Cuộc gặp mặt của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày diễn ra giữa ngày đông Hà Nội nhưng rất ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Ký ức của họ về những cuộc đấu tranh ở "địa ngục trần gian" Phú Quốc đã giúp mọi người thấy rõ hơn bản lĩnh kiên trung, mưu trí của tập thể tù binh cộng sản, đặc biệt là vai trò của tổ chức Ðảng trong việc rèn giũa, hun đúc nên chí khí cách mạng kiên cường, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Cuộc gặp mặt của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt |
Cuộc đấu tranh đòi bầu đại diện và trưởng phòng ở phân khu (PK) A2, Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam ở Phú Quốc hồi đầu năm 1968 cùng nhiều kỷ niệm được mọi người ôn lại.
... Vì khống chế được trưởng phòng và đại diện PK, cho nên trung sĩ Tài, giám thị PK, ra sức ăn chặn lương thực, thực phẩm và đánh đập người tù rất dã man, khiến tù binh căm uất. Nhiều ý kiến đề xuất giết hắn, có người xung phong lấy mạng đổi mạng. Qua nghiên cứu, cân nhắc, tổ chức Ðảng bí mật vạch phương án, quyết định tổ chức đấu tranh hạ uy thế tên này và đòi bầu đại diện, trưởng phòng. Một hôm, lựa lúc chúng điểm danh tù binh ngoài sân, Ðảng ủy PK lãnh đạo tù binh tập trung hơn 100 người trong phòng giam người bệnh (chúng quy định phòng giam này là 50 người). Thấy thế, tên Tài xách gậy xộc vào đánh anh em.
Chỉ đợi thế, một tù binh ngoài sân đứng dậy, hô to: Ðả đảo đàn áp tù binh. Anh em trong phòng bệnh quây lấy hắn. Tù binh ngoài sân vây quanh phòng bệnh, đằng đằng sát khí khiến hắn hốt hoảng nhảy vội lên lớp rào để thoát ra. Ðịch nổ súng làm ba tù binh bị thương. Chúng dùng loa gọi đại diện và trưởng phòng giam tới phòng giám thị, nhưng anh em cử anh Phú ra.
Giáp mặt chỉ huy trại giam, anh Phú dõng dạc tố cáo những hành động tàn ác của giám thị. Nghe ra, tên chỉ huy trưởng quay phắt lại, tát liên tiếp vào mặt tên giám thị, đoạn gằn giọng: "Ðã nghe họ sỉ nhục chưa?". Chúng quyết định không để tên này làm giám thị PK A2, chấp thuận để người tù bầu đại diện và trưởng phòng.
Trại giam tù binh Phú Quốc gồm 12 khu giam, với nhiều PK biệt lập và phòng giam. Hầu hết tù binh từng bị giam giữ, bị đánh đập tra tấn ở nhiều trại giam (trong các trại giam đều có tổ chức Ðảng bí mật), vì thế, ra Phú Quốc, họ tìm cách liên lạc với nhau, thành lập tổ chức Ðảng bí mật.
Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày Nguyễn Văn Chiển kể: Thấy tù binh sống nền nếp, đùm bọc nhau, địch quả quyết phải có tổ chức Ðảng lãnh đạo, cho nên chúng thường xuyên đàn áp, xáo trộn tù binh, trà trộn tay sai ở các PK, phòng giam. Nhưng chính hoàn cảnh ấy là dịp để các chi ủy chớp nhoáng trao đổi kinh nghiệm, tạo sự thống nhất toàn PK.
Các tổ chức Ðảng dồn sức xây dựng tập thể người tù đoàn kết, đùm bọc, động viên nhau vượt qua bi quan, đau đớn, gian khổ, không bị kẻ thù khuất phục, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc cách mạng.
Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày Ðinh Duy Ðiệp cho biết: Tuy không có mối liên hệ về tổ chức với bên ngoài nhưng mọi chủ trương, nghị quyết của Ðảng, tình hình địch, ta ở chiến trường, dư luận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, những nhận định, đánh giá âm mưu của địch và phong trào đấu tranh ở các PK trong trại giam... vẫn được các tổ chức Ðảng bí mật bổ sung, qua khai thác tù binh mới, do Ban đại diện khai thác bọn giám thị và lính canh, từ các mẩu báo của địch,... và nhanh chóng được tù binh chuyển tải trong sinh hoạt đồng hương, đồng ngũ.
Chi bộ và Ðảng bộ không sinh hoạt chung như tổ Ðảng mà chỉ họp chi ủy và Ðảng ủy. Các hoạt động chủ yếu của tổ chức Ðảng là giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước, rèn luyện, đề cao tinh thần chiến đấu của đảng viên, đoàn viên và những người trung kiên sẵn sàng đấu tranh, đối phó sắc bén trước mọi âm mưu, thủ đoạn của địch; phát triển các tổ chức quần chúng, nâng cao trình độ mọi mặt cho tù binh theo phương châm ai biết gì dạy nấy; lãnh đạo, tổ chức vượt ngục.
Ngục tù là bóng tối khủng khiếp nhất, nhưng trong bóng tối khủng khiếp ấy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn hướng về ánh sáng của Ðảng và đã tỏa ra ánh sáng làm bừng tỉnh ngục tù. Trong các cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt và không cân sức ấy, các tổ chức Ðảng đã giữ cho Ðảng, cho cách mạng một lực lượng chiến sĩ vừa kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, vừa trung thành tuyệt đối với Ðảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Nhiều người được công nhận hoặc vinh dự được kết nạp Ðảng ngay trong ngục tù.
|
"Ôn cố, tri tân", cũng như nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, đồng chí Ðinh Duy Ðiệp cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng chỉ ra, là do chúng ta chưa thật sự chú trọng việc sinh hoạt chi bộ, chưa coi trọng việc đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên, phát triển đảng viên.
Trong sinh hoạt, nhiều chi bộ chưa tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ rõ những mặt được, chưa được, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với từng đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, có lúc, có nơi chưa nghiêm túc. Khi phân công đảng viên phụ trách công việc cụ thể thiếu sự trao đổi, thống nhất trong chi ủy dẫn đến không nắm được tiến độ, hiệu quả công việc của từng người, làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng.
Ðể góp phần đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất thiết phải giữ vững nền nếp sinh hoạt Ðảng, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để cấp ủy, tổ chức đảng nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên.
Từ đó có biện pháp phát huy ưu điểm, biểu dương những đảng viên tiền phong gương mẫu, kịp thời uốn nắn, ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, giúp đỡ những đảng viên mắc khuyết điểm sửa chữa, chỉnh đốn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo HOÀNG LÂM /Nhân dân
Bình luận