Sau khi thu thập được nhiều bằng chứng, Bộ Tư lệnh TP HCM đang cùng các đơn vị liên quan nỗ lực tìm kiếm mộ tập thể của hàng trăm chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân năm 1968.
Sự việc bắt nguồn từ thông tin do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cung cấp.
Ông Thắng cho biết, sau khi mộ tập thể khoảng 150 chiến sĩ tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy ngày 13/4 (cũng từ tài liệu của ông và cộng sự), nhóm ông vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch Mậu Thân 1968.
"Các ông ấy không ngờ cuộc chiến tranh kết thúc đã gần 50 năm nhưng vẫn còn rất nhiều hài cốt chưa được tìm thấy. Khi về nước, họ nói sẽ tìm hiểu tất cả thông tin rồi cung cấp thêm cho chúng tôi", ông Thắng kể.
Trong quá trình tìm kiếm thông tin về mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, ông Thắng thấy một số hình ảnh liên quan đến mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, vì cùng thời điểm năm 1968.
Manh mối đầu tiên là bức ảnh trắng đen có tấm bảng ghi nơi chôn cất quân giải phóng trong trận đánh đêm mùng 1Tết Mậu Thân với nội dung kèm theo: "Ngôi mộ có 157 thi thể bộ đội Việt Nam, vị trí nằm ở khu vực đầu phía Tây khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giữa 2 đường taxiway (đường lăn). Phía Mỹ sử dụng máy ủi đào một đường hào rộng sau để chôn cất các thi thể, sau đó phủ đất lên".
Ông Thắng cùng các cộng sự cũng tìm thấy trên Internet một bức ảnh có nội dung tương tự nhưng có điểm khác nhau là "ngày 2 Tết Mậu Thân". Từ đó, nhóm ông nghi ngờ trong sân bay Tân Sơn Nhất có 2 khu mộ tập thể của bộ đội.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng phân tích, năm 1995 cơ quan chức năng đã quy tập ngôi mộ của 181 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đây có khả năng là ngôi mộ 157 liệt sĩ mà tấm ảnh đen trắng đề cập.
Nhưng số liệu phía Mỹ thể hiện có đến hơn 600 liệt sĩ được chôn trong sân bay Tân Sơn Nhất, nên khả năng còn mộ tập thể khác chưa được tìm thấy và nó là khu vực thuộc tấm ảnh thứ 2.
"Trong máy tôi có cả trăm nghìn bức ảnh. Hai tấm có biển mộ tập thể ở Tân Sơn Nhất được tôi sưu tầm và lưu vào máy tính từ nhiều năm trước. Lúc đó tôi nghĩ chúng là cùng một khu vực. Nếu như coi 2 tấm cùng lúc, lật qua lật lại không để ý đâu", ông Thắng nói.
Cựu binh Mỹ - ông Martin - sau đó cung cấp một số tấm ảnh vệ tinh sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm 1/2/1968, 14/2/1968 và nhiều bức vẽ, sơ đồ sân bay có đánh dấu hố chôn tập thể 157 chiến sĩ hy sinh ngày 31/1.
Trong đó, có bức không ảnh đầu phía Tây sân bay do Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi cất cánh trên đường băng 07L-25R (được cho là ngay sau trận Mậu Thân). Trong ảnh thấy rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4-5h. Phía trên bên phải là đường Quốc lộ 1 - nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay.
Từ các thông tin có được, ông Thắng đã tổng hợp và gửi cơ quan chức năng xem xét tổ chức tìm kiếm mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong lần đi khảo sát tiền trạm cùng phía quân đội, thấy việc thi công các công trình trong sân bay có thể ảnh hưởng đến khu vực nghi ngờ có hài cốt liệt sĩ, ông Thắng kiến nghị ngừng việc thi công.
Từ thông tin của ông Thắng, hôm 6/7 Bộ Tư lệnh TP HCM cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức hội thảo Khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất vào Tết Mậu Thân năm 1968.
Hội thảo đã xác định trận đánh, số liệu thương vong cụ thể từ thông tin phía Mỹ cung cấp. Các nhân chứng (cả phía quân giải phóng và Việt Nam Cộng Hòa) đều kết luận, có cơ sở cho thấy còn mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
"Việc cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm chứ không vì bất cứ mưu lợi gì. Cậu ruột tôi cũng là liệt sĩ, hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Với tôi, tìm được bất cứ liệt sĩ nào, cũng giống như tìm được người thân của mình vậy", ông Thắng chia sẻ.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận