

Bà hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 vì những mệt mỏi, ám ảnh hậu nhiễm.

TP.HCM đối mặt với 'đường hầm' hậu COVID-19? - 2

Hàng chục ngàn người TP.HCM đã mất người thân trong đại dịch.

Thạc sĩ Trần Quang Trọng, Chuyên viên tâm lý, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, COVID-19 để lại quá nhiều đau thương, đặc biệt với những ai mất người thân trong đại dịch. 

“Nỗi đau đó quá lớn, họ không chia sẻ được, tích lũy mỗi ngày và biểu hiện thành bệnh lý. Chúng tôi gặp nhiều người, khi đi cách ly với cả gia đình, nhưng ngày về chỉ còn một mình. Do đó, phải chia sẻ, gợi mở để họ trải lòng. Việc trị liệu chỉ hiệu quả khi chính người bệnh muốn đối diện và vượt qua khó khăn này”.

Những hội chứng hậu nhiễm, những sang chấn tâm lý khiến hàng ngàn người dân TP.HCM đối mặt với chất lượng cuộc sống giảm sút. Năng suất và khả năng làm việc đều kém hơn. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thái độ của lãnh đạo với nhân viên từng nhiễm COVID-19 sẽ giúp người bệnh hòa nhập lại công việc. Bên cạnh đó, ông cảnh báo về sự phân biệt đối xử với người hậu nhiễm.

“Cần tạo điều kiện cho người khỏi bệnh hòa nhập lại môi trường công việc. Nếu không hội nhập, đó có thể là nguy cơ giết chết người hậu COVID-19”, Phó giám đốc Sở Y tế TP chia sẻ.

Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức cho hay, tâm lý kỳ thị F0 khiến cho người đã khỏi COVID-19 vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc và giao tiếp. Không chỉ với người lớn, trẻ em cũng đang bị ảnh hưởng bởi cách dạy của cha mẹ.

“Nếu phụ huynh cứ dạy trẻ bạn nào mắc bệnh thì tránh xa, vậy nếu chính con mình cũng mắc COVID-19 thì ai sẽ chơi với con? Đến một lúc nào đó, trẻ nhỏ ở TP đều mắc bệnh thì con sẽ chơi với ai? Chúng ta phải dạy con điều đúng, ví dụ đeo khẩu trang và rửa tay khi vui chơi cũng như ở trường”, thạc sĩ Hoài Yến chia sẻ.

TP.HCM đối mặt với 'đường hầm' hậu COVID-19? - 3

"Cần phải đứng ngoài sáng để tránh đường hầm hậu COVID-19 trong năm 2022", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM tâm tư.

Trước tình hình trên, TP.HCM hiện đã lên kế hoạch tiếp cận sớm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.Tương ứng với phân tuyến điều trị và nhóm bệnh nhân từ nhẹ đến nặng.

"Vấn đề sức khỏe cộng đồng hậu Covid đang là ưu tiên mang tính toàn cầu, cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế TP.HCM năm 2022", Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng cho biết. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn