Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cuộc sống hàng ngày, nhất là thời điểm dịch bệnh, ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần. Điển hình như việc không được ra ngoài do giãn cách, làm online quá dài, trẻ ít vận động hơn so với bình thường… Tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trong đó hai bệnh lý thường gặp nhất đó là rối loạn lo âu, trầm cảm.
Lúc này, vấn đề quan trọng mà nhiều người cần chú ý là phân biệt lo lắng, căng thẳng bình thường với những lo lắng, cẳng thẳng bệnh lý. Theo đó, lo lắng thông thường chỉ xuất hiện nhất thời và mất đi rất nhanh sau đó, có thể là vài giờ, một đến hai ngày. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến 2 tuần, đi kèm là ảnh hưởng đến giấc ngủ, tính khí, làm bản thân luôn ức chế, không thể tiếp tục công việc thì đó là bệnh lý.
Để cân bằng trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng, lo âu nói chung và trong giai đoạn dịch bệnh nói riêng, mọi người cần tránh hai thái cực tâm trạng. Quá bận tâm hoặc quá lơ là với sức khỏe. Với công việc cũng vậy, tránh để bản thân quá bận rộn hay quá nhàn rỗi.
Ngoài hai vấn đề trên, khi gặp lo lắng, căng thẳng, mọi người hãy tập thở sâu, hít sâu (thở bụng), bởi biệc tập trung vào hơi thở sẽ giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, mọi người cũng có thể thư giãn bằng cách xem bộ phim yêu thích, tập thiền, yoga…
“Trong cuộc sống, kể cả khi gặp sang chấn, mọi người cố gắng luôn giữ tinh thần lạc quan, nhìn vấn đề theo hướng tích cực. Tinh thần vững vàng đồng nghĩa sức khỏe tâm thần tốt.
Để giữ được tinh thần, thái độ lạc quan, chúng ta nên có thái độ nghiêm túc với bản thân, độ lượng với người khác, yêu công việc mình làm, yêu điểm tốt của người khác, tăng phút vui cười, giảm phút buồn bực, luôn lạc quan, yêu đời, yêu lao động, giúp đỡ mọi người”, BS Thu nói.
Còn theo BS Đỗ Văn Thắng, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, trong bệnh lý tâm thần nói chung (không riêng gì ảnh hưởng sau COVID-19) thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Họ rất cần sự quan tâm hơn nữa của người thân.
Khi nhận thấy người thân thay đổi về tâm sinh lý như triệu chứng về tâm thần bao gồm mệt mỏi, đau đầu, trầm cảm, chán ăn, mất năng lượng, giảm thích thú, giảm trí nhớ, giảm tập trung chú ý, lo âu kéo dài, loạn thần, hoang tưởng, ảo giác…người nhà nên đưa họ tới tư vấn bác sĩ.
Người nhà có thể gọi điện qua điện thoại nhờ tư vấn tâm lý. Lúc này, những người trình độ, chuyên môn sẽ hướng dẫn, tư vấn để giúp gia đình có thái độ ứng xử phù hợp với người bệnh, có thể sử dụng cả biện pháp tâm lý giúp người bệnh thay đổi tâm lý, hành vi, thói quen của mình.
“Người nhà không nên tự tìm hiểu trên mạng về những bệnh lý về tâm thần và cách xử lý bởi sẽ sinh ra xử lý sai về tình huống. Những biểu hiện rối loạn ban đầu nếu không được xử lý đúng, kịp thời sẽ có chiều hướng nặng lên, sau đó trở thành bệnh. Ví dụ ngay từ đầu phát hiện thấy người nhà biểu hiện mất ngủ, lo lắng thì xử lý ngay bằng việc hướng họ tới những bài tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, tập thiền và đặc biệt không được tạo áp lực cho họ. Ngoài ra có thể giúp họ ngủ đúng giờ bằng việc tạo thói quen tốt như ngâm chân nước ấm, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi lên giường hay uống một cốc sữa nóng trước khi ngủ”, BS Thắng nói.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Hà Nội) nêu, những người hay nghĩ nhiều đến quá khứ và tương lai đều dễ gặp vấn đề hơn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Theo đó, những người hay nghĩ nhiều đến quá khứ thường dễ bị trầm cảm, còn người nghi quá nhiều đến tương lai hay dễ bị rối loạn lo âu. Đây gọi chung là chứng “khủng hoảng tâm lý do thảm họa”.
Lúc này người bệnh cần nhất sự gần gũi của người thân, gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng và địa phương để giúp họ vơi bớt lo lắng.
“Gia đình, cộng đồng nên giúp họ bằng các hoạt động mà thường ngày họ thích để có nền tảng trị liệu cho họ, như tập thở, đi dạo, nghe nhạc, dọn nhà...”, BS Vân nhấn mạnh.
Cũng theo BS Thắng, trong giai đoạn dịch COVID-19 như hiện nay, người dân, đặc biệt là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad. Nếu tiếp xúc chỉ nên chọn lựa thông tin chính thống, được đăng bởi các cơ quan báo chí, truyền thông có uy tín, tránh xa những thông tin sai lệch, thông tin tiêu cực về dịch bệnh để có tâm lý ổn định hơn.
Bình luận