• Zalo

Tiếng reo vui mỗi buổi sớm mai…

Đời sốngThứ Năm, 11/02/2021 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ với VTC News quan điểm về hạnh phúc thông qua bài viết "Tiếng reo vui mỗi buổi sớm mai…"

Xin mượn ý thơ của nhà thơ Konstantin Vanshenkin (Liên Xô trước đây) để đặt tựa đề cho bài viết này. Khi thức dậy đều nghe tiếng “reo vui mỗi buổi sớm mai”, mỗi chúng ta sẽ thấy thực sự hạnh phúc bởi tinh thần thoải mái, lạc quan, bởi cuộc đời dẫu còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng thật tươi đẹp, đáng sống.

Trong tiếng reo vui mỗi buổi sớm mai

Ta hạnh phúc vì đời không bình lặng

Ta giữ trong tim một tình yêu trong trắng

Cuộc sống ơi, người biết rõ nghĩa điều này.

Khổ thơ "hồn cốt" trong “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”, một trong những bài thơ tôi yêu thích nhất bởi nó toát lên sự tươi sáng, niềm lạc quan, hạnh phúc, tình yêu tha thiết cuộc sống. Konstantin Vanshenkin viết bài thơ vào năm 1956, khi Liên Xô vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Đất nước còn ngổn ngang, thiếu thốn trăm bề, nhưng mỗi người dân Liên Xô đều mang trong mình lý tưởng, khát vọng lớn lao, hừng hực khí thế xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cuộc sống tươi đẹp, những chính sách nhân văn tạo dựng niềm tin sâu sắc rằng nhân dân sẽ được hưởng những thành quả to lớn mà họ đang đổ mồ hôi, trí tuệ, tâm huyết để xây dựng đất nước.

Ở đây, hạnh phúc đâu chỉ là tiền bạc, sự sung túc, giàu có mà quan trọng hơn là môi trường xã hội lành mạnh, tươi vui, nhân văn, được đặt trên nền tảng của văn hoá, đạo đức, nơi con người được thể hiện khát vọng cống hiến cho đất nước giàu mạnh, cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tiếng reo vui mỗi buổi sớm mai… - 1

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Ý nghĩa của hạnh phúc phụ thuộc vào góc nhìn văn hoá, địa lý, tôn giáo… Tuy nhiên, điểm chung là con người tự cổ chí kim đều khát khao vươn tới hạnh phúc và khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Cho đến nay, các nước Bắc Âu đã coi hạnh phúc là một trong những chỉ số quan trọng nhất trong chỉ số phát triển của mình.

Ngay từ năm 1972, khi đất nước còn rất nghèo, Vua Bhutan Đệ tứ Jigme Singye Wangchuck đưa ra khái niệm độc nhất vô nhị “Tổng sản lượng Hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness) thay cho GDP. Chỉ số hạnh phúc bao gồm 9 tiêu chí: Tâm lý lành mạnh, Sức khoẻ, Giáo dục, Thời gian làm việc, Đa dạng văn hoá, Quản trị tốt, Sức sống cộng đồng, Đa dạng sinh thái, Mức sống. Đáng chú ý, mức thu nhập được đặt ở vị trí cuối cùng của chỉ số hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, Người - lúc đó là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã ban hành sắc lệnh yêu cầu mọi văn bản phải ghi quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Trả lời một nhà báo nước ngoài ngày 16/7/1947, Người nói: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc ngày 11/6/1948, Người nói đến việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra”. Trong lời kêu gọi này, “Độc lập” được Người đặt lên đầu tiên, nhưng Người cũng nhấn mạnh đến dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc bắt buộc phải có khi đất nước độc lập.

Một trong những điểm nhấn trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân được nhấn mạnh. Tính con người, tính nhân văn vì thế được thể hiện đậm nét hơn.

Việc đưa yếu tố “hạnh phúc nhân dân” vào Văn kiện Đại hội Đảng lần này là bước cụ thể hoá những gì mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện trong suốt những năm tháng qua, tất cả vì mục tiêu đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Nhìn vào những nỗ lực, sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch COVID-19 vừa qua sẽ thấy rõ điều ấy.

Chúng ta đã vừa thực hiện các biện pháp chống dịch thành công vang dội, vừa đảm bảo phát triển kinh tế đất nước, không bỏ bất cứ người dân nào ở lại phía sau. Những chuyến bay thấm đẫm tình cảm đưa người Việt khắp nơi trên thế giới trở về Tổ quốc.

Ngoài kia, dịch bệnh hoành hành ngày càng dữ dội. Những con số thống kê vô hồn về số người mắc, người chết vì dịch bệnh khiến cho thế giới ngày càng nhuốm màu ảm đạm. Các nước đồng loạt thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, áp dụng lệnh cấm đi lại. Trong khi đó, ở trong lòng quê hương xứ sở, mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. Còn gì hạnh phúc hơn! Nơi đâu đáng sống hơn nơi này!

Chào đón năm 2021, chúng ta đã chứng kiến bức tranh tương phản lạ kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử. Những quảng trường vốn là trung tâm của lễ countdown (đếm ngược) với biển người lên tới cả trăm ngàn từ cổng thành Brandenburger (Berlin) đến Times Square (New York) thời khắc giao thừa năm nay yên ắng không một bóng người.

Thế giới đón giao thừa trong im lặng. Nói đúng hơn là trong lo lắng và sợ hãi. Trong khi đó, ở Việt Nam, từ Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn đến nơi biên giới, hải đảo, người Việt Nam đón giao thừa trong không khí mừng vui, tin yêu, hy vọng những điều tốt đẹp đang tới… Nhiều người nước ngoài phải thốt lên rằng, họ là những người hạnh phúc nhất khi được ở Việt Nam những tháng ngày này.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được cụ thể hoá ở văn bản mang tính chính trị cao nhất, có tính mở lối soi đường. Chúng ta có quyền kỳ vọng về năm nay và những năm tới, đất nước ta tràn ngập niềm tin, tươi vui, lạc quan. Mỗi người dân luôn mang trong mình khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh với các cường quốc năm châu.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ( Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn