Reuters dẫn lời các chuyên gia hàng không đánh giá, việc 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay JAL516 rời khỏi máy bay một cách an toàn khi nó đang bốc cháy dữ dội là điều thần kỳ. Toàn bộ quá trình sơ tán được thực hiện chỉ trong chưa đầy 20 phút sau khi máy bay hạ cánh dù lửa đã bùng lên trước đó.
Trước đó, vụ va chạm với máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản khiến chiếc máy bay A350 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) hỏng một động cơ và ngọn lửa bắt đầu lớn dần khi JAL516 đang hạ cánh xuống sân bay Haneda, Tokyo vào tối 2/1.
Chiếc Airbus A350 đã bốc cháy thành một quả cầu lửa ngay sau khi việc sơ tán kết thúc.
Trật tự rời khỏi máy bay đang cháy
Theo các nhân chứng trên chuyến bay JAL516, khi ngọn lửa bắt đầu bao trùm máy bay khói bắt đầu tràn vào khoang hành khách, mọi người bắt đầu di chuyển về các lối thoát hiểm theo hướng dẫn của tiếp viên. Một số hành khách cố gắng đưa trẻ em đến nơi thoát hiểm trong tiếng la hét.
Tuy nhiên trong tình trạng hỗn loạn như vậy, phi hành đoàn JAL516 vẫn hành động một cách chuyên nghiệp khi hướng dẫn hành khách hợp tác để việc sơ tán diễn ra thuận lợi.
Ông Satoshi Yamake, 59 tuổi, đang trở về Tokyo sau chuyến thăm họ hàng ở Sapporo cho biết, ông ngồi gần cửa thoát hiểm đầu tiên nhiều hành khách lo lắng khi máy bay vừa hạ cánh và khói tràn vào trong khoang. Phi hành đoàn sau khi trấn an mọi người đã nhanh chóng mở cầu trượt từ các cửa thoát hiểm để sơ tán và tất cả đều di chuyển một cách trật tự.
Theo hãng hàng không Japan Airlines, việc sơ tán bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi máy bay dừng lại và tất cả hành khách đã được đưa đến nơi an toàn trong vòng chưa đầy 20 phút.
Đoạn video từ hiện trường cho thấy hành khách được sơ tán một cách bình tĩnh, trật tự và điều quan trọng là không mang theo hành lý xách tay theo đúng hướng dẫn an toàn từ phi hành đoàn.
Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không của công ty tư vấn hàng không Ascend có trụ sở tại Anh, cho biết: "Phi hành đoàn chắc chắn đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Gần như không có hành khách nào mang theo hành lý xách tay. Thật là kỳ diệu khi tất cả hành khách đều thoát ra ngoài an toàn".
Vụ cháy máy bay Airbus A350 ngày 2/1 không phải là trường hợp đầu tiên tính kỷ luật của người dân Nhật Bản được thể hiện trong thảm họa hay nghịch cảnh. Ngay trước đó một ngày Nhật Bản hứng chịu trận động đất 7,6 độ tàn phá một vùng rộng lớn ở miền trung nước này.
AP dẫn thông tin từ các nhà chức trách Nhật Bản cho biết số người chết trong thảm họa hiện ở mức 55 người và vẫn còn nạn nhân mất tích hoặc mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ngoài ra, có 17 người bị thương nặng.
Mặc dù con số thực về thương vong có thể tăng hơn nữa nhưng những cảnh báo kịp thời, nhanh chóng của nhà chức trách thông qua điện thoại, phát thanh truyền hình cùng với phản ứng nhanh nhạy của người dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Những nỗ lực cứu hộ khẩn trương sau đó của lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và lực lượng phòng vệ là minh chứng cho thấy Nhật Bản đã nhiều lần ứng phó với những thảm họa thiên tai vốn gần như là một phần của cuộc sống hàng ngày tại nước này.
"Người dân Ishikawa đã chuẩn bị sẵn sàng vì khu vực này phải hứng chịu nhiều trận động đất trong những năm gần đây. Họ đã chuẩn bị trước kế hoạch sơ tán và dự trữ nguồn cung khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm hoạ", Giáo sư Toshitaka Katada, chuyên về thảm họa tại Đại học Tokyo nhận định.
"Có lẽ không dân tộc nào trên trái đất ngoài người Nhật có mức độ sẵn sàng ứng phó với thảm họa như vậy", Giáo sư Katada nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo tình hình vẫn còn phức tạp và khó lường nên cần tiếp tục tâm lý ấy bởi "chúng ta đang đối phó với thiên nhiên".
Nhật Bản vốn được biết đến là đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai động đất, sóng thần. Hàng năm, trung bình ở đây xảy ra hơn 2.000 trận động đất lớn nhỏ. Vì thế, người dân Nhật Bản luôn cảnh giác cao độ trước thiên tai và có những kiến thức, chuẩn bị trước những tình huống bất ngờ.
Điều gì tạo nên tính kỷ luật của người Nhật?
Trong những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc động đất, nhiều người dân vẫn giữ được bình tĩnh để thực hiện đúng cách bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh, không ai hốt hoảng chạy hoảng loạn, ngay cả khi không thể tránh được cảm giác sợ hãi trước thời khắc bất ngờ. Những hình ảnh này đã phần nào cho thấy tính kỷ luật cao của người Nhật mà cả thế giới vẫn luôn khâm phục. Sau hàng trăm năm, người Nhật đã học được cách chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách khắc phục tốt nhất có thể.
Trước đó, ví dụ như trong trận động đất 6,1 độ ngày 18/6/2018 tại Osaka, bức ảnh người Nhật xếp hàng ngay ngắn di chuyển thay vì chạy loạn vô kỉ luật đã viral trên Internet. Do động đất nên tàu không thể chạy và mọi người phải xuống đi bộ trên đường tàu để đến nơi làm việc hoặc đi học ngay vào ngày đầu tuần. Đường sắt đã phải bất đắc dĩ biến thành đường bộ, nhưng không vì thế mà người dân chạy tán loạn để thoát thân. Thay vào đó, họ bình tĩnh xếp hàng lần lượt di chuyển theo sự hướng dẫn của nhân viên đường sắt.
Vì mọi người đều nghe theo hướng dẫn của các nhân viên an ninh và nhờ vậy đoàn người mới có thể di chuyển nhanh chóng hơn, tuyệt đối không có tình trạng chen lấn xô đẩy. Thái độ tôn trọng kỷ luật chung này cũng giúp tất cả cùng bình tĩnh hơn, dù rõ ràng là đang trong tình huống nguy hiểm. Đây chắc chắn là hình ảnh rất khó để tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Khi trận động đất - sóng thần Tohoku lịch sử ngày 11/3/2011 diễn ra, cả thế giới đều hướng về Nhật Bản. Thảm họa kép này đã cướp đi 15.899 sinh mạng, khiến 2.572 người mất tích và hơn 6.000 người bị thương. Thế nhưng giữa bi kịch kinh hoàng như vậy, người Nhật không chỉ khiến thế giới cảm thương, mà còn làm thế giới cảm phục.
Bức hình người dân bị ảnh hưởng thiên tai xếp hàng trật tự chờ nhận thực phẩm cứu trợ ở thành phố Yamada, Nhật Bản hôm 31/3/2011 đã khiến mọi người phải kinh ngạc. Tất cả mọi người đều vô cùng trật tự đứng xếp hàng và yên lặng đợi đến lượt mình. Ngay cả người già và trẻ nhỏ cũng không nhận sự ưu tiên nào vì tất cả đều tuân thủ nguyên tắc chung bình đẳng.
Tính kỉ luật số 1 của người Nhật xứng đáng nhận được sự khâm phục. Để có được thái độ bình tĩnh, kỷ luật, khả năng tôn trọng lợi ích tập thể trước lợi ích cá nhân, đặc biệt là ý thức văn hóa trong mọi hoàn cảnh không phải chuyện đơn giản. Dù đây rõ ràng là những phẩm chất được tất cả mọi người ca ngợi không phải quốc gia nào cũng có thể làm được.
Người Nhật có được “quốc tính” như vậy là do nhiều nguyên nhân: truyền thống lịch sử lâu đời, hoàn cảnh liên tục bắt buộc phải đối mặt với nghịch cảnh và nền giáo dục tập trung vào nguyên tắc, quy củ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Vậy nên họ mới có thể cùng nhau bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề, dù đó có là vấn đề lớn thế nào. Chúng ta có thể thấy người Nhật coi trọng kỷ luật đến mức nào từ những chi tiết nhỏ nhất.
Ví dụ, tại các trường học Nhật Bản hầu như không có nhân viên lao công. Học sinh từ bậc mẫu giáo đã được yêu cầu phải ở lại sau giờ học và dành thời gian mỗi ngày để lau dọn lớp học và nhà vệ sinh. Vậy nên ngay từ nhỏ, người Nhật đã biết mình phải có trách nhiệm với chính mình và tập thể, cộng đồng.
Đức tính tốt đẹp này không chỉ được thể hiện và phát huy tác dụng trong những tình huống thiên tai nói chung. Ngay cả trong đời sống thường ngày và công việc, đó cũng là một lý do khiến Nhật Bản trở thành quốc gia hùng mạnh nhất châu Á về mọi mặt.
Người Nhật kiên trì, chịu đựng và kỷ luật. Với họ, kỷ luật là gốc rễ nuôi dưỡng mọi thứ. Kỷ luật giúp phát triển tài năng và thậm chí ở Nhật Bản, còn được đánh giá cao và có giá trị hơn cả trí thông minh.
Bình luận