• Zalo

'Tiềm năng du lịch Việt Nam vẫn còn rất lớn'

Kinh tếThứ Ba, 02/07/2019 14:11:00 +07:00Google News

Trả lời VTCNews, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, cảnh báo du lịch Việt Nam sắp chạm tới điểm bùng phát là còn quá sớm.

Mới đây, một báo cáo chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch tại Việt Nam được Ngân hàng thế giới (WB) công bố vào ngày 1/7 tại Hà Nội với nhiều cảnh báo đặc biệt.

Chuyên đề nhận định rằng tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, điều đó có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường. Nhóm nghiên cứu cho biết, số lượt khách tăng du lịch đã mạnh trong thời gian qua, kết hợp với tình trạng giảm chi tiêu của du khách và quá tải ở một số điểm, đang đặt ra gánh nặng về hạ tầng địa phương, nguồn nhân lực và về môi trường.

Tuy nhiên, trao đổi với VTCNews mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng ý kiến này chưa chính xác.

Theo ông Bình, tiềm năng du lịch của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ngành du lịch cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa với các hoạch định về chính sách để thu hút. Những tồn tại trong quản lý du lịch còn nhiều nhưng để đưa ra mức cảnh báo “điểm bùng phát” đối với du lịch Việt Nam là quá sớm.

“Với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành du lịch cần tăng lên gấp rưỡi nữa. Lúc đó mới tiệm cận đến chỉ số báo động về tình trạng bùng phát”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

du-lich-vn

 Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần lắng nghe nhiều ý kiến trái ngược về ngành du lịch Việt Nam. “Mỗi vị trí, cá nhân sẽ có góc nhìn riêng về một vấn đề. Có thể người đưa ra cảnh báo khả năng bùng phát đối với du lịch Việt Nam, họ có những quan điểm khác xuất phát từ vị trí, vai trò của riêng họ. Các cơ quan quản lý cũng cần có sự lắng nghe để xem xét”, ông Bình nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch cũng viện dẫn về những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, vấn đề cấp visa cho khách du lịch là một trong những điểm nghẽn cần sớm có giải pháp để tháo gỡ. Theo ông Vũ Thế Bình, muốn phát triển bền vững thì cần có những chính sách bền vững.

Đánh giá về tình hình du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, số liệu từ Tổng cục Du lịch cho biết, khách du lịch nội địa đạt 45,5 triệu lượt khách, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 đạt gần 1,2 triệu lượt, giảm 10,6% so với tháng 5 năm nay và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 6, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không với 936.370 lượt, chiếm 79% trong tổng số và giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Trong số đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt hơn 6,6 triệu lượt (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 139.164 lượt (giảm 19,9 % so với cùng kỳ năm 2018); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt hơn 1,6 triệu lượt (tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2018).

Tổng cục Du lịch cũng ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 45,5 triệu lượt khách, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Trong năm 2019, mục tiêu của du lịch Việt Nam là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn